• Zalo

Lễ khai ấn đền Trần bị biến tướng, thành nơi kinh doanh 'siêu lợi nhuận'

Thời sựThứ Ba, 27/02/2018 07:30:00 +07:00Google News

"Một lễ hội chỉ mở vào đêm 14 và kết thúc vào ngày 15 tháng Giêng mà đem lại cho ban tổ chức 10 tỷ đồng thì có thể coi là siêu lợi nhuận, ai mà nỡ bỏ", Thạc sĩ nghiên cứu văn hóa dân gian - nhà viết kịch Chu Thơm nói.

Bình luận về hành vi chen lấn xô đẩy, tranh cướp phản cảm tại Lễ khai ấn đền Trần (Nam Định), Thạc sĩ nghiên cứu văn hóa dân gian - nhà viết kịch Chu Thơm cho rằng, lễ hội này đang bị biến tướng, thành nơi kinh doanh ''siêu lợi nhuận''.

- Từng có nhiều năm nghiên cứu văn hóa dân gian, ông nghĩ thế nào về Lễ khai ấn đền Trần?

Về nguồn gốc, sự ra đời của Lễ Khai ấn đền Trần hiện nay còn nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu. Có tài liệu cho rằng: "Lễ Khai ấn là một tập tục từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ.

Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên - Mông sau đó, Lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại".

0

 Nhiều người sẵn sàng vượt rào, xông vào cướp ấn đền Trần. (Ảnh: Zing)

Tuy nhiên, cũng có người khẳng định, Lễ Khai ấn đền Trần thực ra chỉ mang tính tín ngưỡng của một nhà đền, không liên quan đến nhà nước, đến các vua Trần, đến hành động của các quan chức thời nhà Trần.

Mặc dù còn nhiều điểm chưa thống nhất về nguồn gốc Lễ khai ấn đền Trần, thế nhưng nhiều người có chung nhận định, lễ hội này ngày nay bị biến tướng, đang bị đem ra kinh doanh và mang lại lợi nhuận cao cho tỉnh.

Chính Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định từng công bố với báo chí: “Hàng năm, Lễ hội Khai ấn mang về cho tỉnh khoảng 10 tỷ đồng”.

Một lễ hội chỉ mở vào đêm 14 và kết thúc vào ngày 15 tháng Giêng mà đem lại số tiền đó thì có thể coi là "siêu lợi nhuận", ai mà nỡ bỏ.

- Mỗi lần đến Lễ khai ấn đền Trần, cảnh người dân chen lấn, dẫm đạp lên nhau để giành giật bằng được chiếc ấn lại tái diễn. Ông nghĩ gì khi thấy những hình ảnh này?

Hình ảnh đó trong lễ hội phản ánh rõ thực trạng xã hội. Sự nơm nớp lo sợ “vận hạn” của mình khi khởi đầu cho một năm mới nên phải tìm đến các thầy cúng, tìm đến chùa chiền, những nơi mà họ cho là linh ứng để bám víu vào một “đấng tối cao” trong tưởng tượng để xoa dịu những mối lo âu và sợ hãi vớ vẩn đang chất chứa trong tâm.

01

01

Một lễ hội chỉ mở vào đêm 14 và kết thúc vào ngày 15 tháng Giêng mà đem lại số tiền đó thì có thể coi là "siêu lợi nhuận", ai mà nỡ bỏ.

Nhà viết kịch Chu Thơm

Đó là một xã hội mà người người, nhà nhà mong được làm quan. Ai cũng muốn được quyền cao chức trọng và không ít người trong số đó sẵn sàng dùng thủ đoạn, hãm hại người khác, dẫm đạp lên công sức của người khác để đạt được mục đích của mình.

Có những người thậm chí còn chưa đủ tư cách là công dân tốt nhưng vẫn tìm mọi cách, thậm chí chộp giật để có được chức tước, địa vị trong xã hội.

- Từ hiện tượng người người nô nức đi khai ấn đền Trần tới việc đổ xô đi các lễ hội nói lên điều gì, thưa ông?

Tôi không nói tất cả mọi người khi tìm tới các lễ hội, đi chùa chiền đều có mục đích xấu. Có những người đến chùa chỉ đơn giản để thấy được sự bình an trong tâm hồn, thưởng lãm cảnh vật.

Có những lễ hội ra đời để tưởng nhớ công lao của những người có công với đất nước và người dân tới đó là điều hoàn toàn đáng mừng.

Bên cạnh đó, có một sự thực là càng những người hay làm điều gian dối, những người mua gian bán lận lại càng tích cực đi cầu xin thần thánh. Trong thâm tâm họ biết mình làm điều không phải, họ sợ phải trả giá.

Vì thế, họ sắm mâm xôi cỗ đầy, xếp đầy tiền vàng tới "hối lộ" thần linh. Họ mong Đức Phật và thần linh "xốc nách" qua những tội lỗi, thậm chí là tội ác đối với đồng bào của mình.

Họ quên mất rằng, Đức Phật và các vị thần linh chỉ cho con người ta đường hướng tới thiện chứ không che chở, bảo vệ cái ác hay "chống lưng" ai đó lẩn trốn cái bóng quá khứ chẳng mấy tốt đẹp của họ.

Tôi thấy, tín ngưỡng tôn giáo của chúng ta đang có nhiều điều lệch lạc. Chỉ đơn cử, Đức Phật nói, không có ngôi sao nào xấu chiếu vào ai cả, tất cả đều theo luật nhân quả.

“Muốn biết quá khứ chúng ta gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại”.

Tập tục cúng sao giải hạn đầu năm có nguồn gốc từ Trung Quốc và thường được thực hiện bởi các thầy cúng.

Dù trong giáo lý nhà Phật không hề bao gồm việc cúng dâng sao giải hạn, thế mà giờ người ta vẫn đưa những mâm cao, cỗ đầy lên chùa để nhờ giải hạn thì thật là trái khoáy.

- Thưa ông, giới nghiên cứu nhiều lần lên tiếng mong trả lại ý nghĩa đích thực của các lễ hội, thế nhưng ngày càng có nhiều lễ hội được thổi phồng lên, nguyên nhân vì đâu?

Vì những người buôn thần bán thánh được lợi nhuận. Một lễ hội được mở ra sẽ kéo theo bao nhiêu dịch vụ nào là trông xe, những cửa hàng bán hoa quả, đồ cúng, bán quẻ bói đầu năm, bán hàng trà đá... mọc lên như nấm.

Thậm chí một ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội còn có hẳn dịch vụ cho thuê ghế với giá 30 nghìn đồng/ghế trong vài tiếng đồng hồ.

Còn người dân thì đang trong tình trạng "ngáo lễ hội". Với nhiều người, làm gì thì làm nhưng dịp đầu năm nhất định phải đi cầu xin thần linh. 

Hai yếu tố cung và cầu gặp nhau thì sẽ dẫn tới tình trạng ngày càng có nhiều lễ hội được tổ chức và được thổi phồng ý nghĩa lên.

Xin cảm ơn ông!

Video: Biển người chen lấn trong Lễ khai ấn đền Trần

Mộc Trà
Bình luận
vtcnews.vn