Ngoài lễ cũng ông Công ông Táo vào ngày 23 và cúng Tất niên vào chiều 30 thì rằm là lễ cúng quan trọng nhất trong tháng Chạp. Nhiều người băn khoăn, liệu rằm tháng Chạp có giống các ngày rằm khác, lễ cúng có cần chuẩn bị đặc biệt hơn?
Trong quan niệm của người Việt, ngày rằm tháng Chạp cũng giống như các ngày rằm khác và không được nhấn mạnh đặc biệt như rằm tháng Giêng hay rằm tháng Bảy. Tuy nhiên trong tâm lý mọi người, ngày này được coi trọng hơn rằm thường một chút vì là rằm cuối cùng của năm. Đây cũng là thời điểm cận Tết Nguyên đán và ai nấy đều đang có tâm lý chuẩn bị tiễn năm cũ, đón năm mới. Rằm tháng Chạp cũng là cái mốc thời gian nhắc nhở chúng ta nhanh chóng hoàn thành các dự định, kế hoạch công việc để kịp đón Tết.
Với tâm lý đó, lễ cúng rằm tháng Chạp được nhiều gia đình chuẩn bị công phu, cẩn thận hơn bình thường. Với những nhà không cúng mặn, hương hoa, bánh trái bày lên cũng thường tươm tất hơn.
Nhiều người cũng coi lễ cúng rằm tháng Chạp như bước khởi động cho chuỗi "hương khói" hướng về tổ tiên ông bà từ thời điểm đó cho đến sau rằm tháng Giêng.
Lễ cúng rằm tháng Chạp gồm những gì?
Về cơ bản, lễ cúng rằm tháng Chạp gồm:
- Hương, hoa tươi
- Trái cây
- Nước sạch
- Đèn nến
Có thể có thêm trầu cau, rượu, thuốc lá, vàng mã... tùy quan niệm, thói quen của từng gia đình.
Với những gia đình cúng cỗ mặn, ngoài những thứ kể trên, lễ vật thường gồm những món ăn truyền thống đặc trưng ngày Tết như gà luộc, xôi hoặc bánh chưng, giò chả, nem rán, thịt đông, canh miến, măng xào…Thật ra, nếu gì để cúng rằm là tùy tâm, không bắt buộc. Bạn có thể dâng cũng những món ăn gia đình mình yêu thích, hoặc ông bà bố mẹ hồi còn sống yêu thích, không nhất thiết phải làm nhiều món cầu kỳ.\
Những lưu ý khi cúng rằm tháng Chạp
Nguyên tắc quan trọng nhất của việc hương khói trong các ngày sóc, ngày vọng chính là sự thành tâm. Sự thành thâm này thể hiện trong các chi tiết sau:
- Chọn người cúng: Là người quan trọng trong gia đình, thường là người lớn tuổi nhất hoặc trưởng nam, trưởng nữ, người có uy tín, "linh hồn" của gia đình.
- Người đứng ra cúng rằm phải tắm gội sạch sẽ, quần áo nghiêm túc, đầu tóc gọn gàng.
- Khi làm lễ, tư thế, nét mặt thể hiện sự thành kính, trang nghiêm, tập trung vào việc đang làm, không phân tâm.
- Những người khác xung quanh không gây ồn ào hay cười đùa, cợt nhả, không đánh mắng nhau.
Bình luận