Ngày 29/9, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề: “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, đây là diễn đàn kết nối đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành nghiên cứu trên các lĩnh vực nhằm kịp thời bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, nội dung Hội thảo rất đặc biệt, thảo luận về những vấn đề hệ trọng của thành phố, không chỉ liên quan đến những vấn đề của Hà Nội, những vấn đề trước mắt mà cả lâu dài, tầm nhìn không chỉ dừng lại ở 5 năm.
Vì thế, nếu Hà Nội có được quy hoạch đúng, trúng thì còn có một chức năng quan trọng là đầu tàu, động lực, góp phần lan tỏa, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Bắc, trong đó có khu vực đồng bằng sông Hồng phát triển thời gian tới.
Đánh giá cao những phát biểu tham luận tại Hội thảo cũng như những góp ý, gợi mở của các chuyên gia, nhà khoa học đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố sẽ có thêm nhiệt huyết vì những ý kiến này không chỉ cung cấp thêm cho thành phố những vấn đề mới trong các quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch Thủ đô cần quan tâm.
Còn nhiều vấn đề mà trong đề cương, gợi ý về Quy hoạch Thủ đô chưa được làm rõ, thì hôm nay các ý kiến đóng góp tại Hội thảo giúp thành phố làm rõ hơn. Ví dụ như vấn đề liên quan đến nông nghiệp đô thị, trong khi thành phố mới chỉ quan tâm đến nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ… để từ đó thành phố có những điều chỉnh hợp lý về định hướng phát triển nông nghiệp Hà Nội trong tương lai.
Những ý kiến phát biểu tại Hội thảo cũng như tham luận trong kỷ yếu là những tâm huyết, tình yêu của các chuyên gia, nhà khoa học dành cho Hà Nội, để thành phố phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới với quan điểm thành phố không đặt vấn đề cạnh tranh với các tỉnh, thành phố trong cả nước mà phải sánh tầm với các quốc gia trong khu vực, thế giới.
Đồng thời, phấn đấu đến năm 2045, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, đại diện cho bộ mặt quốc gia. Trong đó, Quy hoạch Thủ đô có quan điểm mới là lấy sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm cho sự phát triển Thủ đô thời gian tới.
Tại Hội thảo, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định, qua các thời kỳ, Hà Nội luôn hội tụ nhiều tinh hoa văn hóa và đều khẳng định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, có vị thế quan trọng trong quan hệ quốc tế.
Vị thế của Hà Nội sẽ tiếp tục được khẳng định trong định hướng Quy hoạch Thủ đô giai đoạn tới.
GS.TS Hoàng Văn Cường trình bày dự thảo đưa ra phương án phát triển cụ thể đối với các lĩnh vực kinh tế, định hướng quy hoạch giáo dục, y tế; quy hoạch không gian văn hoá - thể thao và du lịch; phương án phát triển hạ tầng giao thông; quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn; tái thiết đô thị theo mô hình TOD; tái thiết đô thị theo mô hình tái điều chỉnh đất; mô hình mở rộng ngoài đô thị trung tâm; phương án quy hoạch phát triển nông thôn…
5 vùng kinh tế - xã hội của Hà Nội được xác định gồm: Vùng đô thị Nam sông Hồng gồm 2 tiểu vùng, trong đó tiểu vùng 1 có 6 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy - khu vực trung tâm hành chính quốc gia. Tiểu vùng 2 gồm 8 quận, huyện: Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Thanh Trì và Hoài Đức.
Vùng thứ hai là vùng Bắc sông Hồng, gồm 4 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh và Mê Linh, hình thành trung tâm hành chính mới của Thủ đô.
Khu vực thứ ba là vùng Tây Nam Thủ đô, gồm 6 huyện, thị xã: Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai và Chương Mỹ.
Vùng phía nam Thủ đô gồm 5 huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hoà, Thanh Oai và Mỹ Đức.
Vùng phía Bắc Thủ đô gồm khu vực Nội Bài và huyện Sóc Sơn.
5 không gian phát triển đô thị: Đô thị trung tâm, gồm 2 tiểu vùng phía Nam và Bắc sông Hồng; đô thị Hoà Lạc, định hướng phát triển thành phố khoa học - đào tạo; đô thị Sơn Tây - Ba Vì phát triển văn hoá du lịch; đô thị phía Bắc gồm Sóc Sơn và một phần Đông Anh, một phần Mê Linh; đô thị phía Nam gồm Phú Xuyên, Ứng Hoà khi hình thành sân bay thứ 2 vùng Thủ đô.
Đề án cũng đã nêu 5 khuyến nghị về cơ chế, chính sách thực hiện quy hoạch, trong đó, khuyến nghị đầu tiên khuyến khích người dân di dời chỗ ở, các trường đại học, bệnh viện để giảm tải cho khu vực nội đô; khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư khoa học công nghệ; cơ chế đối với nông nghiệp Thủ đô và sử dụng mặt nước, bãi ven sông.
Bình luận