Chiều 9/10, Bộ Y tế tổ chức buổi gặp mặt thông tin cho báo chí về tình hình các dịch bệnh trong cả nước thời gian vừa qua. Trong đó, Bộ nhấn mạnh vào các căn bệnh có tỉ lệ lây lan cao, biến chứng phức tạp như bệnh tay chân miệng, bệnh sởi và bệnh sốt xuất huyết...
Tính đến đầu tháng 10/2018, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp thiệt mạng tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. So với năm 2017, số ca mắc bệnh tay chân miệng cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%.
Tuy nhiên, do tình hình bệnh diễn biến khá phức tạp, một số tỉnh, thành phố có số ca mắc bệnh cao, tăng nhanh trong các tuần gần đây như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Hà Nội.
Đặc biệt, số ca bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1 - 5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 79%) và dưới 1 tuổi (chiếm 17%).
Theo TS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) các tuýp virus chủ yếu là EV71 (chiếm 21%), các EV khác là 20%, Coxsackie A10 là 6%, Coxsackie A6 là 3%, virus đường ruột khác là 4%.
Trong đó, đáng chú ý, EV71 là chủng dễ gây biến chứng nặng và gây thiệt mạng cho trẻ dưới 5 tuổi.
Nói về thông tin cho rằng virus gây bệnh tay chân miệng đã biến đổi gen, thành một loại virus mới nguy hiểm hơn và tốc tộ lây lan nhanh hơn trước, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, ông Trần Đắc Phu – khẳng định: "Hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của virus gây bệnh tay chân miệng ở Việt Nam".
“Mặc dù, E71 là chủng virus dễ gây biến chứng và thiệt mạng ở trẻ em, nhưng theo thông tin chúng tôi nắm được, thì hiện tại chưa có bất kỳ sự thay đổi hay biến đổi cấu trúc về gen của chủng virus này ở Việt Nam”, ông Phu nhấn mạnh.
Video: Chủng virus khiến 6 ca thiệt mạng do chân tay miệng nguy hiểm thế nào?
Bình luận