Video: Làng cốm đất Cảng rộn ràng ngày Tết Trung thu
Làng Nông Xá (xã Tân Tiến, huyện An Dương, TP Hải Phòng) từng nổi tiếng với nghề làm cốm mộc, nhưng theo ông Bùi Văn Tuyển (62 tuổi), theo cơ chế thị trường, làng nghề dần mai một, các thế hệ sau không còn mặn mà với nghề. Cả làng giờ chỉ còn vài ba hộ gia đình làm nghề này, lưu lại hương vị đậm chất làng quê.
Khi đôi tay vẫn sơ đều hạt cốm chưa thành phẩm sau mỗi tiếng chày giã nhịp nhàng, ông Nguyễn Văn Đê (60 tuổi, người có hơn 40 năm kinh nghiệm) cho hay, vì tiếc nghề truyền thống cha ông để lại nên gia đình ông vẫn chọn gắn bó với công việc này và cho ra đời những mẻ cốm thơm, mềm, ngọt... giao cho khách khu vực Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành khác như Quảng Ninh, TP.HCM...
Dù không còn nhiều hộ gia đình làm cốm nhưng mỗi độ Tết Trung thu cận kề, đến đầu làng Nông Xá du khách đã nghe được tiếng chày thậm thịch giã cốm vang lên nhịp nhàng.
Theo ông Đê, chất lượng thóc nếp quyết định đến độ ngon của cốm. Để có được những mẻ cốm ngon, gia đình ông phải tìm mua thóc nguyên chất nếp cái hoa vàng từ Thái Bình, Hải Dương, mang về phơi một vài nắng rồi mới đem ngâm, đãi trấu, tạp từ 8-9 tiếng.
Sau đó, thóc được cho vào chảo gang rang. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông Đê, ông Tuyển hay những người làm cốm khác ở làng Nông Xá sẽ ước lượng được khi nào thóc chín tới để đổ ra cối giã. Nếu như trước đây phải đảo thóc bằng tay thì hiện nay, mỗi gia đình thiết kế ra máy đảo thóc nhưng vẫn phải điều chỉnh lửa, lửa phải đều, không được quá to, quá nhỏ, rang khoảng 8-10 phút.
Khi rang chín và để nguội tới, thóc được đưa vào máy "chuội trấu". Sau đó, những người thợ sẽ sẩy sạch hạt trấu trước khi cho thóc vào giã.
Cốm được giã bằng máy nên hạt cốm đều. Trong lúc giã, người thợ làm cốm Nông Xá phải dùng tay đảo thóc liên tục để vỏ vỡ thành trấu, còn hạt dẹp thành cốm và các hạt không bị dính vào nhau.
Phần cốm giã xong được chuyển sang công đoạn tách mùn, trấu. Lúc này, người thợ sẩy cốm giã từ trên cao, trước quạt điện để thổi sạch trấu.
"Cốm đạt tiêu chuẩn là cốm sạch, không còn bụi trấu. Vì vậy, mỗi mẻ trấu, người thợ phải sàng 3-4 lần, đến khi nào sạch mới cho vào túi, chuyển đến tay khách hàng", một người làm cốm ở làng Nông Xá chia sẻ.
Cốm làng Nông Xá có 2 loại là cốm ướt và cốm rang. Theo ông Đê, tháng 8 Âm lịch hàng năm là thời gian cốm mộc Nông Xá vào vụ. Vợ chồng ông phải thức dậy từ 2-3h sáng, tối 7h mới được nghỉ. "Thời gian này, mỗi ngày gia đình làm được 1 tạ cốm từ 2 tạ thóc để mang bán. Từ khi lên 10 tuổi, tôi bắt đầu phụ giúp gia đình công việc giã cốm nên luôn muốn gắn bó với nghề này, giờ bỏ nghề tiếc lắm", ông Đê nói.
Từng mẻ cốm được khách mua trực tiếp tại nhà ông Đê. Những ai từng một lần ăn cốm mộc Nông Xá chắc hẳn sẽ không bao giờ quên được hương vị cốm nơi đây.
Bình luận