Clip: Chia sẻ của nghệ nhân Trần Văn Bản về nghề làm khuôn gỗ bánh trung thu
Nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng hơn 20km về phía nam là thôn Thượng Cung (xã Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội). Nơi đây trước kia nổi tiếng với nghề đục khuôn gỗ bánh trung thu, nhưng nay chỉ còn duy nhất nghệ nhân 54 tuổi bám trụ với nghề là ông Trần Văn Bản.
Dù ông bà, cha mẹ không ai làm nghề mộc nhưng ngay từ thuở đi học cùng bạn bè, chàng thiếu niên Trần Văn Bản đã có niềm đam mê với những chiếc đục, mảnh gỗ. Sau đó, ông bén duyên với nghề đục đẽo khuôn bánh trung thu.
Ông Bản chia sẻ, khi xưa, người dân trong làng Thượng Cung đục đẽo khuôn bánh quanh năm để cung cấp ra thị trường vào dịp Tết Trung thu. Dọc con đường dẫn vào làng, gỗ xà cừ được xếp hàng dài để chờ thợ xẻ gỗ.
“Các nhà làm nghề phải nuôi thợ ăn, ở để xẻ gỗ bằng tay, sau đó gia đình mới pha khuôn được”, ông Bản nhớ lại.
Vào những năm 1980-1990, nghề đục khuôn bánh trung thu phát triển rực rỡ. Hàng ngày, xe tải từ khắp các nơi trong cả nước nườm nượp đổ về Thượng Cung chất những bao tải đựng khuôn bánh với hình dáng tùng, cúc, trúc, mai… lên xe.
Tuy nhiên kể từ năm 2000 trở đi, những chiếc khuôn nhựa từ Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường bởi giá cả rẻ, mẫu mã đa dạng. Từ đây, khuôn bánh bằng gỗ rớt giá thê thảm nhưng vẫn không có khách mua, các hộ làm nghề đục khuôn bánh trong thôn Thượng Cung chuyển sang làm công việc khác.
Ông Bản khi đó ngày đêm băn khoăn suy nghĩ và tìm ra nhược điểm lớn nhất của khuôn bánh gỗ cổ truyền là những đường nét hoa văn thô, kém sang hơn hẳn so với những khuôn bánh làm bằng nhựa. Tuy nhiên, ông vẫn tin tưởng khuôn gỗ có độ bền, đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ thu hút khách hàng trở lại nên ông không nản chí, tiếp tục tìm cách cải tiến sản phẩm.
Một ngày có 24 tiếng thì ông dành 20 tiếng đồng hồ cho công việc, có những hôm ông làm đến 2h sáng rồi chợp mắt một chút đến 5h lại dậy làm. Để khắc phục những điểm lỗi của sản phẩm, ông lấy đất đổ vào khuôn để xem những đường nét bị lỗi ra sao.
“Tôi kiên trì ngày đêm mày mò đục đẽo sao cho được những nét hoa văn tinh xảo đó. Khi sản phẩm hoàn thành, tôi mang đi chào mời khách hàng nhưng họ không tin tôi làm được như vậy. Tuy nhiên, sau người nọ truyền tai người kia, mọi người tự tìm đến tôi”, ông Bản cười nói.
Người nghệ nhân có 38 năm làm nghề đục khuôn bánh cho hay, đến nay công nghệ phát triển, nhiều khách hàng thiết kế bản vẽ rồi gửi hình ảnh cho ông qua điện thoại để đục khuôn. Có những đường nét rất chi tiết, nếu ông đục không khéo là vỡ ngay, bởi vậy có những sản phẩm cầu kì ông phải làm mất cả ngày trời.
Giá cả của những khuôn bánh dao động từ 300 – 700 nghìn đồng, có khi lên đến hàng triệu đồng. Các sản phẩm của ông bán chạy kể từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch với nhiều mẫu khuôn bánh nặng đến hàng kg. Thu nhập trong khoảng thời gian này mang lại cho ông hàng vài chục triệu đồng.
Khi khách hàng nhập khuôn bánh về, để bánh đổ vào khuôn được róc, ông thường nhắc họ ngâm mỡ lợn hoặc dầu ăn. Do được làm bằng gỗ nên bánh cũng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Làm bánh dẻo thì bột chín họ cho bột vào khuôn cùng nhân vào là xong, còn bánh nướng thì dùng bột đã nhào tạo hình trong khuôn rồi cho vào nướng. Dùng khuôn bằng gỗ vừa sạch lại vừa bền, mãi mãi không hỏng", ông Bản chia sẻ mấy năm gần đây các khách hàng ngoại quốc cũng đến tham quan cơ sở sản xuất của ông để đặt hàng.
Dù tuổi ngày càng cao, mắt càng kém nhưng ông Bản vẫn miệt mài đục đẽo, những lúc có nhiều đơn hàng thì ông gọi thêm con cái cùng làm. Người nghệ nhân này luôn tin nghề đục khuôn bánh sẽ mãi phát triển và đem lại cuộc sống khấm khá cho gia đình.
“Tôi đam mê với khuôn bánh trung thu bằng gỗ bởi đó là nghề truyền thống của cha ông ta và nó đem lại cho người dân sự an toàn khi sử dụng bánh. Giờ mắt mũi tôi kém rồi, lưng cũng đau nhưng các con của tôi chắc chắn sẽ làm theo nghề này”, ông Bản chia sẻ.
Một số hình ảnh PV ghi nhận tại nơi sản xuất khuôn bánh trung thu của ông Bản:
Bình luận