• Zalo

Làng buôn... "một góc con người"

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 03/09/2012 11:48:00 +07:00Google News

Nghề buôn tóc không lạ nhưng cả làng có 300 nhà buôn tóc, giao dịch với toàn khách “ngành dọc” khắp năm châu, bốn biển thì có lẽ chỉ có ở Thiệu Tổ.

Nghề buôn tóc không lạ nhưng cả làng có 300 nhà buôn tóc, giao dịch với toàn khách “ngành dọc” khắp năm châu, bốn biển thì có lẽ chỉ có ở Thiệu Tổ (Trung Nguyên, Yên Lạc, Vĩnh Phúc).

Chân dung “đại gia” tóc

Nhà cao, cửa rộng, quần áo láng mượt, cầm lái ô tô tiền tỉ. Đó là vài nét sơ lược về “đại gia” buôn tóc Nguyễn Văn Bốn. Dưới tấm kính bàn uống nước nhà anh Bốn hàng chục loại ngoại tệ được găm xuống, khoe đủ hình dáng, màu sắc. Mỗi khách ngoại quốc đến giao dịch thường để lại đồng tiền nước mình như một loại “các vi dít” đặc biệt cho chủ nhà. Nào tiền Israel, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc…

Năm 2000, Bốn vào nghề buôn tóc do một vài người ở Bắc Ninh sang nhờ mua giúp, ăn hoa hồng. Thấy tiềm năng của nghề, vợ chồng anh thế chấp nhà cửa, vay ngân hàng 5 triệu đồng làm vốn. Thủa đầu, họ tìm đến các chủ vựa sắt vụn, đồng nát lùng tóc rối, lặn lội vào từng chợ quê, chợ cóc gạ mua hàng. Để tóc thành hàng hóa phải là loại dài từ 30cm trở lên. Sau khi đã biết ngóc ngách ngón nghề, Bốn không bán cho thợ Bắc Ninh nữa mà lên tận Đồng Đăng (Lạng Sơn) tiếp thị.

 

Giờ không phải đi đâu xa, thương lái Trung Quốc cũng như đủ loại quốc tịch túa về Thiệu Tổ ăn hàng rầm rập. Vợ chồng anh Bốn thuộc diện buôn tóc sớm nhất nhì làng, từ hồi giá chỉ bèo bọt 3 triệu đồng/yến đến nay có loại đã tăng lên tới 7-8 triệu đồng/cân.

Buôn tóc giờ đã lan ra cả làng với 300 hộ tham gia, người buôn nhỏ cũng vốn chừng dăm bảy chục triệu, đại lý lớn cả vài tỉ đồng xoay vòng. Nghề này cứ thật thà, thẳng băng như tóc, không có chuyện “trong bánh ngoài lá”. Hàng nào dài, đẹp là tiền đẹp. Giá cứ tịnh tiến theo chất lượng: 2 triệu đồng/kg tóc rối, tóc vừa 5 triệu/kg, tóc dài trên 1m giá 7-8 triệu/kg. Thời điểm chạy hàng, vợ chồng anh Bốn bán dăm bảy tạ tóc một tháng.

Chồng lái ô tô, vợ ôm bọc tiền đi giao dịch khắp các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Sơn La, Điện Biên… Mỗi vùng miền, dân tộc lại có các loại “hàng” đặc trưng. Những lọn tóc phụ nữ người Mông chảy dài xen lẫn vài sợi vàng hoe thơm hương sương gió miền biên ải. Những tằng cẩu phụ nữ Thái đen nhóng nhánh còn ủ hương các vị lá, mùi hoa núi rừng.

 

Phụ nữ Thái có phong tục ngâm nước gạo để gội đầu. Nước gạo ngâm kỹ phối với những thứ lá trên rừng thành một loại dầu dưỡng đặc biệt. Anh Bốn bảo: “Lúc đầu phụ nữ vùng cao rất sợ bán tóc vì e người dưới xuôi dùng để kết… bùa, làm chài, sau biết là đồ trang điểm họ mới bán”.
 

Lúc đầu phụ nữ vùng cao rất sợ bán tóc vì e người dưới xuôi dùng để kết… bùa, làm chài, sau biết là đồ trang điểm họ mới bán.

Anh Nguyễn Văn Bốn


Đất Việt có nguồn tài nguyên tóc vô tận và tốt nhất trong khu vực bởi xứ lạnh quá thì tóc mỏng, tóc thưa, nóng quá như ở Campuchia, Lào thì tóc xoăn, xù, xấu chiếm đa số chứ hiếm có nơi nào tóc dài, mượt như những con suối, con khe như phụ nữ Việt.

Tóc có nhiều loại. “Tóc nóng” cắt tươi roi rói trên đầu, còn có dưỡng chất do máu nuôi nên mượt mà, sống động bảo quản rất lâu mà không khô, hao, xác gầy. “Tóc lạnh” là tóc rối. Trong cộng đồng người Thái, các bà, các mẹ mỗi khi chải đầu, rụng sợi tóc nào lại gom cho con, cho cháu làm tằng cẩu. Tóc ấy được gỡ ra, vân vê thành lọn, cất kỹ trên liếp nhà. Mỗi khi gội đầu nhúm tóc rối cũng được gội, chải ra cho mượt rồi độn vào tóc thật trên đầu kết thành tằng cẩu.

 

Tằng cẩu là một thứ ngôn ngữ chỉ dấu của phụ nữ Thái đã có chồng. Có phiên chợ, vợ chồng anh Bốn mua được cả bao tải vài chục cân tằng cẩu. Mỗi tằng cẩu dài cả mét, dày mượt nặng lắm cũng khoảng 1-1,5 lạng nên một bao tải là vài trăm mái tóc.

Buôn tóc cũng lắm gian nan. Có đợt giáp Tết, tiết đại hàn chết cả trăm ngàn con trâu bò, vợ anh Bốn ngồi kẹp giữa hai bao tải tóc to lặc lè trên chiếc xe máy chồng đèo, dọc đường gặp chiếc xe khách lấn đường va phải, sống chết lúc đó còn mong manh hơn cả sợi tóc. Ướt như chuột lột. Rét tê, rét tái.

Cả hai vợ chồng bò về được đến nhà rồi nằm đắp chăn mấy tiếng mới hồi tỉnh. Mở bao tải hàng ra, tóc vẫn khô, vẫn thơm mùi hương nhu, lá sả, lá bưởi. Sau đận ấy, vợ chồng anh Bốn quyết định mua ô tô để tiện cho việc giao dịch, vừa an toàn lại vừa tiện lợi.

Ai tóc dài, tốc rối ơ...

Để có hàng cho những đại gia tóc, Thiệu Tổ có hàng trăm chân rết chuyên đi săn hàng khắp Bắc, Trung, Nam thậm chí sang cả Lào, Campuchia. Vợ chồng Ngô Văn Thụ - Nguyễn Thị Đạy là những người như vậy. Các thợ tóc thường ở trọ cùng nhóm, ngày tỏa đi săn hàng, tối gom hàng về. Có những chuyến đi đến các vùng đất xa cuốc bộ cả ngày ròng, có những bận lội vào đường mưa trơn phải mua xích cam quấn bánh xe cho có độ bám.

Chị Đạy bảo, vào các vùng sâu gặp không ít chuyện buồn cười. Như nhiều phụ nữ dân tộc cũng muốn bán tóc nhưng cứ ngần ngừ hỏi: “Lược, dao của cô có… tẩm thuốc mê không? Cô có thuốc nào giúp mọc nhanh tóc không?”.

Có người tiếc không xuống tóc tất tay mà chỉ cho tỉa bớt một nửa rồi phụ nữ Thái thì quấn giẻ vào độn làm tằng cẩu, phụ nữ Mông thì độn lông đuôi ngựa vào cho mái tóc khi vấn lên vẫn đầy đặn, vẫn như "chưa hề có cuộc chia ly".

 

Có trường hợp vợ lén bán tóc về nhà bị chồng đánh tơi bời, ngược lại có ông chồng ham tiền uống rượu bắt vợ bán tóc mà trái ý thì bị đập cho một trận nên thân. Dân Thiệu Tổ có lắm chiêu thuyết khách rất độc. Có người mỗi khi đến vùng đất mới là mua một con chó, một can rượu đến gặp trưởng bản “dân vận”. Một lời của già làng là cả bản cứ ra giơ đầu cho mà cắt, tóc cứ gọi là lèn chặt cả bao. Nhiều vùng, tóc còn được đem ra đổi áo mưa, chăn, màn, ri đô, nước mắm cùng vô số thứ tạp hóa khác.

Mua hàng toàn theo kiểu “quạ”, nghĩa là ước lượng rồi trả giá nên có những người tóc rơi khỏi đầu thợ đã biết hớ vì tóc xù, khô đánh lừa con mắt nghề nghiệp. Điều bất ngờ là nguồn cung cấp tóc không chỉ có phụ nữ độc quyền. Trong 20 năm bươn chải với nghề, chị Đạy kể rằng đã mua được 4 mái tóc của… đàn ông, 3 người trong Nam, 1 người ngoài Bắc. Những mái tóc nam giới dày, đẹp, mượt mà khiến ối cô gái phải xuýt xoa ghen tị.

 

Thợ tóc cũng có cách ăn gian độc đáo, lúc hàng chạy, họ buộc cả chục cái chun vào một lọn tóc để gia tăng trọng lượng, hàng bán chậm họ chỉ dám buộc vài cái vì sợ bị chủ đại lý phản ứng. Bí tiền ăn xổi, dầm tiền lưu kho là câu mà thợ tóc Thiệu Tổ nào cũng thuộc nhưng để áp dụng phải trường vốn.

Cũng như nhiều loại hàng khác, tóc bảo quản lâu cũng bị hao, bị ngót nhưng với tỷ lệ rất nhỏ, cả tạ tóc lưu kho 1 tháng có khi chỉ ngót mất vài lạng. Tóc kỵ nhất là nước vì ngấm nước lâu ngày dễ sinh mủn, mà đã mủn là mủn hàng bao, mủn mất cả cọc tiền xanh 500.000đ chứ không phải vài hào tiền bồm, bạc lẻ. Do đó, các tay to trong làng Thiệu Tổ khi có nhiều hàng họ mua cả thùng dầu gội về “mông” tóc, chải tóc sao cho óng mượt như tơ rồi bảo quản nơi khô ráo chờ một ông chủ nước ngoài đến ăn hàng.
Đừng tưởng tóc chỉ cam phận làm đồ trang điểm. Dân xứ đại hàn tóc mỏng thường đội tóc giả thay mũ chống rét, họ không chỉ có một bộ mà có tới ba bốn. Bộ thì đi dự tiệc, bộ đi làm, bộ đi du lịch… Có người còn cầu kỳ hơn thuê kết áo bằng tóc trị giá cả chục ngàn đô la. Áo này mặc vào ấm sực, mềm mượt hảo hạng hơn cả lông cừu.


TheoDương Đình Tường - NNVN

Bình luận
vtcnews.vn