• Zalo

Làm sao khi bé nghiện đồ ngọt?

Sức khỏeThứ Bảy, 25/08/2012 12:26:00 +07:00Google News

(VTCNews) - Con gái tôi 4 tuổi, thuộc tuýp béo. Tôi đã đưa bé đi khám dinh dưỡng để điều chỉnh chế độ ăn uống, thế nhưng điều tôi lo ngại nhất là bé mê đồ ngọt.

(VTCNews) - Con gái tôi 4 tuổi, thuộc tuýp béo phì. Tôi đã đưa bé đi khám dinh dưỡng để điều chỉnh chế độ ăn uống, thế nhưng điều tôi lo ngại nhất là bé nhà tôi rất mê đồ ngọt. Vậy tôi phải làm cách nào để giúp bé cai nghiện loại đồ ăn khoái khẩu này?

Minh Đan (Bến Tre)

Trả lời: 

Đồ ăn ngọt đã qua chế biến như bánh, kẹo, đường sữa …là những đồ ăn ưa thích của không ít người, nhất là với trẻ nhỏ. Tuy nhiên điều đáng nói là nhóm đồ ăn này là thủ phạm gây nên nhiều chứng bệnh nguy hiểm, điển hình có thể kể đến là chứng bệnh tim mạch, cao huyết áp, béo phì, tiểu đường, khiến răng bị sâu hoặc xỉn màu…

 

Vì thế cắt giảm và điều tiết những đồ ăn ngọt là điều cần thiết để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Nếu con bạn là một đứa trẻ “hảo ngọt” bạn có thể áp dụng những chiêu thức sau để giúp bé cắt giảm với loại đồ ăn này.

Bắt đầu dần dần và từ từ: Không nên đột ngột bắt trẻ phải từ bỏ thói quen ăn đồ ngọt vì điều đó sẽ khiến trẻ bị hẫng và khó chấp nhận. Thậm chí nó còn kích thích những cơn thèm ăn đồ ngọt của bé trở nên dữ dội và khó “cai” hơn.

Hãy xem đây như một giai đoạn lâu dài và cần phải tiến hành dần dần, hãy kiên trì cắt giảm đồ ăn ngọt cho bé theo thời gian.

Tránh dùng thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều đường: Tốt nhất nên chế biến món ăn từ những nguyên liệu thực phẩm tươi sống, sẵn có. 

Nếu bắt buộc phải dùng đồ ăn chế biến sẵn thì bạn nên kiểm tra trước lượng đường của loại thức ăn đó. Đường trong đồ ăn sẵn tiềm ẩn nhiều trong bánh mỳ, bột mỳ, các đồ ăn đóng gọi, các loại mứt, các loại hạt đóng hộp.

Thay thế bằng hoa quả tươi: Những loại trái cây tươi cũng có chứa đường nhưng đường trong trái cây khác với đường nhân tạo. So với đường tinh luyện thì đường trái cây dễ hấp thụ hơn, không dễ gây bệnh và nó còn có chứa nhiều vitamin, khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. 

Vậy nên nếu khi nào bé đòi ăn bánh, kẹo, đường, sữa bạn hãy nghĩ cách “lái” bé sang các món ăn chế biến từ nguyên liệu chính từ trái cây ví như hoa quả dầm, sữa chua trộn hoa quả, thạch hoa quả hay hoa quả ướp lạnh….

Đọc kỹ nhãn mác khi chọn mua đồ ăn: Đừng quên kiểm tra hàm lượng đường có trong đồ ăn, thức uống trước khi bạn định “rinh” nó về nhà. Nếu trên nhãn mác thực phẩm, đồ uống có ghi thành phần của nó chứa: đường nâu hay còn gọi đường đỏ, đường thốt nốt, đường mía, si rô, glucozo, fructozo, mật ong, lactozo…thì đó đều là những thành phần thuộc “họ hàng” của đường.

Không tích trữ đồ ăn nhiều đường: Việc tích trữ những thực phẩm có chứa nhiều đường trong gian bếp sẽ khiến bé càng khó có thể “kìm lòng” trước những đồ ăn ngọt đầy hấp dẫn và thú vị đó. Trái lại một gian bếp cũng như một chiếc tủ lạnh bị “bỏ đói” ít nhất là với những đồ ăn ngọt cũng là cách giúp bé kìm hãm những cơn thèm ăn đồ ăn ngọt.

Dùng mật ong thay thế đường: Mật ong có vị ngọt có thể dùng để thay thế đường, ngoài ra mật ong còn có chứa nhiều dưỡng chất bổ dưỡng có lợi cho sức khỏe. Vì thế trong cuộc sống thường ngày bạn có thể dùng mật ong cho bé để thay thế đường vừa có tác dụng giúp bé thỏa mãn vị giác, vừa không gây hại cho sức khỏe như đường tinh chế.

Ví như có thể thêm mật ong vào trà hoặc nêm vị ngọt cho nhiều món ăn khác, tuy nhiên cũng không nên lạm dụng nó dưới bất cứ hình thức nào vì nó cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy với sức khỏe nếu dùng “quá liều”.

Dự phòng sẵn kẹo không đường: Với loại kẹo không đường này có thể giúp bé khỏa lấp cảm giác thèm ăn mà cơ thể lại không phải tiếp nhận bất cứ lượng đường nào. Kẹo cao su không đường cũng là một trong những loại kẹo nhiều trẻ ưa thích.

Khổng Thu Hà

Bình luận
vtcnews.vn