Công việc văn phòng vốn ít vận động cộng thêm quỹ thời gian eo hẹp khiến dân văn phòng trở nên kém nhanh nhẹn và khó lòng giữ được vóc dáng như mong muốn. Nhiều người, đặc biệt là các chị em đã chọn thể dục buổi trưa tại các trung tâm như một cách khắc phục nhược điểm này.
Nhiều chị em tin rằng, tập luyện đều đặn, thường xuyên, bỏ tập càng ít càng tốt, không chỉ giúp cải thiện vóc dáng mà còn mang đến tinh thần sảng khoái để bắt đầu làm việc buổi chiều. Tập thể dục vào buổi trưa (hoặc quanh thời gian nghỉ trưa) làm tăng sự trao đổi chất cho cơ thể, giúp nửa ngày làm việc còn lại thêm hứng khởi. Việc này cũng tiếp thêm năng lượng để tránh sự uể oải thường thấy khi chiều tà.
Tập gym vào buổi trưa đôi khi là sự lựa chọn duy nhất của dân văn phòng. |
Không nên bỏ bữa trưa
Một huấn luyện viên phòng gym cho biết: “Dù là mục tiêu tăng cân, tăng cơ hay giảm cân, giảm mỡ thì 1 tuần tối thiểu phải tập 3 buổi, nếu có thời gian và điều kiện thì có thể tập 4-5 buổi một tuần và trong tuần sẽ có ngày nghỉ cho cơ phục hồi. Dù là tăng cân hay giảm cân, tập hay không tập thì việc bỏ bữa trưa luôn luôn là phản khoa học. Vấn đề là ăn vào thời điểm nào của buổi trưa, trước hay sau tập để đáp ứng được chế độ tập cũng như mục tiêu đề ra”.
Trong luyện tập, chế độ ăn uống rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả bài tập. Tập ca trưa không nên để quá đói và không quá no. Nếu ăn trưa thì phải ăn trước khoảng 30-45 phút sau đó mới tập. Khi đói mà tập có thể bị ngất, hoặc choáng váng. Khi no mà tập thì sẽ bị đau dạ dày. Trước khi tập có thể ăn nhẹ không để quá đói.
Để không ảnh hưởng đến công suất lao động buổi chiều, chỉ nên chọn những bài tập nhẹ nhàng, vừa sức. 45 - 60 phút tập với cường độ vừa phải, chế độ luyện tập khoa học, phù hợp sức khỏe bản thân sẽ giúp cơ thể bạn thoải mái hơn, sẵn sàng năng lượng cho buổi làm việc chiều. Ngược lại, việc luyện tập không cân bằng, quá sức vào buổi trưa có thể sẽ làm cơ thể kiệt sức, không còn đủ năng lượng cho giờ làm việc chiều.
Buổi trưa không nên tập những bài quá nặng. |
Xây dựng thói quen khoa học
Theo ThS. BS Nguyễn Văn Phú, trưởng khoa Y học TDTT, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, đối với số đông người Việt Nam, việc luyện tập vào buổi trưa là không phù hợp, bởi cơ thể chỉ sẵn sàng cho việc ngủ nghỉ. Trong khi đó, ở các nước phát triển, nhiều người tranh thủ thời gian buổi trưa để tập luyện. Việc này khi trở thành thói quen thì không có tác hại gì. Vì thế, để việc luyện tập buổi trưa có hiệu quả và không ảnh hưởng đến công việc buổi chiều, mọi người cần thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt hằng ngày.
Thứ nhất là không ăn bữa chính trong khoảng 4 tiếng trước khi tập, nghĩa là nếu bạn tập vào lúc 12 giờ thì bữa sáng của bạn không nên sau 8 giờ. Trước khi tập từ 30 phút đến 2 tiếng, bạn có thể ăn nhẹ một chút để không bị quá đói, ảnh hưởng đến sức khoẻ khi tập. Thứ hai là sau khi tập bạn cũng chỉ nên ăn nhẹ, chút bánh, sữa, snack hay hoa quả. Nếu làm được như vậy, bạn đã đồng thời thay đổi được thói quen xấu là ăn quá no vào bữa trưa. Nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý nhất được xác định là bữa sáng ăn chính, bữa trưa phụ và bữa tối ăn thêm.
Lê Hồ
Bình luận