CNBC đưa tin theo dữ liệu chính thức, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ chỉ tăng 0,1% trong tháng 5. So với một năm trước đó, chỉ số này ghi nhận mức tăng 4%, thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Nhưng nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động mạnh, tình hình lạm phát tại Mỹ không mấy lạc quan. CPI lõi vẫn tăng 0,4% trong tháng 5 và 5,3% so với một năm trước đó.
Áp lực về giá cả đã giảm bớt, nhưng người tiêu dùng Mỹ vẫn có lý do để lo lắng. Giá năng lượng giảm 3,6%, giúp kìm hãm mức tăng chung của CPI trong tháng 5. Trong khi đó, giá thực phẩm chỉ nhích nhẹ 0,2%.
Lạm phát thấp nhất 2 năm
Nhưng chi phí liên quan đến nhà ở tăng tới 0,6%. Đây là yếu tố chính đóng góp vào mức tăng chung của CPI. Nhóm này chiếm khoảng 1/3 chỉ số. Trong khi đó, giá xe đã qua sử dụng tăng 4,4%; còn dịch vụ vận tải ghi nhận mức tăng 0,8%.
Sau khi dữ liệu CPI tháng 5 được công bố, các nhà đầu tư gần như chắc chắn rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch của CME Group, các thị trường đang định giá khả năng Fed giữ nguyên lãi suất lên tới 97,6%, tăng từ 79,1% một ngày trước đó và 38,1% hồi cuối tháng 5. Trong khi đó, khả năng Fed tiếp tục nâng 0,25 điểm phần trăm chỉ được định giá là 2,4%, giảm từ 61,9% cách đây nửa tháng.
So với một năm trước đó, thu nhập thực tế ghi nhận mức tăng 0,2%, sau khi sụt giảm trong phần lớn hai năm qua.
Báo cáo CPI tháng 5 cho thấy mức chênh lệch ngày càng gia tăng giữa CPI tiêu đề và cốt lõi. Nguyên nhân chính là giá xăng tại Mỹ đã tăng phi mã vào giai đoạn này của năm ngoái. Giá lao dốc 19,7% trong vòng một năm qua.
Nhưng giá thực phẩm vẫn tăng 6,7% so với một năm trước đó. Chi phí nhà ở ghi nhận mức tăng 8%, còn nhóm dịch vụ vận tải tăng 10,2%.
Tin vui với Fed
"Xu hướng hạ nhiệt của giá cả sẽ cho Fed thêm thời gian để giữ nguyên lãi suất trong tháng này. Nếu xu hướng này tiếp diễn, ngân hàng trung ương Mỹ có thể không cần tăng lãi suất trong phần còn lại của năm", ông Jeffrey Roach - chuyên gia kinh tế trưởng tại LPL Financial - bình luận.
Lạm phát tại Mỹ đã tăng mạnh vào mùa xuân năm 2021. Các yếu tố liên quan đến đại dịch như chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, nhu cầu hàng hóa tăng vọt, cùng hàng nghìn tỷ USD kích thích tài khóa và tiền tệ đẩy lạm phát lên mức cao nhất kể từ đầu thập niên 80.
Sau một năm trấn an rằng lạm phát chỉ là nhất thời, Fed đã tăng lãi suất dồn dập kể từ tháng 3/2022. Nhưng đến nay, lạm phát vẫn cách xa mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
"Lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu đà giảm có tiếp diễn hay không và đã ổn định chưa", ông Dean Baker - đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - nhận định.
Bình luận