Trong báo cáo chiến lược quý I, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, nếu Covid-19 tại Việt Nam được khống chế giữa quý II, việc giãn cách xã hội được nới lỏng trở lại vào đầu tháng 5, các động thái hỗ trợ từ chính sách tiền tệ hiện nay là đủ.
Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp trong nửa cuối năm, khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm thêm lãi suất điều hành 0,25-0,5 điểm %. Nguyên nhân là tình trạng của các doanh nghiệp có thể yếu hơn so với dự tính.
Nhận định này cũng được SSI Reseach nhắc đến trong báo cáo mới đây. "Để hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, rất có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm tiếp lãi suất điều hành trong thời gian tới", báo cáo viết.
Trước đó, ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước có đợt hạ trần lãi suất huy động và một loạt lãi suất điều hành nhằm giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn giảm 0,5-1 điểm %. Đồng thời, trần tiền gửi dưới 1 tháng cũng giảm từ 0,8% xuống 0,5% một năm, tiết kiệm từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5% xuống 4,75% một năm.
Mới đây Ngân hàng Nhà nước ước tính có khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tương đương 23% tổng dư nợ. Trong đó, thông qua các gói hỗ trợ, các nhà băng đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2 điểm % với các khoản vay mới và khoản vay hiện hữu.
Theo BVSC, cũng giống như nhiều nước, để đối phó với đại dịch thì chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ cắt giảm các loại lãi suất điều hành nhằm định hướng giảm lãi suất cho vay các doanh nghiệp. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi; giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng chịu ảnh hưởng do Covid-19.
Cùng với lạm phát hạ nhiệt dần, lãi suất huy động có thể sẽ giảm thêm 0,3-0,5 điểm %. Các ngân hàng thương mại có thể thu xếp thêm các gói tín dụng giảm lãi suất cho vay 0,5-1 điểm % cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí cho các doanh nghiệp cũng được kéo dài thêm.
BVSC cho rằng, về thực chất, yêu cầu này chủ yếu có ý nghĩa tạo hành lang pháp lý để các ngân hàng thương mại thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm phí lãi cho các doanh nghiệp chứ cơ quan quản lý không trực tiếp tác động hỗ trợ thị trường.
Theo nhóm đánh giá, giải pháp này khác với gói hỗ trợ lãi suất năm 2008 nên sẽ giúp kiểm soát rủi ro vĩ mô về mặt dài hạn. Tuy vậy, trong ngắn hạn, quyền quyết định hỗ trợ hoàn toàn thuộc về các ngân hàng nên mức hỗ trợ sẽ không đồng đều và tùy thuộc vào sự đánh giá của từng nhà băng.
Với hiện trạng kinh tế vĩ mô, nhóm phân tích nhận xét đà suy giảm đã hiện rõ qua số liệu quý I do dịch bệnh. Tăng trưởng GDP thấp nhất từ 2010 với sự suy giảm cả ba khu vực kinh tế. Trong kịch bản cơ sở với dịch bệnh được kiểm soát giữa quý II, BVSC dự báo tăng trưởng GDP sẽ dần hồi phục trở lại trong hai quý cuối năm, với mức tăng trưởng cho cả năm khoảng 3,8-4,2%.
Về tỷ giá, nhóm phân tích cho rằng mức tăng 2% trong quý I không quá lớn nếu so sánh với biến động của nhiều đồng tiền khác trong khu vực. "Chúng tôi duy trì dự báo mức mất giá của VND trong năm 2020 sẽ chỉ ở mức 2-3%", báo cáo viết.
Bình luận