• Zalo

Lạ lùng nửa đêm ra giữa ngã ba sông lấy 'nước thiêng'

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 17/02/2013 06:21:00 +07:00Google News

Chúng tôi hòa vào đoàn người cùng với những chai lọ, can to, can nhỏ lỉnh kỉnh xuống đò để đi lấy nước thiêng.

Sau buổi tối nghỉ ngơi ở nhà trọ của một chủ đò tại phường Bạch Hạc (TP. Việt Trì, Phú Thọ), nửa đêm về sáng, chúng tôi hòa vào đoàn người cùng với những chai lọ, can to, can nhỏ lỉnh kỉnh xuống đò để đi lấy nước thiêng.


Với quan niệm đây là nguồn nước tạo liên kết âm - dương, có thể “tẩy rửa bụi trần cho người chết được siêu thoát”... nên người ta lấy về để dùng vào những việc trọng đại như: Thờ cúng, làm móng xây nhà, hàn thổ ngày tân gia, kể cả việc tắm rửa cho người chết khi khâm liệm, cải táng mồ mả.

Tâm sự người đi lấy nước thiêng

Theo lời giới thiệu của chủ đò điểm khởi đầu của cuộc hành trình là từ phía trước đền Tam Giang. Để đến được nơi 3 con sông Hồng, sông Đà, sông Lô hòa quyện vào nhau phải ngược dòng chừng 4 - 5 cây số nữa. Đây chính là điểm “giang sơn quy về một mối” của vùng đất Tổ.

Nước thiêng ở đây có đủ vị ngọt - mặn, hương rừng, kẽ đá, mạch đất từ muôn phương góp vào tạo nên thế đất “tụ nhân - tụ thủy”. Và tất nhiên muốn lấy được “nước linh thiêng” thì phải chịu khó đi vào lúc nửa đêm, nhất là vào thời khắc chuyển giao của ngày cũ và ngày mới.

Những người trên thuyền rì rầm nói chuyện, mỗi lúc câu chuyện thêm rôm rả khi mỗi người đóng góp một câu chuyện minh chứng cho sự “linh thiêng” của dòng nước ở đây.

Cụ Nguyễn Văn Thân, thủ từ đền Bạch Hạc 
Một người phụ nữ tên Hoa, chừng ngoài 30 tuổi, lặn lội từ huyện Gia Lâm (Hà Nội) lên đây lấy nước thiêng về làm lễ khai móng nhà kể: “Trước đây có người bạn cùng cơ quan khi làm nhà lên đây lấy nước thiêng về đến nay làm ăn cứ như diều gặp gió”.

Và từ đó thành lệ cơ quan chị, khi người nào làm nhà đều theo chân người đi trước. Để đỡ phải đi lại nhiều lần chị chuẩn bị hẳn 5 cái can 10 lít vượt quãng đường ngót 100km lên đây.

Thấy mọi người tỏ ý e ngại: “Có cần mang nhiều can thế không?” thì người phụ nữ này lại hồ hởi: “Mình lấy không chỉ dùng một lần mà từ lúc động thổ, đào móng, đổ mái cho đến khi tân gia làm lễ hàn thổ thì bằng này cũng có thấm tháp gì”.

Nếu tính cả chi phí đi lại, ăn nghỉ, theo thuyền ra lấy nước rồi gửi xe về Hà Nội có lẽ chị Hoa phải tốn bạc triệu.
Đi lấy "nước thiêng" 
Còn ông An, ngoài 50 tuổi, là người Phú Thọ thì lại kể: “Đã từ lâu người dân khu vực chúng tôi sinh sống có quan niệm là khi gia đình có người quá cố, hoặc cải táng thì dù hoàn cảnh thế nào cũng phải đi lấy được nước ở đây về đun sôi, cho thêm hồi quế để tắm rửa cho người khuất thì linh hồn mới mát mẻ siêu thoát và phận làm con, làm cháu mới trọn đạo hiếu được”.

Ông ra lấy nước lần này cũng vì lo xa khi cha ông sức khỏe đang yếu dần, nên ông đi lấy nước để phòng xa.

Ông còn cho biết thêm: “Tôi phải ra đây một lần nữa. Khi cải táng cũng phải bắt buộc có nước thiêng để tắm rửa hài cốt rồi mới coi là hoàn thành trách nhiệm của con cái đối với cụ. Nước thiêng sẽ tạo được liên kết âm – dương hoặc tẩy rửa bụi trần để người chết được siêu thoát, con cháu được mát mẻ, làm ra ăn nên”.

Bác Sang, trên 40 tuổi, người Sơn Tây thì cho rằng nước thiêng còn có thể… chữa được cả bệnh. Ông cho hay: “Trước đây, cứ thay đổi thời tiết là toàn thân tôi đau nhức, uống thuốc gì cũng chỉ thuyên giảm một thời gian rồi bệnh lại đâu vào đó.

Lần trước tôi nhờ người quen lên đây lấy nước thiêng về uống, thấy người nhẹ nhõm khỏe ra. Lần này tôi quyết định ra tận nơi để lấy dăm lít về uống dần”.

Ông lái đò cũng phụ họa thêm câu chuyện: “Mới đây, tôi chở một ông người Nghệ An đi lấy nước về xây mộ cho mẹ. Đúng là tôi chưa thấy ai kỹ tính như ông ấy, chỉ lấy nước mà ông ấy phải lên đây từ trước mấy hôm.
"Nước thiêng" lưu giữ trong đền Tam Giang 
Chọn giờ tốt, ngày đẹp mới nhờ tôi chở ra ngã ba sông lấy nước, mà giờ về bến, thời gian về đến nhà ông ấy cũng phải tính kỹ càng. Ông ấy bảo làm như vậy thì nước đem về mới linh thiêng”.

Hết một lượt mọi người quay sang chúng tôi, chẳng thấy “đồ nghề” là can lọ đâu cả mà trên tay cầm 2 vỏ chai nước lavi thì xuýt xoa. “Sao hai chú đi lấy ít thế, chẳng bõ công thức đêm thức hôm, rồi tiền tàu xe, đò bến” – một người nói vậy.

Chúng tôi chỉ biết cười trừ lý sự: “Các bác ạ, một chút lộc thánh bằng cả gánh của nhà, bằng này chẳng nhiều rồi sao”.

Sau hơn một tiếng đồng hồ, đò cũng đến khu vực hợp lưu ngã ba sông, nơi được coi là chỗ nước thiêng tụ hội. Những người trên thuyền chẳng ai bảo ai, tranh nhau đưa can xuống để lấy nước, nét mặt ai cũng hỉ hả.

“Thiêng hay không là ở lòng người”

Cụ Trần Văn Thân, 74 tuổi, thủ từ đền Tam Giang bảo: “Thiêng hay không là ở lòng người. Sống ở đời phải có nhân có nghĩa, phải sống sao cho có ích cho xã hội, giữ được tấm lòng trong như nước kia, chứ đừng để đến lúc nhắm mắt, xuôi tay mới mong gột rửa thì dù là nước thiêng cũng chẳng làm được”.

Theo như lời kể của cụ thì phong tục đi lấy nước đã có từ lâu đời, gắn với việc thờ cúng thần nước cầu cho mùa màng tươi tốt, bội thu.

Hàng năm cứ vào ngày 10/3 âm lịch, dịp giỗ Tổ Hùng Vương và ngày 25/9 âm lịch là ngày mở tiệc khao quân của Đức ông Sáu (tức Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật) có công dẹp quân xâm lấn phương Bắc, đền Tam Giang đều tổ chức lễ hội đua thuyền và rước nước từ nơi hợp lưu của 3 dòng sông.

Sau khi tế lễ xong, nước được phân phát cho người dân trong vùng về để thờ cúng hay dùng vào những việc lớn trong gia đình như xây cất nhà cửa, lau rửa bàn thờ, đồ thờ cúng.
Ngã ba Bạch Hạc 
Trước đây, du khách thập phương đến đền Tam Giang đều muốn xin một chút nước thiêng mang về. Việc thành tâm thế nào thì tùy vào khách, có khi là 10 nghìn hoặc 20 nghìn.

Tục lấy nước từ ngã ba sông có ý nghĩa ban đầu chỉ để cầu may nhưng nay nước thiêng được người ta tùy tiện sử dụng vào nhiều việc, tùy theo sự ngẫu hứng và tưởng tượng của mỗi người.

Những năm gần đây, chẳng biết do đồn thổi thế nào mà người dân từ khắp nơi đổ về ngã ba Bạch Hạc xin nước thiêng. Chuyện nước ở đây có linh thiêng thật hay không thì chỉ người đi lấy nước kể lại với nhau, còn thực tế thế nào thì chưa ai biết.

Tuy nhiên, nhiều người dựa vào điều này để trục lợi bằng cách “tiếp thị” du khách ngay từ khi mới đặt chân đến đền.

Ông chủ đò chở chúng tôi hồ hởi kể rằng, trước đây gia đình ông sống chủ yếu bằng nghề chài lưới giăng câu, còn bây giờ nghề chính lại là chở khách ra ngã ba sông lấy nước và làm các dịch vụ khác trên bờ.

Ông chẳng giấu giếm: “Từ công việc này mà tôi đã đóng được thuyền máy. Công việc tưởng như chơi nhưng vào những ngày đông khách kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Theo Báo Gia đình và Cuộc sống
Bình luận
vtcnews.vn