Cao Bằng những ngày tháng 2 vẫn chìm trong những đợt sương mù bất chợt. Khung cảnh miền biên viễn này khiến người ta nhớ đến những ngày 38 năm trước. Hòa bình rồi, những người dân Cao Bằng lại kể cho nhau nghe về những ký ức kinh hoàng không thể nào quên.
Với họ, 38 năm trước, họ từng được nghe về cái gọi là tình anh em giữa Trung Quốc và Việt Nam trong những năm tháng chống Pháp rồi đánh Mỹ. Bản thân họ không bao giờ tin rằng lại có chiến tranh, vì Trung Quốc cũng là nước xã hội chủ nghĩa.
“Phải gọi đó là một cuộc chiến tranh mới đúng. Ký ức của chúng tôi là thảm sát của Tàu, là chạy Tàu, là chống Tàu”, ông Nông Ngọc Đoàn, một người dân ở thành phố Cao Bằng khẳng định.
Ký ức về Cao Bằng 38 năm trước là tan hoang, hoảng loạn
Năm 1979, trong khi quân chủ lực của ta đang giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của bè lũ Polpot thì quân xâm lược Trung Quốc lại ồ ạt tràn qua biên giới phía Bắc Việt Nam để “dạy cho Việt Nam một bài học” theo lời Đặng Tiểu Bình.
Với lý do được họ biện hộ là “phản kích tự vệ” một cách trơ trẽn mà mãi sau này người dân Trung Quốc mới hiểu được bản chất cuộc chiến phi nghĩa này. Quân xâm lược Trung Quốc không chỉ giết hại vô số dân thường mà còn cướp bóc, đập phá nhà cửa làng mạc.
Tội ác của chúng quả là “trúc rừng không ghi hết tội, nước biển không rửa sạch mùi” như Nguyễn Trãi đã phẫn nộ lên án quân xâm lược nhà Minh phương Bắc cách đây hơn năm thế kỷ.
Ở hướng Cao Bằng, hai quân đoàn tăng cường của Trung Quốc hình thành hai cánh quân lớn từ phía tây bắc theo đường Thông Nông đánh xuống và từ phía đông bắc qua Thạch An, Quảng Hòa đánh lên nhằm hợp điểm ở thị xã Cao Bằng.
Với ông Lý Văn Dư (bản Bung, xã Danh Sĩ, Thạch An, Cao Bằng), trước khi xảy ra sự kiện 17/2/1979, thì ông cũng như bao người dân khác ở sát biên giới chỉ nghĩ rằng, quan hệ giữa 2 nước dù có căng thẳng, nhưng “cùng là anh em cả ai lại nỡ bắn nhau, thế mà…”.
5h sáng ngày 17/2, ông Dư cùng mọi người choàng tỉnh khi khắp nơi có tiếng hô hoán: “Tàu đánh rồi, Tàu đánh rồi”. 9h sáng, xe tăng Trung Quốc tràn ngập thị trấn Đông Khê. Những người dân miền biên viễn chả ai kịp gói ghém đồ đạc, mạnh ai nấy chạy, tìm đường sống bằng cách chui vào hang hốc, vào rừng… khi nhìn thấy “những con quái vật có bánh xích” (lời ông Dư) cứ thế điên cuồng nhả đạn.
"Lúc đầu chúng vẫn mị dân, “dân vận”, trấn an chúng tôi rằng chúng chỉ sang dạy cho Việt Nam 1 bài học, chứ không làm bất cứ hành động gì gây phiền hà, nhũng nhiễu, thậm chí còn đòi cung cấp gạo, thuốc men… cho dân.
Tuy nhiên sau khi gặp phải những sự phản kháng mạnh mẽ trên đất Cao Bằng, chúng cay cú, cáu tiết, chuyển sang phá hoại toàn bộ, giết dân, đốt phá, cướp đoạt gia súc, vô kỷ luật, chả khác gì một đám sơn tặc, quân phỉ, quân phiệt”, ông Nguyễn Văn Dịch, 1 người dân ở thành phố Cao Bằng cho biết.
Bà Lương Thị Bắc (Hà Quảng, Cao Bằng) kể lại, quân bành trướng sang bắn giết, bà cùng mọi người trong bản chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy. Nhưng chúng đâu có tha, lỡ đoàn người chạy loạn xui xẻo gặp phải lính Trung Quốc, y như rằng chúng cứ thế xả thẳng súng đạn vào đám đông, đâu cần biết đó là dân, hay là bộ đội.
Sau khi quân Trung Quốc rút hết qua bên kia biên giới, người dân mới run rẩy trở về, thì chả còn bất cứ cái gì nguyên vẹn. Bệnh viện, trường học vỡ nát, nhà cửa sụp đổ, xác người vương vãi, cháy đen, mùi tử khí bốc lên khắp nơi. Gia đình họ ly tán, người mất người còn.
Bà Ngọc Thị Thuộc ở Trùng Khánh, Cao Bằng, sau hành trình sơ tán thì quay về tìm mẹ già. Nhưng tìm gọi suốt hồi lâu chỉ nghe thấy tiếng chó sủa và tiếng lợn hộc. Thì ra chó và lợn đang giành nhau ăn thịt người mẹ khốn khổ của bà Thuộc. Cụ bị lính Trung Quốc chặt ra làm 4 khúc, đầu văng một nơi, thân rời 2 khúc nằm sau vườn, chân bị quẳng ra ngoài cổng cạnh đường trâu bò đi. Cạnh xác cụ, dân quân tìm thấy một thanh mã tấu còn vết máu đen sẫm…
Mọi người ở Tổng Chúp kinh hoàng khi nhìn thấy dưới cái giếng cổ là 43 xác chết phụ nữ, trẻ em, phần lớn là những công nhân của trại lợn Đức Chính, và một số dân thường. Họ toàn bị hành quyết bằng dao, búa, gậy gộc… 38 năm sau, tấm bia ghi nhớ tội ác thảm sát vẫn còn đó.
Video: Chiến tranh biên giới 1979, vết thương lòng của những người ở lại
Chúng ta đã đánh trả đích đáng quân xâm lược hung bạo trong sự kiện 17/2/1979
Theo một số tư liệu lịch sử, hướng Cao Bằng, cả 2 cánh quân ngay từ lúc tràn qua biên giới đã bị bộ đội địa phương và dân quân Cao Bằng tổ chức đánh chặn, cánh quân tây bắc qua ngả Thông Nông, dựa vào sức đột phá của xe tăng bị chặn đứng tại Hòa An.
Cánh quân đông bắc cũng bị đánh quyết liệt ở Thạch An và Quy Thuận, bị chắn đứng trên đường số 4.
Mũi đánh vào Trà Lĩnh, Phục Hòa gồm 2 sư đoàn nhằm chiếm đèo Mã Phục, Khâu Chia cũng bị lực lượng vũ trang địa phương phản kích xé tan đội hình, bỏ chạy về bên kia biên giới.
3 ngày đầu, quân Trung Quốc tại Cao Bằng đã bị thiệt hại 4 tiểu đoàn, bị phá hủy hàng chục xe tăng, xe bọc thép và buộc phải đưa lực lượng dự bị vào vòng chiến. Trên trận địa phòng ngự tại đồi Khâu Chỉa, các lực lượng của Việt Nam đã chặn đứng một sư đoàn Trung Quốc trong 12 ngày, diệt hơn 4.000 lính.
Khi các đơn vị đứng chân ở biên giới phía bắc hoàn thành nhiệm vụ chặn đứng quân Trung Quốc, không cho chúng tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam, thì các quân đoàn chủ lực bắt đầu tiến lên phía bắc tham chiến.
Phía Trung Quốc đã nhanh chóng nhận rõ tình hình, phải nhanh chóng rút lui, nếu không, thương vong của chúng sẽ cực lớn, khi quân chính quy “xịn” của Việt Nam ai nấy đều thiện chiến, từng kinh qua nhiều chiến trường gian khổ, khốc liệt.
Ngày 5/3/1979, Trung Quốc tuyên bố hoàn thành mục tiêu chiến tranh, rồi nhanh chóng rút hết quân về nước.
Video: Vụ thảm sát ở Tổng Chúp, Cao Bằng năm 1979 qua hồi ức các nhân chứng
Với những người dân thường trong sự kiện 17/2/1979 thì như thế nào? Khi tận mắt nhìn thấy những hành động dã man, hung tàn của quân xâm lược, họ hiểu rằng những chiêu bài mị dân, chiêu an của lính Trung Quốc chỉ là phét lác. Quá căm phẫn, họ cầm súng đứng lên chiến đấu bảo vệ cuộc sống bình yên trên quê hương mình.
Ông Nông Kim Việt ở xã Danh Sĩ, ngay ngày đầu tiên đã vác súng ra đồi chè phía sau bản phục kích địch. Rồi liên tiếp những hôm sau đó, mỗi ngày một địa điểm, lúc thì ông Việt đi 1 mình, lúc thì cùng với những thanh niên trong bản, lính Trung Quốc không biết thế nào mà lần.
Tính ra, suốt 1 tháng cho đến lúc chúng rút về nước, ông Việt đã chiến đấu hơn 10 trận, bắn hạ 50 tên lính Trung Quốc, trở thành một huyền thoại sống miền biên giới Cao Bằng.
Ông Lý Văn Dư (bản Bung, Danh Sĩ, Thạch An, Cao Bằng) lúc đó trong tay không có 1 tấc sắt, phải trốn trong hang đá. Đến khi nhặt nhạnh được 29 viên đạn, cả bản lại chỉ có mỗi 1 khẩu súng, khi biết tin quân Trung Quốc lại càn quét, ông lặng lẽ mai phục ở con đường lớn dẫn ra cửa khẩu Đức Long. Trận đó, ông tiêu diệt 13 tên địch, bắn bị thương một loạt tên khác. Về sau, ông được cử đi dự đại hội mừng công của tỉnh ngày 20/4/1979.
Và còn có rất nhiều huyền thoại sống nữa ở miền biên viễn Cao Bằng này. Chúng tôi đã tiếp xúc và gặp gỡ. Dù những người này tóc xanh đã thành đầu bạc, họ vẫn luôn khẳng định rằng: bản thân mình chỉ là dân, không 1 tấc sắt, nhưng vẫn luôn sẵn sàng đứng lên chống trả quân xâm lược, bọn cướp nước.
Bởi họ chỉ mong muốn có được một cuộc sống bình yên, vui thú với gia đình, bản làng, hăng say lao động và xây dựng cuộc sống ấm no. Có ai mong muốn chiến tranh.
Chúng tôi thực hiện bài viết này, không nhằm khơi lại quá khứ hay kích động thù hằn dân tộc. Chúng ta cần phải có cái nhìn chính xác, chân thực, khách quan hơn về lịch sử thông qua lăng kính của những người dân. Họ là những người trực tiếp trải qua giai đoạn đau thương đó, họ đã sống, đã chiến đấu để bảo vệ quê hương mình trước những kẻ xâm lăng.
Để biết rằng, từ những đau thương, mất mát, chúng ta cần trân trọng hơn những gì đã có ở hiện tại, là hòa bình, là ổn định, là cuộc sống mới, điều mà cả nhân loại luôn hướng đến.
Bình luận