Ngày 26/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM phối hợp Trung tâm Y tế quận Thủ Đức làm việc tại Trung tâm quản lý ký túc xá của Đại học Quốc gia TP.HCM về việc triển khai các hoạt động phòng chống Covid-19, chuẩn bị đón sinh viên trở lại học tập. Đây là nơi tập trung gần 35.000 sinh viên, ký túc xá đông nhất cả nước.
Ông Ngô Văn Hải, Phó giám đốc trung tâm quản lý ký túc xá, cho biết ban quản thực hiện nhiều hình thức như phát tờ rơ, cẩm nang, dán thông tin trước cửa phòng, thang máy, khu vực công cộng.
Trung tâm thường xuyên cập nhật thông tin trên các kênh thông tin của ký túc xá như website, fanpage, ứng dụng điện thoại... nhằm đưa thông tin về dịch bệnh Covid-19 đến từng sinh viên.
Ông Hải cũng bày tỏ những khó khăn mà ký túc xá đang gặp phải như không mua được khẩu trang, hóa chất sát khuẩn Cloramin B…
Ban quản lý ký túc xá cũng xây dựng các quy trình về phòng, chống dịch bệnh: Kiểm tra thân nhiệt, sàng lọc bệnh, xử lý kết quả, xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh. Ký túc xá cũng phối hợp bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức hàng ngày có đội ngũ y, bác sĩ đến khám, thuận lợi trong việc sàng lọc bệnh.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM đã giải đáp những vướng mắc, như không nhất thiết sử dụng dung dịch Cloramin B, thay vào đó có thể sử dụng xà bông, nước khử khuẩn thông thường như Javel.
Đoàn khảo sát cũng nhấn mạnh người cần đeo khẩu trang y tế là bệnh nhân, người chăm sóc, tiếp xúc người nhiễm hoặc nghi nhiễm. Ký túc xá cần trang bị thêm bồn rửa tay tạo điều kiện cho sinh viên rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng.
Sinh viên phải trung thực khai báo thông tin y tế qua hệ thống online của ban quản lý ký túc xá trước thời gian quay trở lại. Nếu có dấu hiệu bệnh viêm đường hô hấp cấp như sốt, ho, khó thở, sinh viên nghỉ học, đi khám bệnh, thông báo với thầy cô.
Việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập trung của sinh viên cũng phải hạn chế trong thời gian này. Phòng khám bệnh cho sinh viên tại khu ký túc xá cần phân luồng riêng để khám trường hợp viêm đường hô hấp cấp, có khu vực khám riêng, lối đi riêng dành cho sinh viên nghi ngờ mắc bệnh.
Bình luận