• Zalo

Kỹ sư tên lửa nghiên cứu cây trồng: ‘Đại tướng thương nông dân lắm!’

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 07/10/2013 07:02:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đại tướng thương nông dân lắm. Người nông dân đã hy sinh vì Tổ quốc này nhiều quá rồi.

(VTC News) - Đại tướng thương nông dân lắm. Người nông dân đã hy sinh vì Tổ quốc này nhiều quá rồi.


Ông Trần Xuân Tư hiện là Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học ứng dụng, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam. Là kỹ sư tên lửa nhưng khi nghỉ hưu ông lại nghiên cứu về cây trồng. Ông tâm huyết với khoa học đến mức dốc hết vốn liếng để nghiên cứu.

Năm 2007, ông vinh dự được gặp và báo công lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là những ký ức không thể phai mờ trong tâm trí người cựu chiến binh đam mê khoa học này.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, trong một lần xuống thăm và nói chuyện với đơn vị tên lửa nơi ông Trần Xuân Tư đang công tác (Sư đoàn 365, Quân chủng Phòng không – Không quân), Đại tướng có căn dặn : “Thời bình rồi, các chú, các em nhớ tập trung vào bài toán kinh tế cho đất nước, chuyển hướng nghiên cứu cho phù hợp, phát huy tính sáng tạo, suy nghĩ làm cái gì ít tốn kém nhất mà lại đạt được hiệu quả cao nhất, phải có bứt phá để vươn lên”.

 
Ông Trần Xuân Tư rất trân trọng bức ảnh được chụp cùng với Đại tướng 

Trong tâm trí của ông, Đại tướng thực sự là một con người toàn tài, toàn đức. Bên cạnh tài năng quân sự, Đại tướng luôn có sự quan tâm sâu sắc tới tất cả những khía cạnh khác của nhân dân, của đất nước.

Luôn ghi nhớ lời dạy của Đại tướng, năm 1994, mặc dù là kỹ sư tên lửa được đào tạo bài bản ở Liên Xô, chẳng liên quan gì đến nông nghiệp, sinh học, nhưng ông Tư bắt đầu tự mình đọc sách, nghiên cứu về công nghệ sinh học ứng dụng.

Ông chọn công nghệ sinh học vì những năm tháng được sống và công tác tại Liên Xô (trước đây), nhận thấy nước bạn có nền công nghiệp hiện đại, song khi vào các nông trường, nông trang rộng mênh mông của bạn, ông vẫn thấy người dân nước bạn thiếu thốn rất nhiều mặt hàng nông nghiệp.

Ông tự nhủ, nghiên cứu về nông nghiệp, giúp nông dân thu hoạch nhiều sản phẩm cây ăn quả, cung cấp quả ăn nhiều cho xã hội, mang về áp dụng cho nước mình cũng là một ý tưởng rất hay.

Ông nghiên cứu về cách trồng cây Điềm Trúc trên vùng bị ngập úng ở ven đê sông Hồng. Loại cây này giống như cây tre Việt Nam, ưu điểm là rễ cây bám sâu vào đất, cây cao hơn 10 mét, thân cây to như cây bương, dùng để làm hàng thủ công mỹ nghệ.
Ông Tư tặng hoa Đại tướng Võ Nguyên Giáp 

Ngoài ra, Điềm Trúc cho củ măng to, ngọt dùng làm rau ăn hằng ngày có giá trị cao. Loại cây này sống rất tốt trong môi trường nước ngập úng.

Sau nhiều năm lăn lộn thực hiện đề tài, gặp muôn vàn khó khăn do thiên tai khốc liệt và những kẻ xấu phá hoại, nhưng tất cả đã được ông Tư khắc phục. Ông luôn làm việc với phương châm: “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” của người lính – trí thức quân đội năm xưa.

Năm 2005, đề tài nghiên cứu của ông cùng các cộng sự đã được Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng trao giải xuất sắc nhất về khoa học công nghệ (2003-2005), được báo chí, truyền hình, phát thanh trung ương đăng tải, phát sóng nhiều lần trên toàn quốc cho nông dân cả nước vận dụng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi biết thông tin về một cán bộ quân đội lại say mê nghiên cứu về người nông dân, đã rất phấn khởi và mời các nhà khoa học đến hỏi han tình hình.

Sau 5 lần sắp xếp, ngày 24/4/2007, ông Trần Xuân Tư vô cùng vinh dự dẫn đầu đoàn đại biểu gặp và báo công lên Đại tướng tại nơi Đại tướng ở, số 30 đường Hoàng Diệu.

Lúc đó, Đại tướng dù 98 tuổi nhưng vẫn còn mình mẫn lắm, đích thân ra đón tiếp tận cổng, bắt tay ông Tư cùng đoàn đại biểu.

Lần đầu tiên được trò chuyện trực tiếp với Đại tướng, ông Tư xúc động mãnh liệt. Huyền thoại sống của dân tộc Việt Nam trông đôn hậu, giản dị và luôn tươi tỉnh, cười nói thân mật với tất cả mọi người.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi rất cụ thể, thân mật: “Vì sao các chú lại tập trung nghiên cứu công trình này?”.

Ông Tư lễ phép trả lời: “Báo cáo Đại tướng, chúng tôi phải làm những gì phù hợp trong thời kỳ đổi mới, phù hợp với khả năng của chúng tôi. Chúng tôi tự bỏ kinh phí ra nghiên cứu với tinh thần vượt khó của anh bộ đội cụ Hồ…”.

Đại tướng nghe báo cáo cực kỳ phấn khởi. Ông cho biết: “Công trình của các chú mang ý nghĩa nhân văn rất lớn lao. Cây tre này không chỉ giữ đê điều bền vững, mà còn đem lại nguồn thu lớn cho người nông dân. Người nông còn nghèo, còn khổ lắm. Làm cái gì cũng phải nghĩ đến người nông dân đầu tiên nhé.

Tôi tin rằng công trình của các chú sẽ tỏa sáng và có ý nghĩa rất thiết thực đối với đất nước.

Điều đáng trân trọng ở chỗ các chú đã tự bỏ những đồng lương ít ỏi của những người thương binh, bằng trí óc sáng tạo mà đã làm được những công trình có ý nghĩa vì dân, vì nước như vậy”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá cao các công trình nghiên cứu của ông Tư vì nó hướng đến người nông dân 

“Lúc ấy tôi mới hiểu vì sao Đại tướng lại bỏ thời gian gặp một kỹ sư bình thường như tôi. Hóa ra, vì tất cả các công trình nghiên cứu của tôi đều hướng về người nông dân. Đại tướng thương nông dân lắm. Người nông dân đã hy sinh vì Tổ quốc này nhiều quá rồi” – ông Tư cho biết.

Đại tướng giữ cả đoàn lại dự tiệc chiêu đãi. Trong câu chuyện, Đại tướng rất thân mật, nhưng vẫn không quên nhắc nhở mọi người cần phát huy hơn nữa trí tuệ của bản thân, có nhiều công trình nghiên cứu thiết thực, đóng góp để xây dựng đất nước.

Ông Tư cứ tự hỏi, vì sao Đại tướng lại trở nên vĩ đại như thế? Vì trong chính con người của Đại tướng đã được tạo hóa sắp đặt giao cho một nhiệm vụ tối hậu là phải làm những việc vĩ đại vì dân, vì nước, trên mọi phương diện. Tất cả đã hòa quyện và hun đúc bên trong con người rất đỗi giản dị.

Sau cuộc gặp gỡ đầy xúc động đó, trở về với công việc thường ngày, ông Tư tiếp tục nghiên cứu thành công đề tài "Đất sạch cho rau an toàn", trồng cây sai quả trên ban công nhà chung cư cao tầng, trồng cây ăn quả, trồng rau chỉ bằng nước...

Với nhiều sáng kiến, ông đã đoạt giải thưởng KOVA năm 2007 do Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng, giải thưởng Cúp vàng đề tài Bảo vệ môi trường – 2009.

Hôm nhận tin Đại tướng thanh thản ra đi, ông Tư bàng hoàng đau xót, thẫn thờ. Nhắc lại những kỷ niệm, những ấn tượng trong lần duy nhất được gặp gỡ Đại tướng, ông Tư không kìm được xúc động bật khóc nức nở.

“Đại tướng mất đi là nỗi buồn của dân tộc mình, nhưng Đại tướng đã để lại một di sản lớn cho đất nước, cho thế hệ sau, đó là quyết tâm, nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, tiến tới đỉnh vinh quang như Đại tướng vẫn hằng mong muốn” – ông Trần Xuân Tư tâm sự.


Minh Hải

Bình luận
vtcnews.vn