Sống chết là quy luật tự nhiên mà tất cả mọi sinh vật đều phải tuân theo. Thế nhưng một số nơi trên thế giới lại cấm... cái chết. Luật cấm kỳ lạ này xuất hiện rất sớm từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, tại đảo Delos, Hy Lạp. Vào thời điểm đó, người Hy Lạp cổ đại coi hòn đảo là nơi linh thiêng và thần thánh, cái chết không được phép xuất hiện để đảm bảo sự trong sạch cho đảo.
Thời hiện đại, vẫn có một số nơi áp dụng lệnh cấm này với nhiều lý do khác nhau, phổ biến nhất là do yếu tố tôn giáo và hoàn cảnh sống của người dân.
Đảo Itsukushima - Nhật Bản
Đối với những người theo đạo Shinto (Nhật Bản), đảo Itsukushima là nơi linh thiêng. Việc thanh lọc và duy trì sự trong lành của hòn đảo được các nhà quản lý thực hiện nghiêm ngặt. Kể từ năm 1878, cái chết đã không xuất hiện trên đảo Itsukushima.
Tất cả phụ nữ mang thai sắp sinh và người già, người bị bệnh nặng đều không được phép ở lại đây để đảm bảo sự trong lành, trong sạch cho hòn đảo.
Vào năm 1555, cuộc chiến duy nhất đã diễn ra trên hòn đảo này, đó là trận Miyajima đẫm máu khiến nhiều người chết tại đây. Nhưng ngay sau khi cuộc chiến kết thúc, người chỉ huy đã ra lệnh dọn dẹp toàn bộ hòn đảo. Xác binh lính được đưa lên bờ, cả đống đất đẫm máu bị đẩy xuống biển, nhà cửa được quét dọn sạch sẽ như mới.
Thị trấn Falciano del Massico - Italy
Người ta nói vui rằng dân ở Falciano del Massico, một thị trấn nhỏ ở miền nam Italy, không được phép chết. Không phải vì tôn giáo hay môi trường sống mà vì nơi đây không có đất miễn phí cho người chết.
Từ năm 1964, Falciano del Massico có tranh chấp với thị trấn lân cận về quyền sở hữu nghĩa trang cũ. Vì vậy từ đầu tháng 3/2012, thị trưởng ở đây đã ban hành quy định yêu cầu người dân "không được bước qua ranh giới giữa sự sống và cái chết” cho đến khi thị trấn có nghĩa trang mới, người qua đời buộc phải đưa đi mai táng ở địa phương khác.
Thị trấn Longyearbyen - Na Uy
Thị trấn phía bắc Longyearbyen thuộc quần đảo Svalbard của Na Uy cũng không dành cho người chết. Nguyên nhân là những xác chết được chôn ở đây không thể phân hủy dưới lớp băng vĩnh cửu. Thậm chí, các nhà khoa học còn tìm thấy virus cúm còn nguyên vẹn trong cơ thể một người đàn ông chết trong trận đại dịch từ năm 1917.
Lo ngại về môi trường và sức khỏe của người dân, các nhà quản lý đã ban hành "lệnh cấm chết". Trong thị trấn cũng có một nghĩa trang nhỏ nhưng đã ngừng chôn cất cách đây hơn 70 năm.
Hiện tại lệnh cấm vẫn được áp dụng, những người ốm nặng hoặc cận kề cái chết sẽ được chuyển đến một thị trấn khác ở Na Uy và sống những ngày cuối cùng tại đây.
Thị trấn Sarpourenx - Pháp
Thị trưởng thành phố Sarpourenx đã ban hành sắc "lệnh cấm đi vào cõi chết". Quyết định kỳ quặc này được đưa ra sau khi một tòa án Pháp bác bỏ kế hoạch cho phép mở rộng nghĩa trang hiện có của thị trấn.
Mọi người không còn cách nào hơn là phải tìm một nơi khác để chôn cất người chết ngoài thị trấn.
Bình luận