Một nghiên cứu mới đây được đăng tải trên Bloomberg cho thấy, ăn cơm có thể giúp ngăn ngừa béo phì. Bloomberg dẫn lời các chuyên gia, những người theo chế độ ăn kiêng dựa trên khẩu phần ăn hàng ngày là gạo (cơm), giống như châu Á hoặc theo trường phái của người Nhật sẽ ít bị béo phì hơn so với các quốc gia tiêu thụ gạo thấp.
Dựa trên lượng tiêu thụ gạo ở 136 quốc gia và dựa trên chỉ số cơ thể (BMI), các nhà khoa học cho biết mức tiêu thụ gạo tối thiểu 50g/ngày có thể làm giảm tỷ lệ béo phì trên toàn thế giới xuống 1% (từ 650 triệu người lớn béo phì xuống còn 643,5 triệu người).
Tuy nhiên, ở nhiều nước phương Tây, trong đó có Anh, Canada, Tây Ban Nha, Mỹ và nhiều quốc gia khác, tỷ lệ tiêu thụ gạo bình quân mỗi ngày chỉ đạt 19g/người.
Người đứng đầu nghiên cứu là giáo sư Tomoko Imai, Đại học Nghệ thuật Tự do Doshisha, Kyoto, Nhật Bản cho biết: "Nhiều nghiên cứu cho thấy, các quốc gia sử dụng gạo, cơm là lương thực chính, tỷ lệ mắc béo phì thường thấp. Vì vậy, nếu bạn ăn kiêng dựa theo gạo giống như Nhật Bản hoặc châu Á sẽ giúp ngăn ngừa béo phì".
"Các nước phương Tây nên chống béo phì bằng cách ăn cơm nhiều hơn", giáo sư Tomoko Imai nói thêm.
Theo giáo sư Tomoko Imai, gạo có ít chất béo nhưng lại bổ sung chất sơ, chất dinh dưỡng và các hợp chất khác có trong ngũ cốc nguyên hạt. Điều này làm tăng cảm giác no và ngăn ngừa quá trình ăn nhiều.
"Mọi người trên thế giới đều biết, các quốc gia châu Á, nơi sử dụng gạo là thực phẩm chính thường có thân hình mảnh hơn các quốc gia phía Tây. Mặc dù vậy, ít người chỉ ra được nguyên nhân tại sao", ông Tam Fry, Chủ tịch Diễn đàn béo phì Quốc gia phát biểu tại Đại hội béo phì châu Âu diễn ra tại Glasgow (Anh).
Bình luận