Chiều 23/8, thông tin từ Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) vừa xảy ra liên tiếp 3 trận động đất.
Cụ thể, trận động đất đầu tiên xảy ra vào lúc 14 giờ 8 phút 4 giây, có độ lớn 4.7 độ Richter. Trận động đất xảy ra ở độ sâu 8.2km, gây chấn động một khu vực rộng lớn. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã phát đi cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 1.
Ngay sau khi xảy ra trận động đất này, nhiều người dân sinh sống ở Kon Tum và các tỉnh lân cận như Gia Lai, Quảng Nam đồng loạt chia sẻ lên mạng xã hội, cho biết cảm nhận rõ sự rung lắc của nhà cửa vào khoảng hơn 14h.
Tiếp đến, trận động đất thứ 2 xảy ra vào lúc 14 giờ 11 phút 36 giây, có độ lớn 3.6 độ Richter. Độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Và mới đây nhất, trận động đất thứ 3 xảy ra vào lúc 15 giờ 02 phút 09 giây, có độ lớn 3.7 độ Richter. Độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Hơn một năm qua, huyện Kon Plông ghi nhận hơn 200 trận động đất, gấp gần 6 lần số trận động đất xảy ra ở đây trong hơn một thế kỷ trước đó. Trong đó, trước trận động đất mạnh 4.7 độ Richter ghi nhận vào chiều nay 23/8, thì vào hồi tháng 4/2022, một trận động đất có độ lớn 4.5 độ Richter cũng gây rung chấn mạnh cho Kon Plông và khu vực lân cận.
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng, các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5.0.
Theo kết quả kiểm tra, khảo sát, đánh giá ảnh hưởng của động đất thì các trận động đất xảy ra từ tháng 3/2021 đến tháng 4/2022 có độ lớn M = 1,6 - 4,5 tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận gây chấn động lớn nhất là cấp V theo thang MSK-64. Với cường độ chấn động như vậy là chưa đến mức độ nghiêm trọng.
Bước đầu các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, động đất khu vực huyện Kon Plông là động đất kích thích gây ra do hồ chứa.
Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động, cường độ của động đất trong tương lai nhằm đánh giá khả năng gây thiệt hại cho các công trình dân sinh và thuỷ điện thì cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.
Bình luận