Vì sao Kon Tum lại liên tiếp xảy ra động đất?

Tin nhanh 24hThứ Năm, 21/04/2022 10:11:13 +07:00
(VTC News) -

Rạng sáng 21/4, huyện Kon Plông (Kon Tum) tiếp tục xảy ra 3 trận động đất 2,5 đến 3,2 độ Richter, nâng tổng số trận động đất trong một năm trở lại đây lên 173 trận.

Rạng sáng nay, huyện Kon Plông tiếp tục ghi nhận 3 trận động đất vào các thời điểm: 0 giờ 55 phút 28 giây; 01 giờ 05 phút 23 giây và 04 giờ 12 phút 48 giây. Các trận động đất này lần lượt có độ lớn 3.2 độ - 2.9 độ - 2.5 độ ; độ sâu tiêu chấn từ 8.1km tới 8.6km.

Các trận động đất này không gây rủi ro về thiên tai, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đang tiếp tục theo dõi.

Vì sao Kon Tum lại liên tiếp xảy ra động đất? - 1

Vị trí tâm chấn trận động đất lúc 0h55 ngày 21/4. (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)

Thực tế, động đất xuất hiện nhiều ở khu vực này bắt đầu từ tháng 4/2021, kéo dài liên tục đến nay, có những ngày ghi nhận tới 7 trận động đất. Các trận động đất ở khu vực này hầu hết là động đất nhỏ. Trận động đất mạnh nhất ghi nhận gần đây có độ lớn 4.5 độ, xảy ra vào hồi 12 giờ 54 phút 22 giây trưa 18/4.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết: “Tình hình động đất ở khu vực Kon Plông (Kon Tum) thời gian gần đây có mật độ chưa từng có trong lịch sử”.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, từ tháng 4/2021 đến nay, các số liệu thống kê cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận có tần xuất thường xuyên và xu hướng mạnh dần. Trong năm 2021 đến nay ghi nhận hơn 170 trận động đất có độ lớn lớn hơn hoặc bằng 2.5 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông.

“Trong thời gian tới, tại khu vực này có thể tiếp tục xảy ra các trận động đất mới, đặc biệt có thể tăng cường độ, cao nhất từ 5 - 5,5 độ richter, thậm chí có thể cao hơn”, ông Nguyễn Xuân Anh nhận định.

Vì sao Kon Tum lại liên tiếp xảy ra động đất? - 2

Hàng trăm hộ dân ở huyện Kon Plông chịu cảnh rung lắc do động đất liên tục xảy ra. 

Với dự báo từ Viện Vật lý địa cầu, động đất tại Kon Tum có thể lên tới 5,5 độ richter, đại diện EVN cũng đề xuất bổ sung thêm các trạm quan trắc (hiện hồ thủy điện Thượng Kon Tum đã có 3 trạm quan trắc). Đồng thời, kiến nghị Viện Vật lý địa cầu có các chỉ đạo để thông tin cảnh báo, dự báo cho khu vực đầy đủ, sát tình hình thực tế. Bên cạnh đó, đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai có những tổng hợp các hồ chứa trong khu vực, ngoài thủy điện, còn thủy lợi cũng có liên quan.

Viện Vật lý địa cầu cần báo cáo các cấp có thẩm quyền nghiên cứu xây dựng hệ thống dự báo số liệu động đất quốc gia và cung cấp số liệu cho các cơ quan, đơn vị có liên quan. Khuyến nghị tỉnh Gia Lai, Kon Tum sớm phê duyệt phương án ứng phó khẩn cấp của các nhà máy thủy điện trên địa bàn làm cơ sở để địa phương, các thủy điện đóng chân trên địa bàn xử lý các tình huống đã được phê duyệt về phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp theo Nghị định 114 của Chính phủ đã được phê duyệt.

Có phải do thủy điện tích nước?

Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh cho biết, từ tháng 3/2021, thủy điện Kon Tum có tích nước, sau đấy liên tiếp xảy ra các trận động đất. Theo dự đoán sơ bộ khả năng liên quan đến động đất, giống như ở thủy điện Sông Tranh 2. Đây là hiện tượng động đất kích thích, do hoạt động của con người gây ra, cụ thể là hoạt động của thủy điện.

Để làm rõ nguyên nhân, ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng cần tiếp tục quan trắc, đồng thời tiến hành nghiên cứu hệ thống đứt gãy, đánh giá việc tích nước các hồ đập theo kinh nghiệm quốc tế.

Vì sao Kon Tum lại liên tiếp xảy ra động đất? - 3

Bản đồ các điểm động đất ở tỉnh Kon Tum từ năm 2021 đến nay.

Trong khi đó, ông Phạm Trọng Thực – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, thủy điện Thượng Kon Tum đang tích nước đến mức 1.153,1 m, so với mức nước dâng bình thường là 1.160m, tức là còn 7m nước nữa mới đến mức dâng bình thường. Dung tích toàn bộ mới chỉ đạt 73%. Dung tích hữu ích để phục vụ sản xuất điện đạt 61%.

Hiện đang giữa mùa khô ở Tây Nguyên, vì vậy, mực nước hiện tại không quá lớn so với dung tích của hồ (145 triệu m3, hiện mới tích được 106 triệu m3). Về mặt kỹ thuật vẫn đảm bảo quá trình vận hành nhà máy, không có vấn đề gì ngoài kiểm soát.

Việc một số ý kiến cho rằng nguyên nhân động đất kích thích là do tích nước, ông Phạm Trọng Thực cho rằng, cần phải có quá trình làm rõ. “Từ kinh nghiệm của trường hợp Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) trước đây, phải mất 1 – 2 năm mới có kết quả chính thức. Vì vậy, không được chủ quan và không loại trừ khả năng còn những nguyên nhân khác”, ông Thực nói. Đồng thời đề nghị các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, các hồ chứa thủy lợi cũng như thủy điện Thượng Kon Tum phải giám sát để nếu có biến động bất thường thì kịp thời ứng phó.

Trong 2 ngày 20 và 21/4, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã thành lập đoàn công tác do ông Nguyễn Đức Quang - Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai kiêm Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai làm trưởng đoàn, đến kiểm tra thực tế tại vùng tâm chấn huyện Kon Plông (Kon Tum).

Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã đến tìm hiểu thực tế tại nhà máy và khu vực lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum ở địa bàn 2 xã Ngọc Tem và Đăk Tăng của huyện Kon Plông.

Vì sao Kon Tum lại liên tiếp xảy ra động đất? - 4

Đoàn công tác kiểm tra nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum.

Theo đó, đoàn công tác đã kiểm tra hoạt động của khu nhà điều hành thủy điện, đập dâng và các khu vực xung quanh. Thời điểm kiểm tra, thủy điện tích nước với 106 triệu m3. Dung tích toàn bộ hồ là 145 triệu m3 nước.

Hồ chứa thủy điện chịu được động đất với cường độ cấp VII, khoảng 6 độ richter trong vùng tâm chấn. Dự báo khả năng động đất với cường độ lớn hơn có thể xảy ra và nguy cơ đe dọa an toàn hồ đập.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Đức Quang cho biết sẽ tiếp tục sử dụng các máy đo địa chấn để giám sát, cảnh báo sớm động đất.

Việc động đất ở đây có liên quan đến thủy điện hay hồ thủy lợi cần phải làm rõ. Tuy nhiên, việc gia tăng về mật độ và độ lớn của động đất gần đây có sự trùng hợp với thời gian tích nước của hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Vấn đề này cần xem xét và nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra những giải pháp trước mắt và lâu dài.

Ngày 20/4, Văn phòng Chính phủ thông báo truyền đạt ý chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về xử lý động đất tại khu vực huyện Kon Plông.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục thực hiện quan trắc, giám sát động đất tại khu vực nêu trên, báo tin kịp thời cho các cơ quan và nhân dân biết để chủ động ứng phó phù hợp.

Các bộ ngành liên quan theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo theo dõi, đánh giá, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi và công trình kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực có thể chịu ảnh hưởng do động đất, không để xảy ra sự cố bất ngờ, mất an toàn công trình.

Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá cụ thể nguyên nhân, mức độ và nguy cơ ảnh hưởng của động đất và công bố để chính quyền và nhân dân biết chủ động ứng phó phù hợp, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu tỉnh Kon Tum chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân biết các biện pháp ứng phó, tránh hoang mang, hoảng loạn khi xảy ra động đất.

HIỀN MAI
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp