• Zalo

Kinh ngạc nơi phụ nữ tuổi 30 là thành bà cụ

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 13/10/2012 03:25:00 +07:00Google News

Nhiều năm qua, không hiểu vì lý do gì, chị em phụ nữ cứ đến tuổi 30 là đồng loạt tạm biệt hàm răng ngọc ngà, móm mém hệt như những cụ già mắt mờ chân chậm.

Có thể khẳng định chẳng nơi đâu chị em phụ nữ lại đau khổ như ở chốn này. Nhiều năm qua, không hiểu vì lý do gì, chị em phụ nữ cứ đến tuổi 30 là đồng loạt tạm biệt hàm răng ngọc ngà, móm mém hệt như những cụ già mắt mờ chân chậm.

Bởi tất thảy chị em rơi vào cảnh ngộ “lợi ơi ở lại răng đi nhé” nên vùng đất heo hút, xa xôi này từ lâu đã bặt vắng tiếng cười. Không còn “cái góc con người” ấy, cái duyên con gái cũng biến mất theo nên cười sao được.

Mà đã chẳng còn răng thì cười cũng như khóc, cũng chỉ khiến muộn phiền thêm muôn phần chất chứa…

Kỳ 1: Cả bản chung cảnh ngộ “lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn”

Bản Tấu Trên (xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái) có mấy chục nóc nhà thì hầu hết chị em phụ nữ ở tuổi trưởng thành đều móm mém. Người may mắn thì răng còn vài cái, người không may thì hai hàm đều chẳng còn gì. Bởi thế, chị em ở đây ngoài việc vất vả lo mưu sinh thì còn phải dành một khoản lớn để đi cắm lại “bộ nhá” cho mình.

Không bán kem đánh răng vì dân không có răng mà… đánh!

Đến xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái trời đổ mưa tầm tã, tôi tạt vào một quán tạp hóa ven đường nghỉ chân. Ông chủ quán là người nhanh mồm, nhanh miệng lại hay chuyện.

Cái sạp hàng nhỏ của ông bầy bán đủ thứ từ cái kim, sợi chỉ cho đến cuốc, xẻng, dao… duy chỉ có món kem đánh răng lại thiếu. Khi chúng tôi nhắc tới mặt hàng thông dụng và không thể thiếu trong mỗi gia đình này, ông chủ quán buồn thiu.

Ông lặng lẽ đưa ánh mắt buồn nhìn về phía đỉnh núi xa mờ nhuộm trắng mưa núi. Ông thở dài: “Cánh kinh doanh chúng tôi vẫn thầm trách ông trời nơi đây đã loại mất mặt hàng tưởng như bán chạy nhất này ra khỏi quán. Tôi nói anh nghe, phụ nữ nơi đây cứ ngoài 20 tuổi là móm cả. Chẳng ai còn lấy một cái răng làm duyên nữa… Không còn răng thì họ mua kem đánh răng làm gì?”.
Chị Giang đã phải trồng 10 cái răng giả  
Nghe ông chủ quán nói vậy, tôi tưởng ông lấy câu chuyện làm quà cho vui: “Bác nói thế nào chứ, đang ở độ tuổi thiếu nữ móm làm sao được…”.

Ông chủ quán không tỏ ra sốt ruột với câu phản biện của chúng tôi, ông lại khẳng định thêm lần nữa: “Rồi anh khắc biết. Lát nữa tạnh mưa, bà con xuống quán tôi mua sắm, anh xem có ai còn hàm răng nguyên vẹn không?”.

Khi trời đã ngớt mưa, chị em phụ nữ người Mông lưng đeo lù cở từ khắp các ngả đường dồn về trung tâm xã, vì hôm nay là ngày phát ngô giống. So với phụ nữ ở dưới xuôi, thiếu nữ người Mông nơi đây thường phải làm lụng vất vả, lấy chồng sớm nên già trước tuổi. Duy chỉ có một điều khiến các lữ khách ngẩn ngơ là nụ cười duyên và không một chút lo âu của các sơn nữa người Mông.

Vậy mà ở đây, thiếu nữ nào gặp người lạ cũng cố dùng tay che mất hàm răng duyên của mình. Họ ngượng khi phải nói chuyện với người lạ. Quả như ông chủ quán nói, tôi thầm quan sát những phụ nữ vào quán ai cũng móm mém, dường như không thiếu nữ nào có hàm răng còn nguyên vẹn.

Lam lũ vất vả cũng chỉ vì… cắm cho vợ hàm răng giả

Mang theo câu chuyện buồn của ông chủ quán, chúng tôi tìm lên bản Tấu Trên. Những nếp nhà đất của người Mông nằm chênh vênh bên sườn núi đá, ủ rũ trong mưa.

Công dân đầu tiên của bản chúng tôi gặp là ông Mùa A Dê, trưởng bản. Ông Dê vừa đi nương về, quần áo còn lấm len bùn đất. Khi đã yên vị, ông Dê vào chuyện: “Trời mưa to thế này ngô lại hỏng hết. Vụ này cái đói lại cận kề rồi…”.

Đưa ánh mắt buồn nhìn ra màn mưa như trút nước, ông Dê lại ngậm ngùi: “Ngô trồng ra bán rẻ lắm nhà báo à. Cả sào ngô bán đi không đủ tiền để trồng cái răng giả cho vợ… Sự so sánh bất ngờ của trưởng bản cũng khiến tôi chạnh lòng. Hóa ra, từ nhiều năm nay, các chàng trai Mông đã có vợ ở nơi đây, chỉ ước mong một điều có đủ tiền để… trồng răng giả cho vợ.

Từ nhiều năm nay, phụ nữ nơi đây mắc chứng bệnh rất lạ, họ lấy chồng rồi sinh được 1-2 đứa con là răng cứ rụng dần. Khi chúng tôi hỏi trưởng bản có thống kê số phụ nữ bị móm trước tuổi không, ông Dê lắc đầu: Bản nhỏ có 69 nóc nhà, đâu cần phải thống kê. Hầu như phụ nữ nào ở độ tuổi 25-30 cũng rơi vào tình trạng “lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn”.
Cô bé này chưa lấy chồng đã phải trồng 3 cái răng 
Người rụng ít thì vài cái, người rụng nhiều đi cả 2 hàm. Chẳng thế mà thỉnh thoảng xuống huyện họp, các trưởng bản ở nơi khác thường gọi chúng tôi là bản móm, nghe buồn và thương chị em phụ nữ nhiều hơn.

Chiều miền sơn cước xuống nhanh, bóng núi đã đổ dài trên nóc nhà như báo hiệu một ngày sắp tàn. Từ các con dốc ngoằn nghèo trên đỉnh núi, chị em phụ nữ đi làm nương đang nối nhau về bản. Họ vừa đi vừa cười nói tíu tít. Có một điều lạ là chẳng ai cười tươi được chỉ vì thiếu mất một góc của con người.

Hôm nay, anh Mùa A Lầu chồng của chị Thào Thị Giang ở nhà sửa lại cái chuồng trâu. Vừa thấy người phụ nữ gầy guộc, khuôn mặt già sọm đi vì nằng gió, tôi mở lời: “Cháu chào bác!”.

Câu chào của tôi khiến anh Lầu sững sờ. Ngay cả người phụ nữ đó cũng đỏ mặt vì xấu hổ. Tôi định mở lời xin lỗi, ông Lầu giơ tay ra hiệu không cần. Sau khi đã đưa được gùi măng xuống bếp giúp vợ, sắp xếp mọi thứ đâu vào đấy, anh Lầu giãi bầy: “Không riêng gì anh nhầm đâu. Những hôm đưa vợ xuống chợ, nhiều người cũng tưởng vợ là mẹ của tôi. Đến khổ, mới ngoài tứ tuần mà răng vợ đã rụng hết rồi. Có lẽ vì thế mà mọi người mới tin rằng vợ tôi già trước tuổi”.

Cả đời… húp cháo

Anh Lầu và và chị Giang lấy nhau đã được hơn 20 mùa rẫy và đã có 3 đứa con. Anh Lầu thương vợ vì cái nết hay lam hay làm. Từ khi lấy nhau đến nay, vợ chồng chẳng có bệnh tật gì. Duy chỉ có một điều làm anh buồn lòng là răng của vợ cứ rơi rụng dần.

Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang, khi chị Giang gọi với lên nhà mời chúng tôi xuống dùng bữa tối. Mâm cơm tươm tất được dọn ra có rượu ngô, có thịt gà xương đen, có cả món măng xào thơm lừng và có nồi cháo để cạnh nồi cơm.

Chị Giang phải nấu khẩu phần ăn riêng cho mình, món gì cũng phải làm mềm nhũn như cháo, chị mới ăn được. Anh Lầu bảo: “Vợ không có răng nên không ăn được những thức ăn cứng và dai.
Phụ nữ bản Tấu Trên ra ngoài không dám cười 
Từ ngày đẻ đứa con thứ 2, vợ tôi đã không còn cơ hội để ăn thịt gà. Sau 5 năm đã đi đứt cả 2 hàm cứ như có ai đó cố tình ăn cắp mất hàm răng của vợ mình vậy. Năm ngoái, tôi bấm bụng bán mấy mấy tạ ngô đi mà cũng chỉ giúp vợ trồng lại được 3 cái răng giả ở dưới thị xã Nghĩa Lộ”.

Không riêng gì chị Giang, nhiều phụ nữ trung tuổi ở bản Tấu Trên này cũng mắc chứng bệnh tương tự. Chị Sùng Thị Ca năm nay đã ngoài 30 tuổi cũng đã trở thành bà móm rồi.

Hôm chúng tôi đến chơi, nhà chị Ca cũng đang dùng bữa tối. Riêng chị Ca dùng thìa để múc thức ăn, chứ không cầm đũa như mọi người. Từ ngày bị rụng hết răng, bữa cơm nào, chị cũng phải nấu 2 nồi. Khi nói chuyện với chúng tôi, chị Ca tỏ vẻ ngượng ngùng. Chị không muốn chụp ảnh vì chị lo mọi người nhìn thấy chị bị móm thế này ngại lắm.

Phụ nữ người Mông nơi đây thường vất vả. Đến tuổi cập kê là lấy chồng rồi sinh con. Giờ lại chịu thêm cái bệnh là rụng răng khiến việc ăn uống vô cùng bất tiện. Chị Ca kể, lúc đầu thấy răng nhức mỏi. Đầu tiên là mấy chiếc răng hàm gãy sạch rồi lan cả ra răng cửa. Gia đình chị nghèo lắm nên chị cũng chẳng đi khám răng bao giờ. Chị đến hỏi các chị em trong bản, mọi người cũng bị như vậy nên chị cũng không quan tâm. Giờ đã thành bà móm rồi, có muốn chữa cũng không kịp nữa.

Còn tiếp…


Theo Báo Gia đình và Cuộc sống

Bình luận
vtcnews.vn