Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và ý kiến các Đoàn ĐBQH về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm đồng bộ, UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Đại diện Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nhấn mạnh về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng. Theo đó, nhiều ý kiến nhất trí nâng điều kiện về vốn điều lệ đối với chào bán chứng khoán ra công chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng; có ý kiến đề nghị giữ điều kiện này ở mức 10 tỷ đồng, có ý kiến đề nghị chỉ nâng lên mức 20 tỷ đồng.
Về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), một số ý kiến đề nghị mô hình UBCKNN cần độc lập và trực thuộc Chính phủ; một số ý kiến khác nhất trí giữ mô hình UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính, tuy nhiên cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập cho UBCKNN trong hoạt động.
UBTVQH thấy rằng việc quy định UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay là phù hợp, giữ ổn định về bộ máy, tổ chức, không tăng thêm đầu mối. Đồng thời, mô hình hiện nay đã và đang phát huy tác dụng tốt, giúp cho Bộ Tài chính quản lý thống nhất các vấn đề liên quan đến tài chính của đất nước; các chính sách phụ trợ cho sự phát triển của TTCK được ban hành trong chỉnh thể đồng bộ, linh hoạt.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính thống nhất, giảm bớt đầu mối quản trị, điều hành và minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ có 1 Sở giao dịch chứng khoán duy nhất, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán.
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội khẳng định, đây là doanh nghiệp rất đặc thù nên cần được quy định cụ thể trong Luật về thẩm quyền thành lập, quyền hạn và nghĩa vụ cơ bản. Mặt khác, những biến động về thị trường tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tiền tệ của quốc gia.
"Để bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, chi phối đề nghị chỉnh lý khoản 1 Điều 42 của dự thảo Luật, theo đó Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết”, ông Vũ Hồng Thanh cho biết.
Bình luận