Theo kế hoạch kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước, toàn ngành sẽ tập trung kiểm toán 146 cuộc, gồm các lĩnh vực ngân sách nhà nước, chuyên đề, đầu tư xây dựng, doanh nghiệp – tổ chức tài chính – ngân hàng, quốc phòng an ninh…
Trong đó, lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án dự kiến thực hiện 34 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, chủ yếu các dự án lớn, được dư luận quan tâm như các Dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ thiêm TP.HCM, Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM, Dự án giao thông như Đầu tư xây dựng đường vành đai II, III TP.Hà Nội, các tuyến đường trên tuyến Quốc lộ 1A, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội;
Các dự án thủy lợi (Hồ chứa nước Đồng Mít, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, hồ chứa nước Sông Lũy, Bắc sông Chu - Nam sông Mã; hồ chứa nước Mỹ Lâm, hồ chứa nước sông Chò I), Đập ngăn mặn sông Hiếu;
Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM, đường dây 500kV Long Phú - Ô Môn, nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1…
Lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, cơ quan kiểm toán dự kiến thực hiện 16 cuộc kiểm toán, gồm Ngân hàng Nhà nước, 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 3 ngân hàng thương mại.
Kiểm toán Nhà nước cũng dự kiến lựa chọn 9 cuộc kiểm toán hoạt động, trong đó tập trung kiểm toán các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chống biến đổi khí hậu và hoạt động tín dụng cho người nghèo, nhà ở xã hội...
Đồng thời, lựa chọn 19 cuộc kiểm toán chuyên đề, gồm 2 cuộc kiểm toán chuyên đề phạm vi rộng và các chương trình - dự án thuộc lĩnh vực an sinh - xã hội, phát triển kinh tế vùng, việc quản lý tài nguyên, khoáng sản và một số chuyên đề về công tác quản lý thu ngân sách và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản…
Theo cơ quan kiểm toán, việc kiểm toán sẽ kết hợp với việc đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán.
Cũng như các hoạt động quản lý, bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước như: chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu…
Bên cạnh đó, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng.
Mục tiêu nữa là xác định thực trạng sở hữu chéo, nợ xấu, đặc biệt là việc triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng.
Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đến 30/9/2019, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 61.732 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu 6.197 tỷ đồng và giảm chi 12.842 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 42.693 tỷ đồng.
Bình luận