• Zalo

Kịch tính thương vụ sáp nhập lớn nhất ngành thời trang xa xỉ thế giới

Tư liệuThứ Ba, 29/12/2020 10:28:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tiffany dự kiến trong tuần này thông qua việc hợp nhất với Louis Vuitton (LVMH), khép lại nhiều tháng tranh cãi giá cả suýt khiến thỏa thuận 15,8 tỷ USD tan tành.

Thỏa thuận sáp nhập dự kiến sẽ mang lại cho gã khổng lồ thời trang xa xỉ của Pháp một cú hích lớn trên thị trường trang sức cao cấp, trong bối cảnh khó khăn của đại dịch COVID-19. Dù vậy, tương lai thị trường có phục hồi được hay không vẫn là một dấu hỏi.

Thỏa thuận ban đầu của Louis Vuitton (LVMH là chủ sở hữu thương hiệu) khi mua lại Tiffany nhằm tăng cường hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhỏ nhất của hãng, bộ phận trang sức và đồng hồ, đồng thời giúp họ mở rộng và củng cố sự hiện diện tại Mỹ.

Thỏa thuận bắt đầu gặp trục trặc khi LVMH cho biết không thể hoàn tất giao dịch trước hạn chót do chính phủ Pháp yêu cầu, liên quan đến mối đe dọa về mức thuế mới của Mỹ đối với các sản phẩm của Pháp. Bên cạnh đó, LVMH dẫn ra tình hình kinh doanh "tệ hại" của hãng trang sức Tiffany trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Kịch tính thương vụ sáp nhập lớn nhất ngành thời trang xa xỉ thế giới - 1

Tiffany dự kiến trong tuần này thông qua việc hợp nhất với Louis Vuitton, khép lại nhiều tháng tranh cãi giá cả suýt khiến thỏa thuận 15,8 tỷ USD tan tành. (Ảnh minh họa)

“Tay bẩn”

Cổ đông chính của LVMH, tỷ phú người Pháp Bernard Arnault để mắt đến Tiffany trong nhiều năm trước khi đưa ra lời đề nghị mua lại công ty vào tháng 10/2019 với giá 120 USD/cổ phiếu. Sau vài tuần đàm phán, LVMH đạt được thỏa thuận mua Tiffany với giá 135 USD/cổ phiếu, gần với mức cao nhất mọi thời đại của công ty.

Nhiều tuần sau đó, những ca bệnh COVID-19 đầu tiên được ghi nhận ở Vũ Hán, Trung Quốc. Đến tháng 3/2020, các cửa hàng sang trọng trên khắp thế giới đóng cửa cùng với sự phong tỏa của các nền kinh tế lớn.

Trong mùa hè, đại diện LVMH nhờ Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire viết một lá thư tạo cơ sở để công ty đàm phán lại hoặc rút khỏi thỏa thuận sáp nhập, các quan chức Pháp cho biết. Ông Le Maire từ chối.

Vào ngày 8/9/2020, LVMH nói với Tiffany rằng họ nhận được một lá thư từ Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian, yêu cầu công ty trì hoãn việc mua Tiffany cho đến ngày 6/1/2021, để giúp Pháp trong các cuộc đàm phán thuế với chính phủ Mỹ.

Ngày hôm sau, LVMH cho biết họ sẽ rút khỏi thỏa thuận. Tiffany nhanh chóng đệ đơn kiện đòi LVMH mua lại công ty hoặc bồi thường thiệt hại. Chủ tịch Tiffany Roger Farah cho biết trong một tuyên bố cùng ngày rằng LVMH đã sử dụng “tay bẩn”, ngầm cáo buộc công ty yêu cầu chính phủ Pháp viết lá thư. Theo một nguồn tin, cụm từ này đã khiến ông Arnault và ban lãnh đạo LVMH tức giận.

"Sự việc đã đi quá mức", người này nói.

Kịch tính thương vụ sáp nhập lớn nhất ngành thời trang xa xỉ thế giới - 2

LV muốn giảm giá mua vì tình hình kinh doanh "tệ hại" của hãng trang sức Tiffany trong cuộc khủng hoảng COVID-19. (Ảnh minh họa: Bloomberg)

Cuộc chiến pháp lý

Arnault cũng khó chịu vì Tiffany khăng khăng đòi trả cổ tức đầy đủ cho cổ đông trước khi hoàn thành thỏa thuận, và yêu cầu hãng trang sức giảm giá thỏa thuận xuống 11%.

Tiffany từ chối và đi kiện. Vụ kiện được nộp lên tòa án Delaware, để thực thi thỏa thuận sáp nhập với giá ban đầu.

Vào ngày 16/9, cố vấn của Tiffany về thương vụ, Blair Effron tại Centerview Partners, nhận được cuộc gọi từ một chủ ngân hàng người Pháp, Grégoire Heuzé, cố vấn cho ông Arnault.

Ông Heuzé nói LVMH sẽ quan tâm đến việc hòa giải. Ông Effron chuyển thông điệp tới Farah, người đáp: "Không, cảm ơn. Chúng tôi thích cơ hội chiến thắng trước tòa", theo các nguồn tin.

Vào đầu tháng 10, Heuzé nói với Effron rằng LVMH sẵn sàng giải quyết thỏa thuận với giá 120 USD một cổ phiếu, giảm so với giá ban đầu là 135 USD. Effron trả lời rằng Tiffany sẽ khó chấp nhận mức giảm giá lớn như vậy, theo hồ sơ pháp lý.

Vào ngày 15/10, Tiffany công bố kết quả sơ bộ cho tháng 8 và tháng 9/2020 cho thấy hoạt động kinh doanh của họ đã bắt đầu ổn định. Doanh thu trên toàn thế giới giảm nhẹ nhưng thu nhập từ hoạt động kinh doanh đã tăng 25% so với một năm trước. Công ty cũng báo cáo doanh số và tăng trưởng thương mại điện tử mạnh mẽ ở Trung Quốc.

Vào ngày 18/10, Heuzé nâng mức đề nghị lên 131 USD một cổ phiếu, theo hồ sơ. Ông Effron trả lời rằng sẽ cần 132 USD một cổ phiếu và Tiffany có thể sẽ yêu cầu một hợp đồng "chặt" để ngăn LVMH bỏ đi.

Ông Heuzé cho biết LVMH sẵn sàng thanh toán với giá 131,5 USD một cổ phiếu. Ông Farah lúc này cảm thấy đáng để chấp nhận một khoản giảm giá nhỏ để đảm bảo hoàn thành thỏa thuận.

Hai công ty công bố thỏa thuận vào cuối tháng 10, với việc LVMH trả 131,5 USD cho mỗi cổ phiếu và sáp nhập Tiffany.

Việc giảm giá tiết kiệm cho LVMH 440 triệu USD, chưa đến 1% doanh thu năm 2019 của hãng. Tuy nhiên khoản tiết kiệm đó bị giảm đi 141 triệu USD khi Tiffany trả cổ tức vào tháng 8 và tháng 12, điều mà LVMH có thể tránh được bằng cách hoàn thành thương vụ nhanh hơn.

"Có vẻ như đó là một câu hỏi về nguyên tắc", Erwan Rambourg, một nhà phân tích về hàng xa xỉ tại HSBC nói. "Liệu thời gian và chi phí khởi kiện có đáng không? Tôi không biết".

Kịch tính thương vụ sáp nhập lớn nhất ngành thời trang xa xỉ thế giới - 3

Nhiều khách du lịch thường chi tiêu mạnh tay khi đi du lịch khắp thế giới đã ở nhà do đại dịch. (Ảnh minh họa: Bloomberg)

Câu hỏi hậu đại dịch

Cuối cùng, LVMH đồng ý mua Tiffany với giá giảm 2,6% so với giá thỏa thuận. Tiffany đã trả cổ tức 70 triệu USD vào tuần trước.

Arnault quyết định thà sở hữu Tiffany với mức giá gần với thỏa thuận trước đại dịch hơn là tiếp tục chiến đấu, theo nguồn tin của WSJ.

Nhưng tất cả vẫn chưa kết thúc. Giờ đây, ông phải đối mặt với thách thức vực dậy Tiffany vào thời điểm mà thương hiệu và cả ngành công nghiệp đã bị thiệt hại đáng kể. Các luật sư riêng của LVMH, trong một vụ kiện hồi tháng 9, cho biết đại dịch đã khiến hãng "ngập đầu trong các vấn đề không hồi kết".

Nhiều khách du lịch thường chi tiêu mạnh tay khi đi du lịch khắp thế giới đã ở nhà do đại dịch, tước đi nguồn thu chính của Tiffany. Tiffany phụ thuộc rất nhiều vào các cửa hàng trung tâm thương mại ở Mỹ, và các địa điểm bán lẻ này bị ảnh hưởng không nhỏ trong năm nay.

LVMH nhận thấy: “Sự sụt giảm mạnh về lượng người qua lại tại các trung tâm thương mại, trung tâm chiến lược bán lẻ của Tiffany, sẽ có tác động bất lợi đáng kể về lâu dài đối với công ty”.

Theo các nhà phân tích, những vấn đề của Tiffany còn nằm ở các điểm yếu khác như một loạt sản phẩm nghiêng về trang sức cô dâu vào thời điểm ngày càng ít cặp đôi kết hôn.

Erwan Rambourg nhận định: “Tiffany rất mạnh về cô dâu, nhưng đó không phải là tương lai". Bên trong LVMH, "các sản phẩm và cửa hàng sẽ (phải) biến đổi vượt bậc", ông nói.

Phương Anh(Nguồn: The Wall Street Journal)
Bình luận
vtcnews.vn