Dịch Covid-19 đang đẩy nhân loại đến cuộc chiến sống còn. Sau Trung Quốc, đến lượt châu Âu là điểm nóng của dịch và không biết đến khi nào SARS-CoV-2 mới bị đẩy lùi.
Viễn cảnh lạc quan
“Trường hợp khả quan nhất là virus tự biến đổi và thực sự biến mất”, nhà dịch tễ học người Mỹ Larry Brilliant, người từng điều hành tổ chức từ thiện Google.org của Google và giám sát Quỹ Skoll Global Threats Fund đánh giá.
Ông Brilliant cũng là người tư vấn cho bộ phim “Contagion” (tựa đề tiếng Việt “Dịch bệnh” - ND), với nội dung nói về sự lây lan của một loại virus nguy hiểm. “Chỉ có trong phim ảnh, virus mới trở nên tồi tệ hơn”, Brilliant cho biết. Hai biến chủng virus corona gây dịch bệnh SARS và MERS đều chứng minh điều đó.
Một số quốc gia đã chỉ ra rằng hành động quyết liệt có thể làm xoay chuyển cuộc chiến chống virus, ít nhất là trong thời gian ngắn. Trung Quốc những ngày gần đây thông báo đã không ghi nhận thêm một trường hợp lây nhiễm mới nào trong nội địa. Mặc dù quốc gia này vẫn cảnh báo nguy cơ “làn sóng thứ 2” với những ca nhiễm nhập cảnh từ nước ngoài.
Singapore và nhiều nước châu Á khác đã trở thành hình mẫu trong việc kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 thông qua áp dụng đồng thời các biện pháp như cảnh giác và phản ứng nhanh, xét nghiệm rộng rãi, cách ly người bệnh, tìm kiếm và cách ly những người có nguy cơ phơi nhiễm, đảm bảo “giãn cách xã hội” và cung cấp thông tin đáng tin cậy.
Những nước này không phong tỏa toàn bộ đất nước, riêng Singapore vẫn cho phép các trường học được mở cửa.
Tiến sĩ Tom Frieden, cựu Giám đốc của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đánh giá: “Singapore có thể coi là kịch bản tốt nhất”. Ông nói rằng với việc thực hiện “giãn cách xã hội” và hạn chế cho người dân tụ tập, Mỹ có thể hạn chế số các ca mắc Covid-19 và tiếp đến nước này cần áp dụng những chiến lược giống Singapore để đạt hiệu quả tốt hơn.
Bác sĩ Christopher Willis tại Singapore cho biết, bài học quan trọng nhất là virus SARS-CoV-2 có thể được ngăn chặn nếu mọi người có trách nhiệm và tuân thủ một số quy tắc đơn giản nhưng cần thiết. "Và hơn hết là giữ bình tĩnh. Với nhiều người, căn bệnh này giống như bệnh cảm lạnh thông thường”, ông Willis cho biết.
Tiến sĩ Tom Inglesby, một chuyên gia về dịch tễ tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg nhấn mạnh, thực tế là Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc đã “là phẳng đường cong” mặc dù phải chứng kiến số trường hợp nhiễm bệnh tăng vọt ở giai đoạn đầu.
Điều này mang đến cho chúng ta hy vọng rằng chúng ta có thể làm tốt. Một dấu hiệu lạc quan tại Mỹ là bang Washington - nơi dịch bệnh khởi phát, đã ghi nhận số bệnh nhân có xét nghiệm dương tính ở mức độ ổn định.
Thời tiết cũng có thể mang đến sự thuận lợi trong cuộc chiến này. Một số loại virus gây bệnh hô hấp thường suy yếu vào mùa hè do nhiệt độ cao, vì thế các nước ở Bắc Bán Cầu sẽ có được giai đoạn tạm lắng trong mùa hè trước khi làn sóng thứ 2 của dịch bệnh có thể bùng phát vào mùa thu.
Tình huống này cũng đã từng xảy ra với đại dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918. Dịch cúm này bùng phát vào mùa xuân, suy giảm trong mùa hè nhưng đã trở nên tồi tệ hơn vào mùa thu.
Trong số 4 chủng virus corona gây ra các triệu chứng về hô hấp, có 2 chủng suy giảm khi thời tiêt ấm lên còn 2 loại khác có sự biến đổi. Virus corona gây ra dịch SARS và MERS không có sự biến đổi rõ ràng theo mùa, trong khi đó bệnh cúm mùa lại bùng phát mạnh mẽ hơn trong mùa hè và ít hơn vào mùa đông. Vì thế một số chuyên gia cho rằng nhận định thời tiết ấm lên sẽ khiến virus SARS-CoV-2 suy giảm vẫn là điều chưa chắc chắn.
Một lý do nữa cho sự lạc quan là việc phát triển thuốc kháng virus sẽ mang đến triển vọng đánh bại virus SARS-CoV-2. Một số loại thuốc đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Các nhà khoa học đã đặt hy vọng vào nhiều loại thuốc như remdesivir - ban đầu được chế tạo để chống Ebola, chloroquine - một loại thuốc chống sốt rét cũ, một số thuốc chống HIV và thuốc tăng cường miễn dịch.
Video: Thủ tướng Angela Merkel tự cách ly
Ngay cả khi không có liệu pháp điều trị, virus SARS-CoV-2 có thể gây ít trường hợp tử vong hơn nếu chính phủ các nước giữ cho các hệ thống y tế không bị quá tải. Ở Hàn Quốc và nhiều khu vực tại Trung Quốc ngoại trừ tỉnh Hồ Bắc, số ca tử vong chỉ chiếm 0,8% trên tổng số ca nhiễm bệnh.
Ước tính cứ 5 người nhiễm virus SARS-CoV-2 thì có 4 người xuất hiện triệu chứng nhẹ. Ngay cả với những người trên 90 tuổi tại Italy mắc Covid-19 thì tỉ lệ sống sót vẫn ở mức 78%.
Tiến sĩ David L. Katz, cựu giám đốc của Trung tâm nghiên cứu dự phòng tại Đại học Yale, cho biết, 2/3 số ca tử vong tại Italy là những bệnh nhân có bệnh lý nền và cũng là người cao tuổi. Ông lưu ý, nhiều người có thể tử vong vì các nguyên nhân khác nhau ngay cả khi không bị virus tấn công.
Kết hợp tất cả những lập luận trên, tiến sỹ Tara C. Smith tại Đại học quốc gia Kent nói rằng: “Tôi không bi quan. Tôi nghĩ các biện pháp ngăn chặn có thể đạt hiệu quả”.
Theo bà, có thể phải mất 8 tuần thực hiện biện pháp “giãn cách xã hội” thì mới có cơ hội hạn chế sự lây lan của virus và cuộc chiến này có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào việc người dân thay đổi hành vi cũng như việc các bệnh viện không bị quá tải. “Nếu thời tiết ấm lên, nếu chúng ta có thể tìm ra được thuốc chữa, nếu các công ty sản xuất thêm nhiều máy thở, chúng ta vẫn có cơ hội để ngăn chặn dịch bệnh”, Smith cho biết.
Kịch bản tồi tệ nhất
Tiếp theo là mặt trái của vấn đề. Nghiên cứu của Đại học Quốc gia Australia cho biết, số người tử vong trên toàn cầu có thể lên đến 15 triệu người, còn GDP toàn cầu sẽ giảm 2,3 nghìn tỷ USD. Tiến sĩ Neil M. Ferguson, nhà dịch tễ học người Anh - một trong những người xây dựng mô hình bệnh dịch tốt nhất trên thế giới, nhấn mạnh, riêng tại Mỹ số ca tử vong có thể lên đến 2,2 triệu người.
Ông Ferguson đã đặt câu hỏi liệu Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác có thể duy trì thành công của họ trong 18 tháng tới cho đến khi vaccine được bào chế trong bối cảnh các trường hợp nhiễm mới liên tiếp được “nhập khẩu” từ bên ngoài. Trên thực tế, đã có một loạt ca mắc Covid-19 được báo cáo tại Singapore và Trung Quốc những ngày gần đây.
Cây bút Dan Robitzski của tờ Futurism cho rằng, mặc dù không có một cuộc chiến tranh thế giới nào, nhưng dịch bệnh dịch Covid-19 hiện nay có thể lây lan nhanh chóng và dễ dàng hơn thông qua lượng lớn hành khách di chuyển xuyên quốc gia, xuyên lục địa trên các phương tiện giao thông mỗi ngày.
Việc di chuyển của con người đã khiến virus SARS-CoV-2 có cơ hội phát tán đi những nơi xa hàng nghìn cây số, có mặt trên khắp các lục địa, vượt xa nơi khởi phát là thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc.
Hiện giờ, Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 3 sau Trung Quốc và Italy. Ước tính Mỹ chỉ đi sau Italy 8 ngày trên quỹ đạo phát triển của virus và rất khó để biết được làm thế nào mà Mỹ có thể xoay chuyển tình thế giống Hàn Quốc.
Một số ý kiến cho rằng tình hình dịch bệnh tại Mỹ không chỉ sớm diễn biến giống với Italy mà thậm chí còn nghiêm trọng hơn vì Mỹ có ít bác sỹ và giường bệnh tính trên đầu người hơn so với Italy. Mitre – một tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ước tính, các trường hợp nhiễm bệnh tại Mỹ đang tăng nhanh hơn gấp đôi so với bất quốc gia nào khác mà họ đã thị sát, trong đó có cả Italy và Iran.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, đỉnh dịch - giai đoạn mà nhiều người bị mắc Covid-19 nhất, vẫn chưa xảy ra tại châu Mỹ và một số quốc gia thuộc châu Âu. Liệu kịch bản xấu này có thành hiện thực hay không phụ thuộc vào việc thực thi các biện pháp phòng ngừa của chính phủ và ý thức của người dân.
Giải pháp được nhiều nước áp dụng hiện nay là phong tỏa nhưng các quốc gia đó không thể đóng cửa vô thời hạn vì điều này sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế nghiêm trọng, ảnh hưởng việc cung cấp và hỗ trợ thiết bị y tế, thuốc men, làm xói mòn lòng tin của công chúng.
Các đánh giá trên toàn cầu cho thấy, nhiều quốc gia thiếu năng lực y tế công cộng cơ bản như phòng thí nghiệm hay các nhân viên dịch tễ được đào tạo cơ bản. Bên cạnh đó, nhiều hệ thống y tế chưa được chuẩn bị để đối phó với sự bùng phát dịch bệnh, thiếu nguồn lực để điều trị cho bệnh nhân. Những yếu tố này có thể khiến Covid-19 bùng nổ nhanh chóng trong cộng đồng.
“Không ai biết điều gì sẽ xảy ra. Lựa chọn tối ưu hiện giờ là hy vọng những điều tốt nhất trong khi chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”. Dù bày tỏ sự lạc quan, nhưng tiến sĩ Brilliant cũng cảnh báo rằng virus SARS-CoV-2 có thể “gây ra sự gián đoạn trên toàn cầu với quy mô mà chúng ta chưa từng chứng kiến đối với bất cứ dịch bệnh nào trong hơn 100 năm qua”.
Bình luận