Tái sử dụng khẩu trang N95
Các lãnh đạo tại Trung tâm Y tế Đại học Nebraska ước tính nếu tiếp tục sử dụng khẩu trang y tế một lần, họ sẽ hết khẩu trang chỉ trong vài tuần.
Vì vậy trung tâm này quyết định sẽ khử trùng khẩu trang bằng tia cực tím và tái sử dụng chúng. Những chiếc khẩu trang theo đó sẽ được sử dụng trong một tuần hoặc lâu hơn.
"Chúng tôi đang đưa ra những lựa chọn tốt nhất trong lúc này", bác sĩ Mark Rupp, Trưởng Khoa Truyền nhiễm của trung tâm cho biết.
Ông này khẳng định các tia UV đủ sức tiêu diệt virus và khẩu trang sau khi được khử trùng vẫn có tác dụng gần như tương đương như ban đầu.
"Chúng tôi dùng đèn UV lớn, nhấn nút bắt đầu và rời phòng, để đèn sáng trong 3-5 phút", Tiến sĩ John Lowe, người thiết kế chương trình khử khuẩn cho hay.
Theo Lowe, lượng tia cực tím mà trung tâm sử dụng gấp 3 lần lượng cần thiết để khử trùng cho khẩu trang. Bên cạnh đó, ông cũng kiểm tra khẩu trang trước mỗi lần tái sử dụng.
Các nhân viên y tế cũng được đảm bảo nhận lại đúng khẩu trang mình đã dùng sau khi nó được khử khuẩn.
Trung tâm Y tế Đại học Nebraska bắt đầu chương trình quy trình thử nghiệm khử khuẩn này từ 19/3. Ông Rupp thừa nhận không thể phủ nhận các rủi ro vì mọi thứ vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, nhưng ông cũng tin rằng đây là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung hiện nay.
Mỹ có thể thiếu hàng triệu khẩu trang
"Chúng tôi chưa chuẩn bị cho việc hết khẩu trang N95. Điều đó không ổn chút nào ở bệnh viện", bác sỹ Susan Ray, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Grady Memorial ở Atlanta (Georgia) chia sẻ.
Khi nguồn cung khẩu trang khắp toàn cầu đang dần cạn kiệt do đợt bùng phát dịch Covid-19, các nhà sản xuất trong nước phải đối mặt mới hàng loạt đơn đặt hàng mới trong thời gian gấp gáp.
Nhiều bệnh viện tại Mỹ như Grady Memorial không nhận được các lô khẩu trang N95 mới và cũng không rõ khi nào chúng xuất hiện.
Bác sỹ Ray nói, nhiều đồng nghiệp của cô tại các bệnh viện khác cũng đang kêu than về việc thiếu hụt khẩu trang N95.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị chỉ những người nhiễm Covid-19 và các nhân viên điều trị hoặc tiếp xúc với họ mới nên dùng loại khẩu trang này.
"Khẩu trang N-95 khít mặt và dày hơn so với khẩu trang phẫu thuật. Nó có thể lọc 95% các loại hạt trong không khí khi được sử dụng đúng cách", CDC cho hay.
Tuy nhiên, bác sĩ Wendy Armstrong, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm khác tại Grady Memorial nói rằng, N-95 không chỉ được dùng cho các bệnh nhân được xác định nhiễm bệnh, mà còn cho những người nghi nhiễm nhưng chưa thể kiểm tra.
Kho dự trữ vật liệu y tế chiến lược của Mỹ hiện có 12 triệu khẩu trang N95 và 30 triệu khẩu trang phẫu thuật. Con số này chỉ bằng 1% so với 3,5 tỷ khẩu trang mà Mỹ cần khi đại dịch lây lan nhanh.
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) tuần trước cho biết, chính phủ liên bang đang cố gắng đảm bảo có thêm 500 triệu khẩu trang N95 trong 18 tháng tới.
Một phát ngôn viên của HHS nói rằng, bước đầu tiên các bệnh viện có thể làm để tạm thời giải quyết tình trạng thiếu hụt hiện nay là đánh tiếng với bộ phận y tế công cộng địa phương hoặc tiểu bang bởi nhiều cơ sở trong số này có nguồn cung cấp riêng.
Tình trạng thiếu hụt N95 hiện tại ở các bệnh viện Mỹ ngoài nguyên nhân từ việc gián đoạn nguồn cung toàn cầu còn do cơn hoảng loạn mua sắm của người dân. Hầu hết các bệnh viện cũng không có nguồn cung lớn.
Ông Tony Morain tới từ Direct Relief, tổ chức viện trợ nhân đạo ở Santa Barbara, California nói rằng, ngay cả trước khi dịch bùng phát, tổ chức của ông đã lo ngại về tình trạng thiếu hụt N95. Họ phải ký hợp đồng với một công ty ở Trung Quốc để tìm cách bù đắp vào phần thiếu hụt đó.
"Direct Relief có trong tay 2 triệu khẩu trang N95 vào đầu tháng 1", ông Morain cho biết.
Khi cháy rừng hoành hành ở Mỹ, Direct Relief gửi tới đó hàng trăm nghìn chiếc và khi dịch bệnh lây lan nhanh ở Trung Quốc, tổ chức này gửi phần lớn số khẩu trang còn lại tới hỗ trợ.
"Bây giờ, chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu từ các trung tâm y tế trên cả nước khi nguồn cung của chúng tôi có khoảng 500.000 khẩu trang N95. Chúng tôi sẽ bắt đầu phân bổ chúng tới các khu vực mà nhân viên y tế đang có nguy cơ lây nhiễm cao", ông Morain cho hay.
Video: Mỹ điều 2 tàu bệnh viện tới khu vực có nhiều người nhiễm nCoV
Gián đoạn chuỗi cung ứng
Tại Bệnh viện Highland ở Oakland, California, các bác sĩ cho biết, họ phải dùng tới số khẩu trang trong kho dự trữ, đồng thời hy vọng tình trạng khẩn cấp mà thống đốc bang này công bố sẽ cho phép họ tiếp cận thêm nhiều nguồn cung.
Các hệ thống bệnh viện lớn khác như IU Health ở Indianapolis, Jackson Health ở Miami, Trung tâm Y tế Đại học Vermont và Tập đoàn y tế và bệnh viện thành phố New York cẩn trọng khi đưa ra tuyên bố về nguồn cung N95 ở thời điểm hiện tại.
"Sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể xảy ra trong những tháng tới. Chúng tôi đang thực hiện các bước bảo quản thiết bị bảo hộ cá nhân, trong khi duy trì tất cả các hướng dẫn và quy trình lâm sàng", bà Alyscia Grant, phát ngôn viên của Care New England, hệ thống phi lợi nhuận liên kết với một số bệnh viện ở Đảo Rhode cho hay.
Trong tuyên bố đưa ra đầu tháng 3, CDC nói rằng nếu tình trạng thiếu hụt trở nên tồi tệ hơn khi dịch bùng phát, các nhân viên y tế có thể được sử dụng N95 nhiều lần khi tiếp xúc với các bệnh nhân, thay vì vứt bỏ sau một lần thăm khám.
"Nếu không còn khẩu trang phòng độc, những người lớn tuổi, mắc một số bệnh mãn tính hoặc những người đang mang thai nên tránh điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19", hướng dẫn của CDC cho hay.
Một số bác sỹ tại các phòng khám của họ cũng đang trở nên lo lắng hơn vì tình trạng thiếu hụt hiện nay.
Một bác sỹ tại trung tâm ngoại trú ở New York cho biết trung tâm của họ không có khẩu trang N95 và được yêu cầu đeo khẩu trang phẫu thuật khi gặp bệnh nhân.
Theo bác sĩ Marc Habert, một bác sĩ nhi khoa ở Fishkill, New York, nhóm mà ông làm việc tại 8 văn phòng ở 3 quận hầu như không có khẩu trang N95 hoặc các thiết bị bảo vệ khác.
"Chúng tôi không thể nhận được bất kỳ thứ gì. Mọi thứ đều được đặt hàng trước. Tôi đã gọi điện thoại cho cơ quan y tế địa phương. Họ nói nhà nước có nguồn cung cấp, nhưng chúng tôi cần chứng minh là đã cố gắng đặt hàng từ ba nơi riêng biệt", ông này nói.
Không chỉ thiếu hụt N95, khẩu trang y tế giờ cũng trở thành "xa xỉ phẩm" với nhiều nhân viên y tế Mỹ.
Video: Thủ tướng Đức tự cách ly do tiếp xúc với bác sỹ nhiễm nCoV
Mỹ hiện ghi nhận trên 30.000 ca mắc Covid-19, trở thành ổ dịch lớn thứ 3 thế giới. Các nhân viên y tế tại nước này lo ngại với tình hình thiếu hụt các thiết bị phòng thân như hiện nay trong bối cảnh các ca nhiễm tăng mạnh.
Cách đây vài ngày, 2 bác sỹ làm việc tại phòng cấp cứu ở New Jersey và Washington phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Ngoài ra, hàng trăm nhân viên y tế cũng phải cách ly, với các triệu chứng nghi mắc Covid-19.
Bình luận