• Zalo

Khủng hoảng thừa vaccine COVID-19 ở Mỹ

Tư liệuThứ Tư, 12/05/2021 18:39:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nghịch lý tại Mỹ: Một số bang hiện phải lùi ngày cung cấp vaccine dù mới chỉ có một phần ba dân số nước này được tiêm đầy đủ.

Các tiểu bang trên khắp nước Mỹ đang gặp phải tình thế tiến thoái lưỡng nan trong quá trình tiêm chủng cho cư dân chống lại COVID-19: Nguồn cung vaccine vượt quá nhu cầu.

Một số bang, ban đầu tha thiết muốn có nhiều vaccine COVID-19 nhất có thể, hiện lại có trong tay quá nhiều vaccine chưa sử dụng. Nhu cầu tiêm thì đã giảm. Vaccine vẫn tiếp tục đổ về.

Họ đang phải tìm những cách mới và sáng tạo để tiêm chủng cho những người khó tiếp cận hơn hoặc đang chần chừ, bên cạnh đó, cắt giảm nguồn cung cấp. Trên cả nước, 43% người Mỹ vẫn chưa được tiêm liều vaccine COVID-19 nào. Tính đến 8/5, mới khoảng 112,6 triệu người Mỹ, tương đương 34% dân số, được tiêm chủng đầy đủ.

Khủng hoảng thừa vaccine COVID-19 ở Mỹ - 1

Tiêm vaccine COVID-19 trong phòng khám di động ở bãi đậu xe, California. (Ảnh: AP)

Nhu cầu tiêm vaccine giảm là một tương lai đã được dự đoán trước. Trong số 329 triệu liều vaccine COVID-19 do chính phủ liên bang vận chuyển tới các bang, mới khoảng 257 triệu liều được tiêm, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.

Cụ thể, bang Colorado và Maryland vẫn đang yêu cầu được nhận toàn bộ số vaccine, nhưng một số bang khác đã yêu cầu cắt giảm. Bắc Carolina yêu cầu giảm 40%. Connecticut chỉ yêu cầu giao 26% phần của mình và Nam Carolina chỉ yêu cầu 21%.

Vào cuối tháng trước, Arkansas đã yêu cầu ngừng vận chuyển hoàn toàn trong ít nhất một tuần.

Thừa vaccine nhưng không có người tiêm

Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học từ chương trình Sáng kiến ​​hiểu biết về xét nghiệm Johns Hopkins COVID-19, nói rằng, trong nhiều trường hợp, những bộ phận dân chúng dễ tiếp cận nhất đã được tiêm phòng.

Số còn lại chủ yếu chia thành ba nhóm: những người muốn tiêm nhưng không có khả năng tiêm; những người hơi do dự về vaccine hoặc đang trì hoãn việc tiêm vaccine mặc dù họ có thể tiếp cận vaccine; và những người phản đối việc tiêm vaccine, vì lý do tôn giáo hay triết học, hoặc vì họ tin tưởng vào thông tin sai lệch rằng vaccine nguy hiểm, không hiệu quả hoặc là một phần của một âm mưu.

“Bên cạnh nhu cầu đang giảm, tôi nghĩ rằng vẫn còn những người rất muốn có được nó nhưng không thể", Tiến sĩ Nuzzo nói. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã vượt qua được vấn đề về khả năng tiếp cận".

Khủng hoảng thừa vaccine COVID-19 ở Mỹ - 2

Một dược sĩ sắp xếp các thùng vaccine Pfizer trong kho đông lạnh. (Ảnh: New York Times)

Trong số những cộng đồng khó tiếp cận này có những người lớn tuổi chỉ ở nhà, những người không đến được địa điểm tiêm vaccine hoặc những người không thể lên lịch hẹn khám vì các vấn đề công nghệ; và một số phụ huynh đang đi làm, hoặc những người khác sống trong cộng đồng nơi không có nhà cung cấp vaccine, bà nói.

Nhiều chính quyền địa phương và tiểu bang đang ưu tiên tiếp cận, xây dựng các phòng khám di động và loại bỏ yêu cầu đặt hẹn tại các điểm tiêm chủng đại trà. Chính quyền liên bang cũng đang thúc đẩy các chính sách tương tự, bao gồm chỉ đạo các hiệu thuốc hẹn khám bệnh, vận chuyển các đợt vaccine mới đến các phòng khám y tế nông thôn.

Tiến sĩ Nuzzo cho biết nỗ lực tiếp cận các nhóm này có thể giống như một chiến dịch vận động “bỏ phiếu”, trong đó các mạng lưới khác nhau, như hiệu thuốc, bác sĩ chính và các tổ chức cộng đồng, phải tiếp cận với mọi người trên cơ sở từng cá nhân, hoặc bằng cách đến gõ cửa từng nhà hay liên hệ với họ theo cách khác.

Khủng hoảng thừa vaccine COVID-19 ở Mỹ - 3

Một buổi tiêm vaccine. (Ảnh: New York Times)

Loại thứ hai - những người có thể nghi ngờ vaccine hoặc đang áp dụng phương pháp “chờ xem thêm” trước khi tiêm vaccine - lại đặt ra những thách thức khác. Khi tỷ lệ các trường hợp mắc bệnh COVID-19 mới giảm, động lực tiêm vaccine của họ cũng có thể giảm đi.

Tuy nhiên, tiến sĩ Nuzzo cho biết lý do để trì hoãn tiêm phòng, giống như mức độ hoài nghi, cũng có thể giảm dần theo thời gian. Khi có nhiều người chủng ngừa hơn, những người không chắc chắn sẽ thấy rằng các tác dụng phụ nghiêm trọng hầu như không có.

Nhóm thứ ba - những người hoàn toàn phản đối vaccine, và đặc biệt là những người tin vào các thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu - có thể cũng không bị thuyết phục dù không thấy tác dụng phụ. “Việc lan truyền thông tin sai lệch trên mạng, chúng ta phải giải quyết", tiến sĩ Nuzzo nói.

Các quan chức cho biết, ý tưởng về sự tự do có thể là một cách hiệu quả để khuyến khích nhiều người tiêm chủng hơn, đặc biệt là đối với những người sẵn sàng lắng nghe và có thể đổi ý. Đó là khi những người do dự thấy ít phản ứng phụ, bên cạnh đó, thấy bạn bè và các thành viên gia đình đã được tiêm phòng tận hưởng những thứ "xa hoa" của cuộc sống trước đại dịch như đi xem hòa nhạc và gặp những người thân lớn tuổi mà không sợ hãi.

Vẫn chưa rõ những người Mỹ chưa được tiêm chủng phân chia thành ba loại trên như thế nào. Trung bình, các nhà cung cấp đang sử dụng khoảng 1,98 triệu liều vaccine mỗi ngày, giảm so với mức cao 3,38 triệu từ hồi 13/4.

Mặc dù Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) dự kiến ​​cho phép tiêm Pfizer-BioNTech cho thanh thiếu niên vào tuần tới, nhưng chưa rõ nhu cầu sẽ tăng lên bao nhiêu. Nhóm tuổi sắp được chấp thuận, từ 12 đến 15 tuổi, đại diện cho chưa đến 20 triệu người, theo dữ liệu từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ.

Nguy cơ bùng dịch

Nhu cầu về vaccine chững lại diễn ra khi triển vọng về đại dịch ở nhiều vùng của Mỹ có vẻ sáng sủa. Tỷ lệ nhập viện ở Michigan, tăng đột biến từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4, nhưng đã giảm kể từ đó. Thống đốc J.B. Pritzker của bang Illinois tuần trước cho biết bang sẽ mở cửa hoàn toàn vào tháng tới. Khi công bố kế hoạch mở cửa trở lại, Thị trưởng Bill de Blasio của New York cho biết, "đây sẽ là mùa hè của thành phố New York".

Khủng hoảng thừa vaccine COVID-19 ở Mỹ - 4

(Ảnh minh họa)

Bất chấp những dấu hiệu lạc quan này, một số quan chức y tế công cộng lo ngại rằng nhu cầu vaccine giảm có thể dẫn đến các vấn đề kéo dài do dịch bệnh, trong khi đáng ra vaccine có thể giúp ngăn chặn các vấn đề này.

Trong cuộc họp báo tuần trước, thống đốc Jim Justice bang Tây Virginia đã kêu gọi cư dân, đặc biệt là những người trẻ tuổi, hãy “thực sự đứng ra”.

“Nếu bạn có thể đứng nhìn những người thân yêu của bạn chết, tốt thôi. Tôi không thể”, ông Justice nói. "Chuyện này còn lâu mới kết thúc".

Chính phủ liên bang phân phối vaccine cho các khu vực hành chính dựa trên dân số, nhưng chính quyền ông Biden vào tuần trước xác nhận rằng họ có kế hoạch thay đổi phân bổ dựa trên số lượng vaccine được đặt hàng theo từng khu vực.

Trong cuộc họp báo vào tuần trước, thống đốc Asa Hutchinson của Arkansas đặt mục tiêu tiêm chủng cho 50% dân số của bang trong 90 ngày tới. Ông nói, nếu tiểu bang không sử dụng vaccine đã được chính phủ liên bang phân bổ, “số vaccine đó có thể được chuyển đến Massachusetts, bởi vì ở đó tỷ lệ đồng ý (tiêm) cao hơn”.

Tiến sĩ Nuzzo nói rằng nếu tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục giảm, các cộng đồng địa phương có thể gặp phải những đợt bùng dịch đáng kể. Dù cả nước sẽ không phải chịu tình trạng như mùa đông vừa qua, một số cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn có thể tiếp tục chứng kiến ​​số lượng ca nhập viện cao hơn mức cần thiết.

Phương Anh(Nguồn: The New York Times)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp