Trong cuộc phỏng vấn với tờ Telegraph, giáo sư Andrew Pollard, người đồng phát triển vaccine AstraZeneca, cho rằng việc thường xuyên tiêm phòng COVID-19 cho tất cả đối tượng là không bền vững và tốn kém. Ông cảnh báo về những đợt tiêm mũi vaccine tăng cường “không hồi kết”.
“Chúng ta không thể tiêm chủng cho cả hành tinh cứ mỗi 4-6 tháng”, giáo sư nói. “Điều này vừa không có tính bền vững, vừa tốn kém. Trong tương lai, chúng ta cần hướng đến những người dễ bị tổn thương”.
Ông nói rằng nhiều người ở châu Phi thậm chí còn chưa nhận được liều đầu tiên, vậy nên “chúng ta sẽ không thể kiểm soát được đến tận liều thứ tư cho tất cả”.
Nhà khoa học bày tỏ nghi ngờ về sự cần thiết của liều thứ tư và cho rằng cần có thêm bằng chứng ở Anh trước khi triển khai chiến dịch tiêm liều tăng cường này. Trong khi đó, Israel đã phê duyệt liều thứ 4 cho nhóm dễ bị tổn thương, theo South China Morning Post.
Những diễn biến này khiến tạp chí TODAY đặt câu hỏi liệu trong những năm tới, việc tiêm nhắc lại sẽ thực hiện thường xuyên cho đến khi COVID-19 hoàn toàn được kiểm soát, và đây có là điều cần thiết không; hay mỗi người chỉ cần tiêm nhắc lại một mũi hàng năm, giống như vaccine cúm, cho đến hết cuộc đời?
Tuy nhiên, giới khoa học hiện vẫn chưa thể khẳng định và thống nhất về số lượng mũi vaccine COVID-19 mà mỗi người cần nhận. Atlantic nhận định để kết luận chính xác quan điểm này cần dựa vào hệ thống miễn dịch của con người, sự phát triển của virus và khả năng lây lan của chúng.
Yếu tố nào quyết định cần tiếp tục tiêm liều tăng cường?
Giới khoa học đang xem xét 2 yếu tố chính quyết định liệu chúng ta có cần thêm mũi tiêm tăng cường trong tương lai: Khả năng bảo vệ cung cấp bởi vaccine có suy giảm theo thời gian và các vaccine COVID-19 hiện tại có hiệu quả với những biến chủng đang và sẽ lưu hành.
Nếu lớp giáp bảo vệ biến mất theo thời gian, giống như 2 liều đầu tiên, thì cuối cùng thế giới vẫn cần tiếp tục tiêm tăng cường để bổ sung phản ứng miễn dịch, TODAY kết luận. Hơn nữa, nếu biến chủng mới né tránh vaccine, sẽ cần một loại vaccine mới nhắm cụ thể vào những biến chủng này.
Theo Vox, có một số lý do để hy vọng rằng một lần tiêm mũi tăng cường có thể tạo hiệu ứng lâu dài hơn.
“Về mặt miễn dịch học, một khi bạn được tiêm nhắc lại sau 6 tháng tiêm liều thứ 2, liều đó sẽ bền hơn so với 2 liều đầu tiên", Trưởng khoa Y tế công cộng Đại học Brown - Ashish Jha - nói. "Nhưng bây giờ, chúng tôi không thể chứng minh điều đó. Chúng tôi chưa có dữ liệu dài hạn”.
Ngay cả khi khả năng miễn dịch do vaccine suy giảm, vẫn có những yếu tố đáng cân nhắc khác. Nếu trong 6, 8 hoặc 12 tháng, số ca COVID-19 thấp, khả năng bảo vệ của vaccine chống lại bệnh nặng và tử vong vẫn duy trì, và đặc biệt nếu ca tử vong thấp, thì tiếp tục sử dụng liều tăng cường để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh không còn giá trị.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khả năng bảo vệ của cơ thể trước bất cứ tác nhân lây truyền nào sẽ luôn suy yếu, các kháng thể sẽ mất dần theo thời gian. Đó là điều bình thường và cách mà hệ thống miễn dịch hoạt động. Nếu hệ thống miễn dịch bắt đầu hoạt động khi virus xâm nhập thì mọi người vẫn sẽ được bảo vệ khỏi nhập viện và tử vong.
“Bệnh nhân phải vào phòng ICU không phải vì chưa tiêm liều thứ ba”, tiến sĩ Paul Offit - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Tiêm chủng tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia - nói. "Thông thường là do họ chưa nhận bất cứ mũi tiêm nào".
Suy giảm khả năng miễn dịch chỉ là một phần của cuộc sống bình thường mới. Virus có thể bị loại bỏ bởi khả năng miễn dịch tự nhiên và vaccine, cũng như các loại thuốc và phương pháp điều trị.
Theo quan điểm đó, suy giảm khả năng miễn dịch về lâu dài lại không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể kết luận bởi hàng ngày còn quá nhiều người tử vong vì COVID-19, và con người vẫn cần có mọi nguồn miễn dịch để chống lại virus.
Nếu tiêm nhắc lại liên tục có thể phản tác dụng
Jerome Kim - Tổng giám đốc của Viện Vaccine Quốc tế - chỉ ra do có quá nhiều điều chưa biết về Omicron, tiêm tăng cường với loại vaccine hiện có chỉ là cách để câu giờ trong lúc chính phủ và nhà khoa học tìm hiểu thêm.
Ông cho biết các nhà khoa học muốn hiểu thêm về biến chủng mới và những gì thực sự sẽ chống lại Omicron, chẳng hạn như kháng thể hoặc tế bào T. Tế bào T được cho là có thể hạn chế khả năng xuất hiện triệu chứng nặng.
“Đợt tiêm tăng cường hiện nay, với các loại vaccine sinh miễn dịch gần như tối ưu dựa trên các chủng ban đầu, là nhằm để câu giờ. Tuy nhiên, thực tế, nếu tiêm vaccine cứ 3 tháng/lần sẽ phức tạp, khó thực hiện, tốn kém và có khả năng sinh kháng thuốc", ông nói.
Kích thích miễn dịch quá thường xuyên có thể gây phản tác dụng, một số tế bào miễn dịch có thể ngừng phản ứng với vaccine.
Ngoài ra, việc thúc đẩy mũi tiêm tăng cường dựa trên ý tưởng rằng kháng thể là khía cạnh trung tâm của hệ miễn dịch.
Đây là một quan điểm sai lầm và coi nhẹ tầm quan trọng của các bộ phận khác trong hệ thống miễn dịch giúp ngăn bệnh nặng và tử vong, theo tiến sĩ Paul Offit.
Ông nói rằng mình sẽ lo lắng nếu hàng loạt người đã tiêm phòng nhiễm biến chủng Omicron phải nhập viện. Nhưng cho đến nay vẫn có bằng chứng cho thấy vaccine ngăn ngừa bệnh nặng.
“Điều đó luôn đúng, đúng khi xuất hiện 3 biến chủng đầu tiên và có khả năng vẫn đúng khi xuất hiện biến chủng mới", ông nói. “Nếu mục tiêu tiêm vaccine là để bảo vệ khỏi bệnh nhẹ, chúng ta sẽ cần tiêm liều tăng cường cho đến cuối đời".
"Ngay cả khi Omicron có thể kháng vaccine, việc tiêm thêm một mũi bằng loại vaccine đang có không phải là giải pháp tốt nhất", tiến sĩ Offit nói. “Đó là con đường vòng so với những gì thực sự giúp ta thoát khỏi đại dịch này: Đưa vaccine cho những người chưa tiêm phòng".
Nghiên cứu của giáo sư Marion Pepper tại Đại học Washington cho thấy việc tiêm tăng cường lặp đi lặp lại với cùng một loại vaccine sẽ không cho thấy lợi ích vô hạn. Những người đã nhiễm bệnh, sau đó tiêm đầy đủ và thêm liều tăng cường không nhận nhiều lợi ích từ liều thứ 3 này.
“Có một quan điểm sai lầm rằng hệ thống miễn dịch sẽ liên tục được 'nâng cấp' bằng những mũi tiêm lặp đi lặp lại để mọi người không quay lại thời điểm đầu (đại dịch)", bà nói. "Và với một số người, nếu họ không phản ứng tốt với liều đầu tiên, nó (mũi tăng cường) sẽ tăng số lượng tế bào của họ. Tuy nhiên, phần lớn bộ nhớ của mọi người sẽ đạt tới điểm mà khi nhận thêm cùng loại tăng cường đó, nó sẽ không tăng thêm nữa".
Bà đề xuất tiêm một loại vaccine mới để "tập hợp" thêm nhiều tế bào miễn dịch khác và mở rộng phạm vi bảo vệ mà vaccine mang lại. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố quan trọng cần xem xét trước khi quyết định thay đổi vaccine.
Ngoài ra, việc nhận liều tăng cường liên tục có quá nhiều nguy cơ: Tác dụng phụ của vaccine, bao gồm cả tình trạng rất hiếm gặp là viêm cơ tim.
"Mỗi khi tăng cường và kích thích khả năng miễn dịch, đặc biệt là vaccine mRNA, người dùng sẽ có phần trăm nhất định bị viêm cơ tim", ông Offit cho hay. "Nếu liều tăng cường không mang lại lợi ích rõ ràng, phản ứng có hại nghiêm trọng đó trở nên quan trọng hơn”.
Tần suất bao nhiêu là đủ?
Nhiều chuyên gia dự đoán liều tăng cường COVID-19 sẽ giống vaccine cúm hàng năm và một ngày nào đó rất có thể sẽ tiêm kết hợp cả vaccine cúm và COVID-19.
"Mỹ và nhiều quốc gia sẽ không đạt được miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, chúng ta sẽ phải đối phó với một loạt các biến chủng khác nhau suốt phần đời còn lại", ông Gabor Kelen - giáo sư khoa cấp cứu tại Đại học Johns Hopkins - nói. "Nhưng chưa rõ điều đó có khiến chúng ta cần mũi tiêm tăng cường hàng năm hay không".
“Tôi hy vọng chúng ta không cần tiêm nhắc lại 6 tháng/lần. Tần suất có thể là hàng năm, thậm chí là lâu hơn thế", tiến sĩ Dean Blumberg - trưởng khoa truyền nhiễm nhi khoa tại Đại học California - nói.
Ông nói thêm rằng có thể con người sẽ tiêm vaccine COVID-19 vào mùa thu giống bệnh cúm. "Theo thời gian, khi mọi người ít quan tâm hơn đến COVID-19, tỷ lệ chủng ngừa hàng năm khoảng 50%", ông nói.
Bình luận