Ba cảnh sát này đi qua biên giới gần thị trấn Bắc Vanlaiphai vào chiều 3/3. Chính quyền địa phương đang đánh giá sức khỏe và sắp xếp chỗ ở cho họ.
"Những gì họ nói là họ nhận được chỉ thị từ giới chức quân sự mà họ không thể tuân theo. Vì vậy, họ bỏ chạy. Họ muốn tị nạn tại Ấn Độ vì chế độ quân sự ở Myanmar", Cảnh sát trưởng Stephen Lalrinawma nói với Reuters.
Ấn Độ có chung đường biên giới trên bộ dài 1.643 km với Myanmar.
Kể từ cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2, ít nhất 60 người Myanmar thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các cuộc đàn áp biểu tình. Con số này có thể lên cao hơn trong những ngày tới.
Hình ảnh ghi nhận từ khắp đất nước Myanmar trong ngày này cho thấy nhiều thi thể và người bị thương nặng trên đường phố, trong khi số người sống sót ẩn nấp sau những tấm khiên được dựng tạm bợ.
Theo một tuyên bố của văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc, các trường hợp thiệt mạng là do cảnh sát sử dụng đạn thật bắn vào đám đông người biểu tình ở nhiều địa điểm, bao gồm thành phố Yangon, Dawei, Mandalay, miền Nam Myeik, trung tâm Bago và Pokokku.
Trước các diễn biến đẫm máu hiện tại, Liên hợp quốc và hàng loạt quốc gia lên án quân đội Myanmar, kêu gọi ngừng hành động đàn áp đối với người biểu tình.
Ấn Độ là nơi sinh sống của hàng nghìn người tị nạn từ Myanmar, bao gồm người dân tộc Chin và người Rohingya.
Bình luận