“Chúng tôi hiểu rằng mình có thể bị bắn chết bằng đạn thật, nhưng việc sống sót dưới chế độ quân sự cũng chẳng có nghĩa lý gì, vì vậy chúng tôi chọn con đường nguy hiểm này để trốn thoát”, nhà hoạt động Maung Saungkha nói.
“Chúng tôi sẽ chiến đấu với quân đội bằng tất cả mọi cách có thể. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là xóa bỏ hệ thống chính quyền quân sự từ tận gốc rễ”, ông Maung Saungkha cho biết thêm, tổ chức hoạt động ủng hộ dân chủ của ông có kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình mới vào ngày 4/3.
Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau “ngày chết chóc” 3/3. Theo Liên hợp quốc, có 38 người đã thiệt mạng tại các cuộc đàn áp biểu tình trong ngày này.
Các nhà hoạt động khác tại Myanmar cũng thông báo có ít nhất hai cuộc biểu tình đang được lên kế hoạch ở Yangon.
Cư dân thành phố Mandalay, Myanmar, cho biết 5 máy bay chiến đấu đã thực hiện các chuyến bay tầm thấp trong thành phố này vào sáng ngày 4/3. Đây có thể là biện pháp phô trương sức mạnh quân sự của quân đội nước này.
Christine Schraner Burgener, đặc phái viên Liên hợp quốc về Myanmar, cho biết ngày 3/3 là "ngày chết chóc nhất" của Myanmar kể từ cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2. Số người chết trong ngày này nâng tổng số trường hợp thiệt mạng trong các cuộc đàn áp biểu tình lên đến 50 người.
Theo thông tin từ một cơ quan cứu trợ ở Myanmar, trong số những người thiệt mạng hôm 3/3 bao gồm bốn trẻ em. Truyền thông nước này đưa tin hàng trăm người biểu tình đã bị bắt.
Liên minh châu Âu (EU) cho rằng việc cảnh sát Myanmar xả súng vào dân thường và nhân viên y tế không mang vũ khí là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. EU cũng cho biết quân đội nước này đang đẩy mạnh việc đàn áp các phương tiện truyền thông, ngày càng nhiều nhà báo bị bắt và buộc tội.
Bình luận