Trong buổi lễ mít tinh nhân ngày Đái tháo đường thế giới (14/11) vừa được tổ chức tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nhìn những bệnh nhân bị biến chứng của căn bệnh đái tháo đường mới thấy được sự tàn phá kinh khủng của căn bệnh có biệt danh là “kẻ giết người” thầm lặng.
Thế nhưng, ít ai biết được rằng chính bản thân mình cũng đang là đối tượng có nguy cơ bị những biến chứng đó nếu không có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý cũng như phát hiện và điều trị kịp thời.
Bác Nguyễn Thanh Đ. (65 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội) tham gia buổi mít tinh với tư cách là người đang điều trị bệnh tiểu đường cho biết, bác phải cắt một bên chân từ đầu năm 2015 do biến chứng của căn bệnh này gây nên.
“Giờ thì chỉ biết trách bản thân mình thôi chứ biết trách ai nữa, do ngày trẻ uống rượu bia nhiều, khi bị bệnh lại không đi khám, đến khi không thể đi lại được, đến bệnh viện thì bác sĩ chỉ định phải cắt cân ngay nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng”, bác Đ. chia sẻ.
Phát biểu tại buổi mít tinh, GS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, căn bệnh đái tháo đường đang gia tăng một cách nhanh chóng, với ước tính cứ 11 người thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường.
“Đái tháo đường là “kẻ giết người” thầm lặng, bệnh gây ra những biến chứng nặng nề như: tim mạch, mù lòa, cắt cụt chi, suy thận… Không chỉ vậy, bệnh còn là gánh nặng rất lớn đối với gia đình và toàn xã hội”, GS Long cho biết.
Theo GS Long, nguyên nhân chính khiến bệnh đái tháo đường gia tăng nhanh chóng chính là do lối sống thiếu lành mạnh với các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng thiếu hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia…
Để phòng bệnh đái tháo đường, GS Nguyễn Thanh Long khuyên người dân hãy đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên, trong đó có xét nghiệm đường huyết để phát hiện sớm tình trạng tiền đái tháo đường, cũng như bệnh đái tháo đường để có biện pháp can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn sự phát triển thành bệnh hoặc xuất hiện biến chứng của bệnh.
Bình luận