Phóng sự

Khoảnh khắc giành sự sống cho chiến sỹ ở hầm quân y tại chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ Sáu, 12/04/2024 06:15:00 +07:00

(VTC News) - Đó là hồi ức của Thiếu tướng Nguyễn Tụ, nguyên PGĐ Học viện Quân y, một trong những sinh viên Đại học Y Hà Nội được điều động phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

Thiếu tướng Nguyễn Tụ kể về quá trình cứu chữa thương binh tại chiến trường Điện Biên Phủ. (Video: Hữu Dánh)

Ở tuổi 95 nhưng Thiếu tướng Nguyễn Tụ vẫn rất tinh anh, nhớ như in những kỷ niệm về sự kiện "9 năm làm một Điện Biên". Lật giở từng bức ảnh, xếp ngay ngắn những kỷ vật chiến tranh, người cựu chiến binh say sưa kể về những người thầy thuốc trong chiến dịch lịch sử.

Khoảnh khắc giành sự sống cho chiến sỹ ở hầm quân y tại chiến dịch Điện Biên Phủ - 1

 

"Trung tuần tháng 11/1953, Đại đoàn 316 từ địa điểm trú quân ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) tiến lên Tây Bắc để giải phóng Lai Châu, nơi vẫn bị địch chiếm đóng sau Chiến dịch Tây Bắc. Thời điểm đó, tôi là cán bộ Phòng Quân y Đại đoàn 316", ông Tụ nói.

Tuy nhiên, trong đêm 20/11/1953, có điện khẩn báo địch đã phát hiện Đại đoàn 316 đang tiến quân lên Tây Bắc, cảm thấy Lai Châu và Thượng Lào bị uy hiếp nên phần lớn quân địch đã nhảy dù xuống Điện Biên.

"Địch tập trung về Điện Biên để xây dựng tập đoàn cứ điểm mà chúng coi là "bất khả xâm phạm". Nếu Việt Minh đánh không được, chúng sẽ khống chế toàn bộ khu vực Tây Bắc", Thiếu tướng Nguyễn Tụ nói.

Đại đoàn 316 thời điểm đó cũng được chia thành những tiểu đoàn hành quân cho nhanh, chậm nhất ngày 6/12/1953 phải có mặt ở huyện Tuần Giáo (Điện Biên).

Ông Tụ nhận định trong suốt chiều dài 9 năm kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta đã tiến hành hàng chục chiến dịch tiêu biểu, nhưng Điện Biên Phủ là chiến dịch "có nhiều cái nhất".

Cụ thể, đây là chiến dịch dài ngày nhất, không chỉ là 56 ngày đêm mà nhiều đại đoàn phải có mặt tại Điện Biên trước hàng tháng để làm công tác chuẩn bị. Chiến dịch cũng có nhiều thương, bệnh binh nhất với gần 15.000 người.

Đây cũng là chiến dịch mà hoạt động của cán bộ, chiến sĩ trong điều kiện khó khăn nhất. Theo đó, sau khi ta chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang thực hiện "đánh chắc, tiến chắc" thì tất cả mọi hoạt động của quân y đều ở dưới hầm - tiểu đoàn có hầm, trung đoàn có hầm, đại đoàn cũng có hầm.

Khoảnh khắc giành sự sống cho chiến sỹ ở hầm quân y tại chiến dịch Điện Biên Phủ - 2

 

Chia sẻ về quy trình cứu chữa thương binh tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thiếu tướng Nguyễn Tụ cho biết, khi chiến sĩ bị thương, y tá tại đại đội sẽ cầm máu, băng bó, cố định vết thương rồi chuyển lên tuyến tiểu đoàn.

Mỗi tiểu đoàn phải có trạm quân y, tại đây, thương binh được bổ sung cấp cứu. Nếu thương binh còn chảy máu thì phải cầm máu bằng garo (phương pháp cầm máu tạm thời bằng dây cao su hoặc dây vải xoắn chặt vào đoạn chi), nếu garo ở tiểu đoàn rồi thì phải nới để máu lưu thông, tránh hoại tử…

"Anh em bị thương về tuyến tiểu đoàn thường sẽ đói, khát và rất bẩn. Trạm quân y của mỗi tiểu đoàn phải có bếp Hoàng Cầm để nấu nướng, cho thương binh ăn uống, tắm rửa, sau đó chuyển lên tuyến trung đoàn. Tuyến tiểu đoàn không giữ thương binh, trừ những chiến sĩ chỉ bị xây xát", ông Tụ kể.

Tiếp theo là tuyến trung đoàn, theo ông, mỗi trung đoàn ít nhất có khoảng 50 hầm, bao gồm hầm mổ, hầm thay băng, hầm cho thương binh nằm. Tuyến đại đoàn cũng được bố trí tương tự nhưng với quy mô rộng hơn, sức chứa khoảng 150 - 200 thương binh.

"Điều quan trọng nhất là đảm bảo cứu chữa thương binh dưới hầm. Đó không khác gì một bệnh viện dưới hầm. Tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn lần lượt như các tuyến viện, chiến sĩ bị thương càng nặng thì được chuyển lên tuyến phía trên", ông Tụ kể.

Khoảnh khắc giành sự sống cho chiến sỹ ở hầm quân y tại chiến dịch Điện Biên Phủ - 3

 

Bên cạnh khó khăn về môi trường làm việc, những chiến sĩ quân y trong chiến dịch Điện Biên Phủ còn gặp những bất lợi về mặt chuyên môn bởi đa phần trong số họ vẫn chỉ là những cô cậu sinh viên y khoa.

"Chúng tôi chưa phải là bác sĩ, toàn là sinh viên đang học tại Đại học Y Hà Nội từ khóa năm 1946 đến khóa năm 1952. Tất cả đều xung phong vào phục vụ trong quân đội. Mà sinh viên thì trình độ y khoa cũng chưa phải là cao, chủ yếu mới chỉ được học những kiến thức căn bản", Thiếu tướng Nguyễn Tụ thừa nhận.

Khoảnh khắc giành sự sống cho chiến sỹ ở hầm quân y tại chiến dịch Điện Biên Phủ - 4

 

Ngày đó, trong ba lô của chàng sinh viên Nguyễn Tụ và các bạn đồng môn đều có những cuốn sách, cuốn vở: "Thời đó sách về y học hiếm lắm, ở trường chỉ có vài cuốn sách giáo khoa, sách hướng dẫn thực hành bằng tiếng Pháp, anh em phải chép lại, vừa hành quân vừa đọc".

Nhưng kiến thức về y học là vô biên, chưa kể chỉ có thể tranh thủ đọc sách những lúc nghỉ ngơi khi hành quân, vậy nên ông Tụ và nhiều chiến sĩ quân y thường xuyên rơi vào cảnh "vừa học vừa thực hành" khi tham gia các chiến dịch, trong đó có chiến dịch ở Điện Biên.

"Khi tham gia chiến trường, sinh viên được các bác sĩ quân y hướng dẫn cấu tạo của các chi (chân tay) còn các vấn đề liên quan đến mạch máu, sọ não thì ít lắm. Có những ca mình chưa biết "đường đi, lối lại" của mạch máu, dây thần kinh, các bộ phận trong cơ thể như thế nào thì lại phải lật sách ra đọc, đối chiếu. Thậm chí một anh đứng bên cạnh đọc sách cho một anh khác thực hiện cứu chữa trong phòng mổ", Tướng Tụ bộc bạch.

Trang thiết bị y tế thiếu thốn, kỹ thuật thô sơ, môi trường "tác nghiệp" của các thầy thuốc khó khăn trăm bề, đặc biệt là điều kiện ánh sáng không đảm bảo.

Khoảnh khắc giành sự sống cho chiến sỹ ở hầm quân y tại chiến dịch Điện Biên Phủ - 5

 

Theo vị tướng quân y, ban đầu các trạm sử dụng mấy chiếc đèn bão nhưng ánh sáng không đủ để rọi sâu vào trong ổ bụng và khoang lồng ngực. Đúng thời điểm ấy, Cục Quân y phổ biến sáng kiến sử dụng ánh sáng điện bằng cách lấy đèn dynamo trên xe đạp và lắp thêm một bộ phát điện quay tay, được một y tá hoặc dân công ngồi quay.

"Đèn xe đạp được trưng dụng từ các đoàn xe thồ của dân công và có nguồn điện phát ra từ dynamo xe đạp tương đương với dòng điện 12V. Bằng cách đó, chúng tôi đủ ánh sáng để mổ, cứu sống được nhiều thương binh trong hầm tối", ông Tụ thuật lại.

Khi được hỏi liệu có "chùn tay" trong những ca phẫu thuật khi kiến thức y học chưa thực sự vững vàng, Thiếu tướng Nguyễn Tụ bật cười hào sảng: "Nghĩ lại quả thật là liều nhưng thời điểm đó không làm không được. Giữa thời điểm khó khăn trăm bề như thế, nếu anh không phẫu thuật thì tỷ lệ sống của thương binh là 0, nhưng anh quyết tâm làm thì kết quả chắc chắn sẽ hơn số 0. Các chiến sĩ cầm súng bảo vệ Tổ quốc trước kẻ thù xâm lược, còn tôi cùng lực lượng quân y bảo vệ các chiến sĩ trước tử thần".

Khoảnh khắc giành sự sống cho chiến sỹ ở hầm quân y tại chiến dịch Điện Biên Phủ - 6

 

Bên cạnh cứu chữa thì lực lượng quân y phải bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch. Trong quá trình diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, các loại bệnh sốt rét, kiết lị, chứng suy nhược do thiếu vitamin đã hoành hành, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe bộ đội.

Đặc biệt trong những tháng cuối chiến dịch bắt đầu có mưa nhiều nên giao thông hào lầy lội, quần áo, giầy dép của nhiều chiến sĩ bị rách, phải đi chân đất, bệnh ngoài da phát triển mạnh, tình trạng thiếu ngủ kéo dài, sức khỏe của bộ đội giảm sút nhiều, nhất là ở các đơn vị ngày đêm đối mặt với thực dân Pháp tại lòng chảo Điện Biên. Ở nhiều đơn vị, quân số khỏe chỉ còn 40%.

Theo ông Tụ, trước tình hình nguy cấp đó, bác sĩ Từ Giấy - Trưởng Tiểu ban Phòng dịch - Ban Quân y chiến dịch, đệ trình lên Tổng Tư lệnh xin ban hành 10 điều phải làm về giữ gìn sức khỏe.

Ví dụ như: phải ngủ màn, phải uống thuốc phòng sốt rét đúng quy định, cứ 5 ngày 2 viên; tuyệt đối không được uống nước lã; không được ăn thức ăn sống, thịt hộp phồng hơi, thức ăn, nước uống do địch bỏ lại chưa qua kiểm tra; bảo đảm ngủ tối thiểu mỗi ngày 6 giờ và 1 giờ nghỉ; thường xuyên quét dọn nơi ăn ở sạch sẽ, hầm ngủ có ván...

"10 điều quân y đề xuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hoàn toàn đồng ý nhưng Đại tướng bổ sung thêm điều thứ 11. Đó là ai làm tốt thì khen thưởng, ai làm không đúng kỷ luật vệ sinh thì phải phê bình", vị cựu chiến binh nhớ lại.

Khoảnh khắc giành sự sống cho chiến sỹ ở hầm quân y tại chiến dịch Điện Biên Phủ - 7

 

Thiếu tướng Nguyễn Tụ nhấn mạnh, ngay sau khi ban hành quy định đặc biệt này, các Đại đoàn 308, 312, 316, 304, 351 cùng với quân y của các đơn vị tổ chức thực hiện rất nghiêm, đem lại hiệu quả ngay tức khắc vì sự cụ thể, sát thực tế và tính khoa học của nó.

"Quy định đã giải quyết căn bản được tư tưởng tiêu cực, thói quen tạm bợ, thiếu khoa học trước đây của bộ đội ta. Trên cơ sở đó, cấp ủy, cán bộ có điều kiện tốt hơn để cùng chăm lo sức khỏe đời sống bộ đội tốt hơn. Nhờ vậy mà bộ đội ta có sức chiến đấu nhất để hướng đến chiến thắng cuối cùng", ông Tụ tâm đắc.

Khoảnh khắc giành sự sống cho chiến sỹ ở hầm quân y tại chiến dịch Điện Biên Phủ - 8

 

Nhưng trong ký ức của của vị tướng quân y đâu chỉ có chiến thắng huy hoàng mà còn đầy rẫy những đau thương, mất mát.

"Tôi nhớ mãi hôm chúng ta mở giai đoạn 2 của chiến dịch. Nhiều thương vong, mình lại chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai và tổ chức hoạt động dưới hầm nên nhiều chiến sĩ đã hy sinh vì không được kịp thời cứu chữa", Thiếu tướng Nguyễn Tụ cố kìm dòng nước mắt chực trào khỏi khóe mắt.

Đó là tối 30 và ngày 31/3/1954, Đại đoàn 316 của ông có trách trách nhiệm đánh vào tất cả các cứ điểm phía Đông, bao gồm A1, C1 và C2.

Theo đó, Trung đoàn 174 là chủ công, đánh vào A1 nhưng không thành công, thương vong nặng nề. Trung đoàn 98 được giao đánh C1 và C2, C1 đánh được nhưng đến C2 thì không thành công, tổn thất lớn.

Khoảnh khắc giành sự sống cho chiến sỹ ở hầm quân y tại chiến dịch Điện Biên Phủ - 9

 

"Đội điều trị của Đại đoàn thu dung khoảng 1.000 thương binh. Số lượng nhiều như thế vì đánh không thành công, Bộ Chỉ huy điều thêm lực lượng của Trung đoàn 102 (thuộc Đại đoàn 308) để đánh tiếp nhưng cũng không thành. Ngoài thương binh của Đại đoàn 316 lại có thêm thương binh của Đại đoàn 308 về chỗ tôi", ông Tụ nhắc lại.

Hơn 1.000 thương binh nhưng trạm quân y của Đại đoàn 316 chỉ có sức chứa khoảng 200 người, vì chưa có kinh nghiệm trong tổ chức cứu chữa nên thương binh đưa về bị ùn tắc ở khâu phân loại.

"Nếu không có mặt thì khó có thể tưởng tượng cảnh tượng khốc liệt thế nào. Có thời điểm quân y phải đứng mổ 5 ngày, 5 đêm liền hầu như không nghỉ, chỉ kịp nhai cơm nắm sau mỗi ca.

Khoảnh khắc giành sự sống cho chiến sỹ ở hầm quân y tại chiến dịch Điện Biên Phủ - 10

 

Một lần tôi đi kiểm tra ở khâu phân loại, có khu vực có đến 20 đồng chí hy sinh. Có đồng chí hy sinh vì vết thương quá nặng nhưng có đồng chí không kịp được cứu chữa, nếu chúng tôi làm tốt hơn thì các đồng chí đó đã sống", vị tướng già trầm giọng.

Ông Nguyễn Tụ cho biết, sau khi giành chiến thắng, bộ đội rút khỏi Điện Biên, còn lại khoảng 6.000 thương binh, lực lượng quân y phải ở lại tổ chức đưa thương binh về bệnh viện địa phương theo hai hướng là Thanh Hóa và Phú Thọ.

Mặc dù đã có xe Gaz vận chuyển nhưng không phải tất cả thương binh đều đi xe được do có các thương tật gãy xương, hôn mê. Vậy nên quân y phải tổ chức cáng từng người một.

"Lúc bấy giờ, chúng tôi lại có sáng kiến là anh đi xe thì chuyển thương theo trạm xá lưu động, nhưng người phải cáng bộ thì phải chuyển thương theo từng cáng. Coi mỗi cáng là một gia đình, có các anh chị em dân công đi phục vụ, khiêng thương binh. Sau khi kết thúc chiến dịch, ròng rã hơn 1 tháng, chúng tôi mới đưa được hết thương binh về tuyến sau", tướng Tụ nói.

Ông Tụ cho hay, việc cứu chữa bệnh binh của thực dân Pháp cũng giống như ta, được tổ chức tại các bệnh viện dưới lòng đất.

"Sau chiến thắng, ta biết được địch có một bệnh viện dã chiến với sức chứa 200 bệnh binh. Nhưng số thương vong quá lớn, bệnh viện đó phải thu dung hơn 400 lính. Vì thế người này chồng lên người kia, máu mủ, chất thải từ người phía trên chảy xuống người phía dưới. Đó cũng là nỗi ám ảnh dành cho những người lính quân y như tôi", tướng Tụ thuật lại.

Với chính sách nhân đạo, chúng ta đã đưa thương binh của thực dân Pháp từ hầm lên mặt đất, tiến hành cứu chữa những người còn sống và tổ chức trao trả tù binh.

Khoảnh khắc giành sự sống cho chiến sỹ ở hầm quân y tại chiến dịch Điện Biên Phủ - 11

 

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ thuộc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Tụ cùng các đồng đội quân y trở về trường Đại học Y Hà Nội hoàn thành chương trình đào tạo, làm luận văn.

Tốt nghiệp đại học, ông Tụ về công tác tại Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) và được cử đi học tại Liên Xô.

"Học nước ngoài về năm 1964, tôi về làm Hiệu trưởng Trường Quân y Quân khu Tây Bắc. Sau khi đào tạo được 2 khóa y sĩ ở Tây Bắc, cuối năm 1965, tôi lại nhận quyết định điều về Cục Quân y đi cùng Bệnh viện 211 vào chỉ đạo quân y trong chiến trường Tây Nguyên", Thiếu tướng Nguyễn Tụ kể.

10 năm gắn bó với chiến trường Tây Nguyên, năm 1976, ông Tụ tiếp tục được cử đi học chương trình sau đại học tại Liên Xô. Cuối năm 1979, trở về nước, ông tiếp tục tham gia chiến tranh biên giới.

"Sau đó tôi được điều về công tác tại Học viện Quân y, được 2 năm thì giữ cương vị Phó Giám đốc phụ trách đào tạo. Năm 1995, tôi nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ", Thiếu tướng Nguyễn Tụ nói.

Dù nghỉ hưu nhưng Thiếu tướng Nguyễn Tụ vẫn tham gia Hội đồng Khoa học Y học Quân sự Bộ Quốc phòng để đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ, Chuyên khoa I, Chuyên khoa II…

"Nghỉ công tác thì tôi chủ yếu hoạt động khoa học. Gần 70 năm gắn bó cùng y học quân sự, trải qua bao thăng trầm, có thời điểm đối diện với cái chết nhưng vô cùng tự hào khi đã cống hiến hết mình cho nền độc lập của dân tộc", tướng Nguyễn Tụ xúc động nói thêm.

Nhóm phóng viên(Ảnh: Đắc Huy, TTXVN - Thiết kế: Huy Mạnh)
Bình luận
vtcnews.vn