Video: Khô hạn khốc liệt ở Tây Nguyên: Cứu 'cây tỷ đô' thế nào?
Thời gian qua, giá cà phê bất ngờ tăng cao (có thời điểm trên 130.000 đồng/kg). Đây là mức giá mà nhiều người làm cà phê lâu năm chưa nghĩ tới. Việc cà phê tăng giá đã kích thích người nông dân trồng mới hoặc tái canh vườn cà phê.
Hạn hán kéo dài khiến "ngôi vương" của cây cà phê Tây Nguyên thiếu đi sự bền vững.
Đang mùa khô hạn, ông Phan Minh Mẫn (trú xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) đã đi mua giống cây cà phê. Ông cho hay, phải chọn mua cây giống, đem về chăm sóc, phơi gió, phơi nắng nhẹ cho cứng cáp. Đợi khi mưa xuống, đất đủ ẩm, ông mới đem đi trồng.
Nói về động lực tái canh vườn cây, ông Mẫn bảo, giá cà phê tăng đã giúp nhà nông thấy được “cửa sáng”. Vườn cây của gia đình ông đã cằn cỗi nhưng bao năm qua vẫn chần chừ việc tái canh do giá cà phê khá thấp, chưa tới 50.000 đồng/kg. Với mức giá trên, nông dân chẳng lời được bao nhiêu, có khi hòa vốn, thậm chí thu lỗ nếu không “lấy công làm lời”.
Dù vụ trồng chưa bắt đầu, song các cơ sở kinh doanh cây giống đã tấp nập người ra vào. Theo anh Nguyễn Bá Hùng - đại diện một trung tâm bán cây giống tại xã Hòa Thắng (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), thời gian qua, nhiều người đến hỏi mua cây cà phê giống. Nhiều nhất là cánh thương lái, mua với số lượng lớn (có người mua từ 3.000 - 4.000 cây) để bán lại cho nông dân.
Anh cho biết, nhu cầu mua cây giống cà phê tăng cao sau khi giá cà phê tăng mạnh. Nhu cầu trồng cà phê tăng đột biến đã dẫn đến tình trạng khan hiếm cây giống. Bởi để có cây giống cho vụ mùa này, các cơ sở ươm giống đã ươm trồng từ vài tháng trước.
Cây cà phê chết vì hạn hán kéo dài khiến nhu cầu trồng lại của người dân tăng cao.
Ông Phan Việt Hà - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho biết, năm nay nhu cầu trồng cà phê của nông dân tăng cao sau khi giá cà phê tăng.
Tại Viện, Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Eakmat (chuyên cung cấp giống cà phê và hạt cà phê giống cho cả nước) đã chuẩn bị 2 triệu cây giống nhưng không đủ để cung cấp cho thị trường.
Việc khan hiếm cây giống cà phê sẽ xảy ra, do đó, ông Hà khuyến cáo người dân nên mua cây giống tại các cơ sở uy tín, tránh trường hợp mua phải giống “dỏm”, vừa mất tiền, thời gian chăm sóc, thiệt hại rất lớn.
Chia sẻ thêm về nhu cầu trồng cà phê của người dân hiện nay, theo ông Hà, đây sẽ là tín hiệu tốt nếu tái canh trên những vườn cây già cỗi nhưng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu.
Ông khuyến cáo, không vì cà phê tăng giá mà bất chấp mở rộng diện tích. Đặc biệt, bà con cần lưu ý đến đạo luật cấm nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) với 7 nhóm hàng hóa (trong đó có cà phê), xuất xứ từ phá rừng sẽ có hiệu lực cuối năm 2024.
Cụ thể, nội dung đạo luật nêu, các sản phẩm nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này. Do đó, người dân cần tuân thủ, không được trồng, canh tác trên phần đất có nguồn gốc đất rừng, tránh phạm phải điều cấm của đạo luật này.
Ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk chia sẻ để bảo đảm sự phát triển bền vững và hiệu quả kinh tế từ cây cà phê mang lại là một loạt vấn đề đặt ra.
Chúng ta phải nắm từ quy hoạch, sản xuất, công nghệ, chế biến cho đến hạ tầng cơ sở kỹ thuật, dịch vụ nông nghiệp kèm theo đều phải được tính toán một cách khoa học và phù hợp.
Một mô hình trồng cây cà phê xanh tốt theo cách "cộng sinh đa tầng" tại Đắk Lắk.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn cũng từng nhìn nhận, hàng trăm nghìn héc-ta cà phê bị khô héo, mất trắng, hoặc ảnh hưởng nặng nề đến năng suất, chất lượng sản phẩm vì thiếu nước tưới trong mùa khô hằng năm là tình cảnh mà người làm cà phê phải thường xuyên đối mặt và hứng chịu trong vòng 20 năm trở lại đây. Điều đó đã cho thấy sự bất cập trong việc quản lý, quy hoạch và phát triển diện tích cà phê theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như đã và đang xảy ra.
Một bất cập nữa là gần 80% diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh được người dân trồng bằng giống cây thực sinh, chứ không qua chọn lọc và sự kiểm nghiệm khoa học nào của cơ quan chuyên môn.
Vì vậy, năng suất cà phê không cao, kích thước hạt nhỏ, không đồng đều và dễ bị nhiễm bệnh. Đặc biệt là vấn nạn người sản xuất đã quá lạm dụng bón phân hóa học, phun thuốc bảo vệ thực vật, kích thích sinh trưởng với hàm lượng lớn nhằm đạt năng suất tối đa, đã không những làm cho cây cà phê nhanh chóng bị kiệt sức, mà còn làm cho môi trường đất bị ô nhiễm nghiêm trọng, khó phục hồi để cân bằng sinh thái và phát triển bền vững trong tương lai.
Từ những bất cập trên đã khiến “ngôi vương” của cà phê Đắk Lắk thiếu bền vững.
Việc thu hẹp dần và tiến tới xóa đi những bất cập ấy là đòi hỏi bức thiết đặt ra đối với các cấp, ngành hữu trách và cộng đồng sản xuất, kinh doanh cà phê nói chung trên địa bàn tỉnh để vị thế của loại cây trồng chiến lược này luôn được giữ vững.
Mặt khác, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng thực tế chưa làm chủ về giá. Chưa kể, cà phê của Việt Nam còn đang xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô nên giá trị chưa cao.
Mặc dù đỉnh điểm hạn hán nhưng cây cà phê trồng theo cách "cộng sinh đa tầng" lại cho năng xuất hiệu quả nhất.
Để khai thác thế mạnh, tiềm năng của “hạt ngọc đen”, tỉnh Đắk Lắk xác định, phát triển cà phê phải dựa trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế đất đai, nguồn nước, khí hậu, thời tiết theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, hiệu quả và bền vững; phát triển cà phê theo hướng tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến phù hợp để tạo năng suất cao, chất lượng, hiệu quả tốt, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm cà phê trên thị trường, tiến tới phát triển sản xuất cà phê hữu cơ; phát triển công nghiệp chế biến cà phê, cơ cấu sản phẩm đa dạng, chất lượng cao gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị gia tăng…
Ông Trần Đình Trọng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột), một trong những đơn vị tiên phong sản xuất, chế biến cà phê theo hướng chất lượng cao chia sẻ, chỉ có cách nâng cao chất lượng “hạt ngọc đen” mới đảm bảo ngành phát triển bền vững.
Muốn làm được điều này, ngành cà phê phải được xây dựng theo chuỗi giá trị từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến chế biến, xây dựng thương hiệu, xuất khẩu…
Trong chuỗi liên kết ấy, việc hình thành nguồn nguyên liệu tập trung khá quan trọng, đảm bảo hạt cà phê được kiểm soát ngay từ khâu đầu tiên.
“Tôi tập hợp các hộ nông dân trồng cà phê thông qua con đường hợp tác xã. Tại đây, các thành viên sẽ được khá nhiều ưu đãi như mua được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá gốc mà không phải thông qua kênh trung gian. Nhờ đó, bà con an tâm về chất lượng phân bón, không lo trúng phải hàng kém chất lượng…, tránh thiệt hại lớn.
Chưa hết, khi tuân thủ theo quy trình canh tác bền vững (thu quả chín, phân loại chất lượng hạt…), giá bán sẽ cao hơn giá thị trường từ 5.000 - 20.000 đồng/kg…Về đầu ra sản phẩm, HTX cũng hợp tác lâu năm với Công ty TNHH Đăk Man Việt Nam. Nhờ đó, bà con an tâm sản xuất, bán được giá hơn so với thị trường”, ông Trọng thông tin.
Không chỉ phát triển cà phê chất lượng cao, HTX Ea Tu đang hướng đến phát triển cà phê hữu cơ. Ông Trọng chia sẻ thêm, tỉnh Đắk Lắk đã có nghị quyết về phát triển cà phê bền vững. Do đó, HTX rất mong muốn được Nhà nước quan tâm hơn nữa, nhất là thủ tục hành chính trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi, công nghệ…, làm “đòn bẩy” để phát triển, mang lại lợi ích cho người trồng cà phê.
Dưới cái nắng khá oi ả của buổi trưa đầu tháng Năm, chúng tôi vào vườn cà phê của gia đình anh Trần Văn Thảo (thôn Ea Bi, xã Dliê Ya, huyện Krông Năng, Đắk Lắk).
Một vùng cà phê xanh mướt giữa tâm hạn Tây Nguyên.
Ẩn mình dưới tán cây cao mát rượi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những vườn cà phê xanh mơn mởn xen lẫn với các loại cây trồng và thảm thực vật phong phú. Không khí ở đây thay đổi hoàn toàn, mát mẻ, dễ chịu.
Rẫy cà phê của anh Thảo rộng hơn 6 ha, cây đã cho thu hoạch hơn 10 năm nay. Vườn cà phê nằm trên một mái đồi dốc thoai thoải.
Từ đầu năm tới giờ, mọi con kênh ở huyện cũng trơ đáy như bất cứ nơi nào trong vùng. Nhưng anh Thảo vẫn bình thản, dường như hạn mặn chẳng ảnh hưởng gì đến anh. Ở độ cao 900m, rẫy cà phê của anh chi chít quả.
Ngồi trong nhà nhìn ra vườn cà phê lắng nghe tiếng gió lao xao, anh Thảo chia sẻ, trồng cà phê nếu không hiểu nắng mưa; không hiểu cây, hiểu đất thì không thể nào sống ung dung được.
Gia đình anh Thảo có hơn 6 ha cà phê trồng từ những năm 2000 áp dụng mô hình trồng cà phê hữu cơ cảnh quan. Mô hình này có 3 tầng thực vật, tầng trên tạo tán che bóng, tầng giữa là cây cà phê, tầng dưới là thảm thực vật thân thảo.
Được thụ hưởng từ Chương trình Compact Krông Năng (sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội), anh Thảo đã thay thế hoàn toàn việc dùng thuốc, phân bón hóa học sang sử dụng chế phẩm sinh học, hữu cơ. Vườn cây cà phê xen sầu riêng, bơ… theo mô hình “cộng sinh đa tầng” không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Thảm nền thực vật là những cây thân thảo đã thay thế hoàn toàn việc dùng thuốc, phân bón hóa học, ngoài ra còn giữ được nước, chống xói lở gốc cà phê
Anh Thảo cho biết, cây cà phê được trồng độc canh bởi nhiều người cho rằng trồng dưới ánh sáng trực tiếp cây sẽ cho năng suất tốt hơn. Tuy nhiên, khi canh tác độc canh đồng nghĩa người nông dân phải đảm bảo lượng nước tưới đủ cho cây, bón phân và quản lý sâu bệnh bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó, có một sự hiểu sai phổ biến là khi trồng nhiều loại cây trên một mảnh vườn sẽ dẫn đến cạnh tranh dinh dưỡng, có lẽ vì vậy, những vườn độc canh cà phê xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều diện tích rừng đã bị đốn hạ để nhường chỗ cho ánh nắng mặt trời trồng cà phê, chè và cao su.
Nhiều hộ cà phê bị cháy khô, mất mùa do trồng hầu hết không có cây che bóng chắn gió. Mặt khác, khi tưới cà phê, nhiều người có thói quen bơm nước dẫn ống xả thẳng vào gốc cà phê, mỗi gốc cả 100 - 200 lít nước/lần tưới dẫn đến tình trạng lãng phí nước và xói mòn rửa trôi đất, ô nhiễm môi trường đất cả bề mặt và tầng sâu nước ngầm.
Cây rừng (cây tầng trên) như một rào cản tự nhiên, và sâu bệnh rồi tầng cỏ chống sói mòn bị loại bỏ, họ phải bắt đầu sử dụng thuốc trừ sâu hóa học. Khi có mưa, mưa rơi trực tiếp xuống đất, rửa trôi chất dinh dưỡng từ đó đòi hỏi phải sử dụng nhiều phân bón hơn, tạo nên một vòng luẩn quẩn không lối thoát.
Với phương pháp “cộng sinh đa tầng”, thay vì dùng thuốc để làm sạch cỏ như trước đây, anh Thảo đã trồng cỏ lạc vừa giúp cải tạo đất, vừa giúp giữ độ ẩm trong mùa khô, chống xói mòn, giữ lại những vi sinh vật tốt trong đất, tiết kiệm được khoảng 30% chi phí sản xuất, cải thiện rõ rệt về năng suất, chất lượng vườn cây.
Những cây tầng trên không chỉ là rào cản tự nhiên mà còn tạo ra giá trị kinh tế. Ngoài ra, anh Thảo cũng trông một loạt cây ở bìa rẫy để chắn gió, hạn chế sự tác động làm gãy đổ cây khi có mưa bão lớn.
Với mô hình trồng "cộng sinh đa tầng", hạn hán có kéo dài cả năm thì cây cà phê cũng không bị ảnh hưởng.
“Cà phê được trồng dưới bóng râm sẽ loại bỏ khả năng bị chín nhanh (so với khi trồng độc canh) giúp chất lượng cà phê được nâng cao. Sự đa dạng của các loài cây trong vườn canh tác cà phê tự nhiên sẽ giúp đất giàu dinh dưỡng, giàu sức sống và đa dạng các loại động vật, côn trùng. Khi có sự xuất hiện của sâu bệnh cũng đồng thời sẽ xuất hiện các loài thiên địch trong vườn”, anh Thảo chia sẻ.
Qua thời gian so sánh giữa những vườn trồng cây che bóng mát và những vườn cà phê độc canh tại địa bàn, anh Thảo nhận thấy đã có sự chênh lệnh về hiệu quả kinh tế, mức đầu tư, sự phát triển của cây cà phê nghiêng hẳn về phía cà phê theo phương pháp “cộng sinh đa tầng”.
“Niên vụ cà phê 2023-2024 vừa qua, gia đình thu hoạch và bán đúng thời điểm giá cà phê lập đỉnh (hơn 130 nghìn/kg) nên sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 60%. Từ đầu mùa hạn hán tới nay, rẫy cà phê của tôi chưa khi nào thiếu nước. Trồng cà phê theo mô hình này, hạn hán có kéo dài cả năm thì cây cũng không ảnh hưởng”, anh Thảo cho biết.
Chương trình Compact Krông Năng do Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) hỗ trợ thực hiện trong hai giai đoạn (Giai đoạn 1: 2019 - 2020 và giai đoạn 2: 2021 - 2025) với mục tiêu thúc đẩy nông dân sản xuất bền vững. Việc triển khai chương trình không chỉ giúp bà con nông dân thay đổi thói quen canh tác lạc hậu mà hướng đến ổn định năng suất các loại cây trồng, giảm chi phí sản xuất, góp phần gia tăng giá trị nông sản cũng như bảo vệ môi trường.
Ông Lê Ký Sự - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Năng, Đắk Lắk.
Bình luận