Video: Đỉnh giá cà phê, đỉnh điểm nỗi buồn vùng tâm hạn Tây Nguyên.
Một ngày đầu tháng Năm, sau 3 ngày có mưa, thời tiết Đăk Lắk buổi sáng mát mẻ dễ chịu, trong căn nhà chênh vênh trên sườn đồi, bên ly cà phê đặc quánh không đường, dõi mắt nhìn ra đám rãy trước cửa nhà, ông Giàng Seo Chóng (50 tuổi, thôn Giang Thanh, xã Ea Dắh, huyện Krông Năng, Đắ Lắk) nén tiếng thở dài.
Anh em ở quê gọi điện lên chúc mừng gia đình ông “tiền chất đầy nhà” vì giá cà phê tăng cao kỷ lục. Ông càng cố giải thích thì người nhà càng nghĩ ông sợ họ gọi điện vay tiền. Có ai hiểu, vượt qua những tháng đại hạn, mùa cà phê năm nay, 3 ha cà phê của gia đình ông bị mất mùa.
“Mưa đến muộn quá, giữ được cây đã là may, nói gì đến hy vọng có cà phê để bán”, ông Chóng chia sẻ.
Nợ nần đè trĩu lòng các lão nông trồng cà phê tại những vùng tâm hạn Tây Nguyên.
Cơn “mưa vàng” giữa quãng hạn kéo dài 4 tháng nay dù giúp người dân thôn Giang Thanh cứu được cây cà phê khỏi chết khát, nhưng không cứu được những nụ hoa cà phê vừa nhú, bởi thời gian vàng cho việc ra hoa, đậu quả rơi đúng vào đỉnh hạn nên diện tích cà phê tại thôn đa số là người Mông này không có cà phê.
Hơn 10 năm lập nghiệp ở Tây Nguyên, gắn bó với thôn nghèo Giang Thanh, ông Chóng đã quen với khô hạn. Nhưng, mùa hạn này, ông chẳng ngờ khu rẫy nằm ngay cạnh cái ao ăm ắp mạch nước ngầm, lại lâm vào cảnh không còn một giọt nước. Rẫy cà phê đành chịu cảnh rụng bông, héo cành, không đậu trái.
5 năm trời, bao nhiêu của cải, vốn liếng vay mượn, gia đình ông đều đổ hết vào nương rẫy. Cái sổ đỏ mảnh vườn cũng thế chấp ngân hàng vay 200 triệu để có tiền đầu tư cà phê.
Năm nay là năm thứ hai cà phê bắt đầu cho thu chính. Hồi cuối năm 2023, gia đình ông thu chính đợt đầu, nhưng đã bán hết cà phê với giá 70.000 đồng/kg để trả tiền đầu tư phân bón, nhân công…
Đầu 2024, nghe giá cà phê tăng chóng mặt, cả nhà khấp khởi mừng. Ông nhẩm tính bèo lắm với giá cà phê 90.000 đồng/kg thì mùa tới nhà mình việc trả được hết các khoản vay là chuyện nhỏ.
Nhưng, khi nắng như đổ lửa, lòng ao dần vơi, mấy tháng trời không có nước tưới cho cà phê, đất nứt toác, suối cũng cạn khô, có thể thấy con kiến chạy qua đá dưới suối,… thì số tiền tỷ trong ước vọng ấy cũng bốc theo hơi nước.
Nợ nần đè trĩu, lòng ông giờ nóng có khác gì cái nắng đang thiêu đốt cả đất trời.
Vuốt khẽ cụm hoa cà phê đã cháy khô trên cành, giọng ông nghẹn lại: “Nghe giá cà phê có lúc lên hơn 130.000 đồng/kg, tui càng đau cái ruột. Được giá mà mất mùa thì coi như trắng tay. Trời hành vầy thì bao giờ nhà tui mới trả hết nợ, lấy gì mà sống!”.
Trời nắng như đổ lửa, mấy tháng trời không có nước đổ xuống thôn nghèo Giang Thanh (xã Ea Dắh, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) khiến đất nứt toác, lòng ao dần vơi, suối cạn khô...
Tháng Năm rát bỏng. Cây cà phê oằn mình héo rũ trong cái nắng chói chang trưa hè. Sờ từng thân cây chết dần vì khát, giọt nước mắt đắng đót chảy dài trên khuôn mặt lão nông nhăn nhúm.
Ông lặng ngước đôi mắt ầng ậng nước lên nhìn mái nhà, như để nuốt những giọt nước mắt vào trong. Căn nhà xiêu vẹo mặc dù đã khép kín cửa, nhưng nắng và gió vẫn theo những chỗ trống lùa vào khiến trong nhà cũng chẳng khác ngoài trời là mấy,
Giang Thanh là một trong những thôn khó khăn bậc nhất của huyện Krông Năng. Nằm cách trung tâm huyện hơn 30 km, vùng đất này là nơi sinh sống của hơn 130 hộ dân với trên 650 nhân khẩu, đa số đều là người dân tộc Mông, di cư từ miền núi phía Bắc về đây lập nghiệp từ những năm 1999.
Tuy chỉ cách trung tâm xã Ea Dắh chừng hơn 10 km nhưng cuộc sống nơi đây thật lặng lẽ, đìu hiu với cảnh những con đường đất bụi mù vào mùa khô và trơn trượt, nhão nhoét khi đến mùa mưa.
Những khó khăn về điều kiện tự nhiên cũng như thiếu thốn về hạ tầng xã hội khiến hơn nửa số hộ của thôn vẫn thuộc diện hộ nghèo với nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trồng các loại cây trồng ngắn ngày.
“Nơi đây cằn cỗi, chủ yếu đất cát pha sỏi, khí hậu khắc nghiệt, sản xuất nông nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Người dân chỉ trồng được cây bắp, cây mì… để trang trải cuộc sống, chống đói. Song, đất đai ở đây dinh dưỡng kém, nước tưới lại thiếu, nên cây phát triển chậm, năng suất rất thấp, cuộc sống của người dân cứ mãi đói nghèo. Thấy người ta trồng cà phê, nhiều người trong thôn cũng vay tiền ngân hàng đầu tư làm đất, đào hố, mua giống về trồng, nhưng giờ thì nhiều gia đình thất bại rồi”, ông Vi Văn Lanh - Trưởng thôn Giang Thanh thở dài cho hay.
Huyện Krông Năng, với gần 24.000 ha cà phê, là vùng trọng điểm cà phê của tỉnh Đắk Lắk. Nếu xét về tổng thể, diện tích bị ảnh hưởng của hạn hán là gần 1.000 ha tại Krông Năng không thấm tháp vào đâu so với tổng diện tích cà phê tại huyện.
Nhưng nếu so với con số bị ảnh hưởng của toàn tình Đăk Lắk là gần 1.400 ha thì huyện Krông Năng chiếm đến hơn 70%.
Giá cà phê tăng cao chỉ khiến người trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên thêm buồn đậm và sâu.
Theo ghi nhận của VTC News thời điểm giữa tháng 5, giá cà phê trong nước đã giảm nhiều so với mấy ngày trước, nhưng vẫn giữ quanh mốc 100.000 đồng/kg. Một số cơ sở thu mua báo giá tới 100.400 - 100.500 đồng/kg, cũng là mức cao từ trước đến nay.
Ba tháng đầu năm 2024 được coi là thời kỳ hoàng kim đối với cà phê nội địa khi liên tục thiết lập các mức đỉnh mới. So với thời điểm đầu năm 2024, giá cà phê hiện tại đã tăng đến 30.000 đồng/kg, còn so giá với mức giá từ tháng 1/2023 thì giá ở thời điểm hiện nay đã tăng hơn 60.000 đồng/kg.
Có thể nói giá cà phê trong 2 năm trở lại đây, nhất là 3 tháng đầu năm 2024 đã tăng như vũ bão, vượt qua mọi kỳ vọng của thị trường.
Giá cà phê tăng cao khiến người trồng cà phê tại các tỉnh có khi hậu thuận lợi ở phía Bắc phấn khởi vì lãi lớn, nhưng lại khiến nỗi buồn trên những rẫy cà phê cháy hạn Tây Nguyên thêm đậm và sâu.
Ông Y Pốt Niê - Giám đốc Công ty TNHH ÊĐê Café (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) cho biết, giá cà phê tăng kỷ lục nhưng nông dân không được hưởng lợi bao nhiêu.
Thời điểm giá cà phê đạt mốc từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, bà con đã bán gần hết để trang trải các chi phí đầu tư, nhân công. Vì thế, khi giá cà phê tăng vượt mốc hơn 100.000 đồng/kg, người dân không còn hàng để bán. Đây là điều rất tiếc với người trồng cà phê.
Một tuần nay, đã xuất hiện mưa lớn trên diện rộng tại Tây Nguyên. Nhiều nơi mưa to cực đoan như mùa lũ. Đây là cơn mưa đầu tiên sau hơn 5 tháng nắng hạn khốc liệt...
Với cường độ mưa lớn như thế, nếu kéo dài nhiều ngày và rơi vào thời điểm mùa mưa thì chắc chắn gây lũ lụt. Tuy nhiên, thời điểm này thì ngược lại, được xem là "mưa vàng", bởi Tây Nguyên đang trong giai đoạn khô hạn gay gắt.
Nhưng “mưa vàng” đến muộn không cứu nổi hàng ngàn nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên rơi vào cảnh trắng tay, vỡ nợ khi cà phê bị chết cháy, mất trắng nhiều diện tích do hạn hán.
1.500 gốc cà phê thất thu khiến gia đình chị Hoàng Thị Tuyết (41 tuổi, khối 10, thị trấn Đắk Mil, Đắk Nông) lâm vào cảnh nợ nần.
Năm nay huỵên Đắk Mil - một trong những vùng cà phê trọng điểm tỉnh Đắk Nông cũng là nơi gánh chịu nhiều thiệt hại do hạn hán, nhiều gia đình tái nghèo vì cà phê chết cháy, hóa củi, nợ ngân hàng thành nợ xấu, giọt nước mắt đắng chát đang chảy trên những rẫy cà phê héo úa.
Vừa kéo ống nước “vét” nốt những giọt nước cuối cùng trong chiếc hồ nhỏ cạnh nhà để tưới cho hơn 1.500 gốc cà phê, chị Nguyễn Thị Tuyết (41 tuổi, khối 10, thị trấn Đắk Mil) mếu máo: “Cố cứu cây chứ năm nay mất mùa rồi, chắc đói to rồi”.
Sau 3 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, kinh tế gia đình chị Tuyết và nhiều nông dân tại Đắk Mil lâm cảnh khó khăn, phải ứng vốn trước qua các kênh ngân hàng, đại lý… để mua phân bón và các chi phí khác.
Vì thế, cuối năm 2023 ngay sau khi thu hoạch thấy giá đạt khoảng 60.000 đồng/kg, cũng như những hộ khác nhà chị Tuyết cũng đã bán cà phê non, cà phê tươi chứ không tích trữ.
Giá cà phê liên tục tăng cao thời gian qua cũng đã tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng, chế biến. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang đỏ mắt tìm nguồn hàng để thực hiện hợp đồng với đối tác trước đó.
Ông Trần Văn Tâm - đại diện Công ty TNHH thương mại Hòa Thuận (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), chuyên thu mua cà phê bán lại cho các công ty xuất khẩu cho hay, giá cà phê tăng cao thời gian qua là điều ông chưa ngờ tới.
Đây là mức giá cao nhất trong hơn 30 năm qua. Nhiều đơn vị xuất khẩu đặt mua thêm, nhưng ông không còn hàng để bán. Theo ông Tâm, thị trường cà phê biến động khó lường. Để tránh rủi ro, ông thu được bao nhiêu, bán bấy nhiêu chứ không dự trữ số lượng lớn.
Nhiều năm kinh doanh cà phê, ông Tâm nhận thấy, sản lượng cà phê ngày càng ít đi. Dù giá cà phê đang cao nhưng người dân bán không nhiều. Có ngày, công ty của ông thu mua chưa được 10 tấn cà phê.
Theo ông, diện tích cà phê trong dân đã giảm rất nhiều. Theo ông, trước đây hầu như nhà nào cũng trồng cà phê, diện tích khá lớn. Sau vụ thu hoạch, họ mang đến bán cho cơ sở thu mua tính bằng đầu tấn. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, ông thấy sản lượng người dân đi bán giảm nhiều. Bởi, họ đã trồng xen nhiều loại cây khác vào vườn cà phê.
Giá cà phê tăng cao không chỉ khiến nguồn cung khan hiếm mà còn khiến chuỗi cung ứng trong ngành (doanh nghiệp xuất khẩu, nhà rang xay, doanh nghiệp chế biến sâu, đơn vị bán lẻ, quán cà phê…) gặp khó khăn.
Không ít doanh nghiệp đang xoay sở để duy trì việc kinh doanh, thậm chí chấp nhận chịu lỗ để giữ chân khách hàng, đối tác.
Cà phê cháy đỏ cây vì hạn, thương lái đỏ mắt vì gom hàng.
Nhà sáng lập thương hiệu Miss Ede Hoàng Danh Hữu lý giải, giá cà phê nhân tăng cao nhưng doanh nghiệp chưa thể tăng các sản phẩm chế biến sâu.
Điều này xuất phát từ nguyên nhân đơn hàng đã được ký kết, chốt giá toàn hệ thống từ trước. Do đó, việc thay đổi giá bán vào thời điểm này có thể khiến người tiêu dùng và các nhà phân phối quay lưng với doanh nghiệp cung ứng.
Đại diện Miss Ede cũng sẽ đợi động thái của các “ông lớn” trong ngành cà phê như: Netcafe, Trung Nguyên, Vinacafe… Nếu họ điều chỉnh tăng, Miss Ede điều chỉnh cùng lúc thì đó là tất yếu và nhà phân phối cũng như người tiêu dùng sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.
Theo tìm hiểu, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ở “thủ phủ” cà phê đã rục rịch tăng giá. Tuy nhiên, họ cũng “nhìn trước ngó sau”, dè dặt tăng giá, tránh bị tẩy chay, mất khách hàng.
Bà Phạm Thị Thương (chủ quán cà phê Ngọc Khánh, TP Buôn Ma Thuột) chia sẻ, khoảng 5 tháng trở lại đây, giá cà phê điều chỉnh tăng đến 5 lần. Hiện, giá nguyên liệu cà phê bột cũng đã tăng (230.000 đồng/kg).
Tuy nhiên, bà chỉ tăng thêm 2.000 đồng/ly cà phê (từ 15.000 đồng lên 17.000 đồng). Theo bà Thương, nếu tăng giá quá cao, có khả năng sẽ bị khách hàng quay lưng.
Ông Huỳnh Ngọc Dương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đang gom hàng để giao cho đối tác. Tuy nhiên, việc thu mua cà phê vào thời điểm tăng giá không thuận lợi.
Trên địa bàn đã có tình trạng đại lý thu mua cà bị vỡ nợ vì thua lỗ. Để có hàng giao cho đối tác, nhiều doanh nghiệp “bấm bụng” chịu lỗ, chấp nhận mua giá cao hơn giá xuất khẩu để có hàng giao theo hợp đồng, giữ chữ tín với nhà nhập khẩu.
Cây cà phê cao nguyên mùa nắng rát bỏng.
Ngang qua những đồi cà phê trên vùng cao nguyên đất đỏ này có bao nhiêu câu chuyện để nói, để suy nghĩ. Giữa mùa khô rát bỏng, một cao nguyên với hàng triệu nông dân ngày đêm đau đáu về chuyện cà phê được mùa, được giá hay mất giá, mà sâu thẳm hơn là những giấc mơ trải theo chiều dài nhung nhớ được neo đậu một cách bền chặt. Mới hiểu, mỗi giọt cà phê là một giọt đời...
Tây Nguyên có hơn 5 triệu ha đất nông nghiệp; trong đó, 1,3 triệu ha đất đỏ bazan màu mỡ và là một trong những khu vực trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước. Hạn hán kéo dài đang khiến hàng nghìn héc-ta cây trồng khu vực chịu thiệt hại.
Đắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ” của cà phê Việt Nam. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay diện tích cà phê của tỉnh đã xấp xỉ 221.000 ha, chiếm khoảng 43% diện tích cà phê của khu vực Tây Nguyên và hơn 34% diện tích cà phê của cả nước với sản lượng hằng năm đạt từ 460.000 - 500.000 tấn nhân xô.
Bình luận