Theo ông An, việc thực hiện chuyển đổi phương tiện sử dụng phương tiện xanh, không phát thải là một trong những nội dung thuộc Nghị quyết 98. UBND TP.HCM đã giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển thành phố lập đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông.
Công việc này nằm trong chiến lược quốc gia, hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050, đang được Sở GTVT TP.HCM phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất.
"Đề án dự kiến hoàn tất vào tháng 9, ban hành vào quý IV năm 2023 và triển khai thực hiện vào quý I năm 2024", ông An nói.
Ông An cho rằng, với đề án này, TP.HCM mong muốn lượng phát thải ra môi trường sống của người dân sẽ giảm đi. Theo nghiên cứu, mỗi năm, các phương tiện tại TP.HCM thải ra môi trường hơn 74.000 tấn khí thải nguy hại.
"Thành phố có thể thí điểm theo từng khu vực, ví dụ như các quận lõi trung tâm hay một số khu vực khác. Ngoài việc nghiên cứu về trạm sạc, hạ tầng, TP.HCM cũng xây dựng song song việc thu hồi các phương tiện cũ", ông Bùi Hòa An phân tích.
Hôm 6/8, trong chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã đề cập đến việc hỗ trợ người dân từ phương tiện dùng xăng sang xe điện.
Ông Lâm cho hay, để đẩy nhanh tiến độ đề án, thành phố sẽ tập trung vào các nội dung về hỗ trợ sản xuất, lắp ráp, xuất khẩu các phương tiện; hỗ trợ người tiêu dùng, người sử dụng; hỗ trợ hạ tầng, linh kiện điện, pin, trạm sạc; hỗ trợ trong khâu vận hành, khai thác.
Các địa phương sẽ tập trung chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng, xe buýt, taxi, mua sắm khu vực đầu tư công. Thành phố sẽ tăng mức trợ giá, hỗ trợ trạm sạc đối với xe buýt, miễn giảm thuế trước bạ, hỗ trợ điều kiện vận hành, khai thác đối với xe taxi.
Đối với các loại mô tô, xe 2 bánh cũ, thành phố cũng nghiên cứu, khoanh vùng và xác định một số đối tượng thí điểm như huyện Cần Giờ, khu vực trung tâm. Các đối tượng sẽ được hưởng các hỗ trợ gián tiếp bằng chính sách hoặc trực tiếp qua chi phí mua xe điện.
Bình luận