(VTC News) – Làm bóng ở Việt Nam có ai không biết ông Hải “lơ” thẳng tuột ruột ngựa đâu? Vậy mà mỗi lần ông nói thẳng, ối người vẫn cứ "nhảy dựng lên".
1. Mới đây thôi ông Lê Thụy Hải nói thẳng: “HLV Miura của ĐTQG và U23 Việt Nam đã bao giờ cầm quân một đội bóng của Nhật tham dự AFC Champions League. Các đội do ông Miura huấn luyện chỉ là vài đội làng nhàng, chẳng có thành tích gì cả”.
HLV Lê Thụy Hải (Ảnh: Quang Minh) |
Ông Hải "lơ" cũng khuyên mọi người không nên đặt nhiều kỳ vọng vào U23 Việt Nam hiện tại bởi theo ông, đội có nhiều cầu thủ mới lần đầu lên tuyển, và cũng chỉ tập trung được khoảng 20 ngày nên sẽ có nhiều khó khăn, chưa thể bắt nhịp. Trong khi đó, nhìn ở vấn đề thành tích thì chưa thể gọi HLV Miura là giỏi.
Để chứng minh cho những nhận định của mình, ông Lê Thụy Hải phân tích: “Đá giao hữu với Hà Nội T&T thắng nhưng họ có đá hết sức không? Rồi thắng Indonesia thì thắng như thế nào hay nhờ may mắn, không có bài vở gì. Tranh chấp tay đôi thua thì khỏe ở chỗ nào?”.
Về thành tích của HLV Miura, ông Hải nói không sai. Về U23 Việt Nam qua 2 trận giao hữu, chính Miura cũng thừa nhận, đội còn nhiều vấn đề, đội yếu về thể lực, đội thất thế trong tranh chấp tay đôi… và như thế, ông Hải “lơ” cũng nói không sai.
Clip U23 Việt Nam hạ U23 Indonesia
2. Giống như ông thầy họ Lê của B.Bình Dương, ông Miura là một người cũng luôn nói thẳng. Cách đây không lâu, những chia sẻ của ông trên một kênh truyền hình Nhật Bản về bóng đá Việt Nam, về tác phong làm việc của lãnh đạo VFF, thói quen trong sinh hoạt của người Việt… khiến nhiều người trong cuộc “đỏ mặt”. Họ “đỏ mặt” xấu hổ vì những gì ông Miura nói không sai.
Thế nhưng điểm khác biệt giữa ông Miura và ông Lê Thụy Hải là cách tiếp nhận lời nói thẳng từ phía người nghe. Trước ông thầy người Nhật thường là cái cúi đầu thừa nhận còn trước ông thầy quê Hà Đông là những cú “nhảy dựng lên”. Sao thể?
Nhà sử học Dương Trung Quốc trong một cuộc bàn luận về những lời nói thẳng của Miura đã chia sẻ rằng: “Một học giả Phương Tây cách đây vài thế kỷ. Ông tới Việt Nam, được căn dặn rằng đừng hở ra "món gì" hay, bởi người bản xứ có tính rất thích xin xỏ và luôn thử xin những gì mình thích. Ông quan sát thì thấy đúng - cho tới khi tình cờ gặp một ngư dân nghèo vừa đánh xong mẻ cá để chuẩn bị cho bữa cơm chiều.
Thử "thí nghiệm" theo chiều ngược lại, học giả cất lời xin vài con cá tươi, và được người ngư dân nghèo hồn nhiên tặng luôn. Để rồi, học giả ấy viết đại ý rằng dân tộc này cũng có nhiều tính cách mà mình chưa hiểu hết, chẳng hạn chuyện "hay xin" ấy lại xuất phát từ mối quan hệ cộng đồng mà chỉ ở vào hoàn cảnh cụ thể mới bộc lộ hết những mặt tốt của mình.
Ông Miura mới tới Việt Nam được nửa năm và có những ý kiến thẳng thắn, vậy chúng ta phải học cách vượt qua mặc cảm của một xã hội chưa phát triển bằng Nhật Bản để lắng nghe đã. Có sự bình tĩnh để lắng nghe, thì chúng ta sẽ dần học được sự bình tĩnh để cân nhắc để tiếp thu có chọn lọc, dựa trên quan điểm độc lập của mình.
HLV Miura đã có hơn 300 ngày làm việc ở Việt Nam (Ảnh: Quang Minh) |
3. Nếu ai đó dịch những lời ông Hải “lơ” nói thẳng kể trên cho ông Miura nghe, hẳn ông sẽ không “nhảy dựng lên” như nhiều người khác. Bởi bình tĩnh để cân nhắc, để tiếp thu có chọn lọc, sẽ thấy phía sau những lời nói của ông Lê Thụy Hải còn... một lời thừa nhận.
“Nếu nói giống các ông chuyên gia, tôi sẽ bảo mình làm được. Phải nói thế thì mới được mời, mới có thể tồn tại. Nên rất khó cho tôi. Nhưng tôi thì nói thế này, nếu được dẫn dắt U23 Việt Nam, khả năng sẽ còn kém hơn ông Miura!”
Hà Thành
Bình luận