Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, các địa điểm vui chơi nổi tiếng tại TP.HCM thường đông nghịt khách. Để tránh tình trạng chen chúc, đồng thời để nhìn lại dấu ấn lịch sử trong dịp lễ đặc biệt này, bạn có thể ghé thăm các điểm đến lịch sử ngay tại trung tâm TP.HCM.
Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất)
Địa chỉ: Số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 1.
Dinh Độc Lập được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây đã chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử, đặc biệt là sự kiện Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.
Thiết kế Dinh Độc Lập độc đáo, cao 26 m, nằm trong khuôn viên 12 ha, có diện tích khoảng 4.500 m2. Trong đó, diện tích sử dụng lên tới 20.000 m2 với 3 tầng chính, 2 gác lửng, 2 tầng hầm, 1 sân thượng dùng để đỗ máy bay trực thăng. Toàn bộ Dinh có khoảng hơn 100 phòng được trang trí theo nhiều phong cách khác nhau, phù hợp với từng mục đích sử dụng.
Đến nay, dinh thự vẫn là công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc, khẳng định sự tài hoa, khéo léo của kiến trúc sư cũng như những người thợ xây dựng.
Du khách đến thăm rất ấn tượng khi tham quan khu trưng bày các chuyên đề, cũng như dạo bước dưới những tán cây cổ thụ, thỏa thích ngắm nhìn kiến trúc tòa nhà và cảnh quan bao quanh.
Bảo tàng TP.HCM
Địa chỉ: Số 65 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Quận 1.
Giờ tham quan: 8h - 17h các ngày trong tuần.
Bảo tàng TP.HCM là nơi tái hiện Sài Gòn xưa trong lòng TP.HCM hiện đại, nghĩa tình. Nơi này, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan nhất về lịch sử hình thành, phát triển cũng như các cuộc đấu tranh anh dũng dành độc lập, thống nhất đất nước.
Tòa nhà được khởi công 1885, hoàn thành năm 1890 - là chứng nhân lịch sử với bao thăng trầm thời cuộc. Với công trình kiến trúc 2 tầng, diện tích 1.700m2 mang đậm dấu ấn thời phục hưng cùng các thức cột Ionic đã tạo điểm nhấn mặt tiền công trình.
Bảo tàng gồm 9 không gian trưng bày chuyên đề cố định, mỗi không gian là một câu chuyện xuyên suốt tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn - TP.HCM.
Tại đây còn có các bản đồ cổ về lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển thành phố. Đặc biệt, không gian “Văn hóa Sài Gòn - TP.HCM” cho thấy sự phong phú, đa dạng về văn hóa - nét đặc thù của mảnh đất phương Nam. Nơi đây trưng bày những nét văn hóa tiêu biểu của các dân tộc: Việt, Chăm, Hoa, Khmer và sự hợp lưu văn hóa làm nên vùng đất Sài Gòn.
Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Số 2 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1
Nơi này trước 1975 là trường Cao đẳng Quốc phòng, đến năm 1986 chính thức thành lập Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh. Kể từ đó, nơi đây trở thành phòng trưng bày chuyên đề về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Hiện nay, bảo tàng gồm 2 phân khu trưng bày: Khu ngoài trời trưng bày bộ sưu tập pháo phòng không của các đơn vị tham gia trong Chiến dịch và bộ sưu tập xe quân sự, tượng đài Chiến thắng 30/4. Khu trong nhà trưng bày hàng trăm hiện vật gốc, ảnh tài liệu và tài liệu khoa học.
Không gian trưng bày đầu tiên khi bước vào là hệ thống sa bàn điện tử, kết hợp với tivi màn hình lớn đặt ngay ở phòng trưng bày chính, tái hiện lại toàn bộ chiến dịch bằng Tiếng Việt, Anh, Pháp…
Đặc biệt, tại Bảo tàng còn trưng bày hai bảo vật quốc gia, đó là sổ trực ban tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh do các sĩ quan làm nhiệm vụ trực ban tác chiến của Bộ Chỉ huy Tiền phương Chiến dịch tại Căm Xe, tỉnh Bình Dương và Tấm bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh” (phục chế) do Phòng Tác chiến Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam sử dụng từ ngày 15/4 đến ngày 21/4/1975 tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh ở Tà Thiết, Lộc Ninh, Bình Phước.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
Địa chỉ: Số 28 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, Quận 3
Được mệnh danh là "bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á", bảo tàng Chứng tích chiến tranh chuyên về nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về những chứng tích tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh mà các thế lực xâm lược đã gây ra đối với Việt Nam.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh nằm trong khuôn viên 5.400m2 gồm: Nhà trưng bày 3 tầng cùng các công trình phụ trợ với diện tích trưng bày ngoài trời 3.026m2.
Hiện nơi đây đang lưu giữ 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trưng bày qua 8 chuyên đề thường xuyên. Tại sân bảo tàng còn trưng bày bộ sưu tập khí tài hạng nặng như chiến xa, xe tăng, máy bay, các khẩu đại pháo...
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định có trụ sở tại 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1. Đây là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam về lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, đặc biệt, là bảo tàng nằm trong di tích.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định có 7 bộ sưu tập hiện vật quý giá gắn liền với lực lượng biệt động như bộ sưu tập các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân, bộ sưu tập những chiếc xe các chiến sĩ Biệt động đã dùng để đi lại, hoạt động, bộ sưu tập vũ khí hay bộ sưu tập vật dụng sinh hoạt gắn liền với quá trình hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn...
Mỗi hiện vật là một câu chuyện kể sống động, gần gũi mà cũng đầy tính chất huyền thoại của Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Đặc biệt và duy nhất ở bảo tàng là bộ sưu tập hầm bí mật và bộ sưu tập phương tiện đi lại để hoạt động cách mạng của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ - số 202 đường Võ Thị Sáu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3 - đã trở thành một địa chỉ quen thuộc với khách tham quan trong nước, nhất là các tầng lớp phụ nữ và khách nước ngoài đến tham quan TP.HCM.
Bảo tàng có diện tích sử dụng là 5.410m2, có một hội trường với sức chứa gần 1.000 người và hệ thống kho bảo quản rộng trên 700m2. Nơi đây hiện quản lý khoảng 31.360 hiện vật khác nhau cùng gần 15.000 tài liệu phim ảnh và 12.000 đầu sách về phụ nữ. Các hiện vật tại đây chủ yếu liên quan tới loại hình chiến tranh cách mạng và văn hóa.
Bảo tàng cũng dành riêng 2 phòng trưng bày để tái hiện tại hoạt động cách mạng của những người phụ nữ đã ghi tên mình vào lịch sử Việt Nam và thế giới như: Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thị Hồng Gấm, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định...
Tại bảo tàng có phòng trưng bày 3D tại lầu 2 với diện tích 400m2. Phòng trưng bày ứng dụng công nghệ cao để kể lại những câu chuyện, bài học lịch sử một cách trực quan, sinh động nhất.
Bình luận