Sau khi CEO Khaisilk thừa nhận đã bán khăn lụa Trung Quốc gần 30 năm nay, chiều 26/10, Đội Quản lý thị trường 14 (TP. Hà Nội) cùng phối hợp với Cảnh sát kinh tế và lực lượng chức năng đã xuống kiểm tra cửa hàng 113 Hàng Gai (Hoàn Kiếm) bán hàng Khaisilk và lập biên bản, thu giữ một số mẫu hàng.
Sau 3 ngày, tối ngày 29/10, Quản lý Thị trường Hà Nội đã có báo cáo số 3009/BC-QLTT gửi Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương về kết quả kiểm tra cửa hàng Khaisilk tại Hà Nội.
Theo đó, cửa hàng 113 Hàng Gai có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cá thể do UBND quận Hoàn Kiếm cấp do bà Nguyễn Thị Thu Nga làm chủ hộ kinh doanh.
Tại thời điểm kiểm tra, bà Nguyễn Thị Thu Nga cho biết cửa hàng này chuyên kinh doanh các mặt hàng lụa tơ tằm do Việt Nam sản xuất.
Tuy nhiên, do sơ xuất trong quản lý và trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20-10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc "Made in China", sau đó khâu nhãn "Khaisilk - Made in Vietnam" để bán cho khách hàng.
Tổng số hàng hóa mà cửa hàng này đã mua về và thay nhãn là 60 chiếc, đã bán 4 chiếc và còn tồn 56 chiếc.
Giá niêm yết các sản phẩm này là 644.000 đồng/chiếc, với tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng. Toàn bộ số hàng trên đang được thu giữ.
Trước đó, ông Hoàng Khải đã thừa nhận đã trộn 50 - 50 giữa khăn lụa “Made in Vietnam” và khăn lụa Trung Quốc trong gần 30 năm. Hiện tại, các cửa hàng của Khaisilk trên toàn quốc đã tạm ngừng kinh doanh. Ông chủ Khaisilk là Hoàng Khải cũng đóng trang Facebook cá nhân của mình.
Trao đổi với PV báo điện tử VTC News, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho biết, nếu Khaisilk có hành vi mua khăn có xuất xứ Trung Quốc về sau đó gắn nhãn mác “Made in Việt Nam” để bán ra thị trường thì sẽ bị xử lý về hành vi buôn bán hàng giả.
“Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ) nêu ra một số đặc điểm để nhận diện hàng giả, trong đó có nêu rõ hàng giả là hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.
Như vậy, nếu Khaisilk nhập khăn lụa từ Trung Quốc về rồi cắt mác “Made in China” đi sau đó gắn mác Khaisilk với chỉ dẫn nguồn gốc là “Made in Việt Nam” thì sản phẩm này sẽ bị coi hàng giả, bởi nó đã bị giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất”, luật sư Tuấn Anh nói.
Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết thêm, các doanh nghiệp có hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị xử phạt từ 200.000 đồng tới 30 triệu đồng, tùy vào giá trị hàng hóa.
“Người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị phạt thấp nhất là 6 tháng tù, cao nhất là 15 năm”, luật sư Tuấn Anh cho biết
Luật sư Tuấn Anh cho biết, nếu Khaisilk mua bán sản phẩm có hạch toán giá cả, đóng thuế đầy đủ theo đúng quy định pháp luật thì không vi phạm. Tuy nhiên, nếu có gian lận giá mua vào, bán ra sản phẩm, làm sai lệch kế toán dẫn đến hành vi gian lận thuế, trốn thuế thì sẽ bị truy thu thế theo quy định pháp luật.
Ở một góc độ khác, có thật nhân viên Khaisilk tự ý mua khăn Trung Quốc về rồi thay nhãn mác hay không vẫn là điều dư luận không khỏi nghi ngờ.
Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.
Bình luận