Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu nhập khẩu lụa tơ tằm và khăn lụa tơ tằm có xuất xứ Trung Quốc giai đoạn 2015 đến nay. Theo đó, năm 2015, Việt Nam đã nhập 3.763 chiếc khăn lụa từ Trung Quốc. Con số này năm 2016 là 577 chiếc. 9 tháng đầu năm nay, số khăn lụa nhập khẩu tăng vọt, với 4.460 chiếc, giá trị khoảng 5.787 USD.
Trung bình một chiếc khăn nhập khẩu về Việt Nam trong 9 tháng qua ở mức 1,3 USD/chiếc (khoảng 28.000 đồng/chiếc).
Chị Phạm Ngọc Hoa (ở quận Ba Đình, Hà Nội), chuyên buôn bán hàng xách tay khăn lụa chia sẻ, khăn lụa có các loại khác nhau từ hàng của các hãng thương hiệu thời trang lớn trên thế giới cho đến khăn 'hàng chợ'. Chị Hoa cho biết thêm là chị cũng buôn hàng khăn lụa Trung Quốc. “Hàng Châu là thủ phủ khăn lụa của Trung Quốc với đủ chủng loại, mức giá tha hồ lựa chọn. Giá từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng”, chị Hoa chia sẻ.
“Tôi từng đến Thổ Tang, phục ở đó mấy đêm xem vận chuyển và phân phối về Nam hàng rau quả từ biên giới về, thấy đường dây phân phối thật khủng. Hàng Trung Quốc bây giờ cũng biết thiên hạ sợ cái “gốc gác” nên đã kịp thời “kim thiền thoát xác”, bà Hoa nói.
Chị Trần Quỳnh Anh (ở quận Đống Đa, Hà Nội), người chuyên 'đánh' hàng khăn lụa Trung Quốc cho rằng, khăn lụa Khaisilk có giá “trên trời” và việc doanh nghiệp này dính bê bối 'cắt mác' khiến người tiêu dùng sốc. Theo chị Quỳnh, khăn lụa Trung Quốc cũng có hàng cao cấp, hàng bình dân và giá khăn 'hàng hiệu' cũng khoảng hơn 1.000 USD mỗi chiếc.
Ở Trung Quốc có thể nhái thương hiệu nổi tiếng như: Chanel, H&M, Zaza... với giá rẻ hoặc đắt do chính doanh nghiệp đặt.
“Có thể doanh nghiệp đặt giá cao rồi bán giá cao nhưng cũng có thể doanh nghiệp đặt giá chỉ vài chục nghìn đồng để bán giá lên vài triệu đồng mà người mua không thể biết được”, chị Quỳnh nói.
Cũng theo chị Quỳnh, mỗi chiếc khăn lụa giá trung bình khoảng 30.000 đồng là chất lượng cũng tốt và mẫu mã khá đẹp. 'Nếu không sành về nghề và nhìn qua mẫu mã thì chẳng khác gì một chiếc khăn hàng hiệu vì chúng được làm rất tinh vi'.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp phân tích, chuyện Khải Silk chỉ là cái kim trong bọc. Hàng Trung Quốc giờ thống lĩnh không ít lĩnh vực hàng hóa Việt Nam như thời trang (quần áo, giày dép), vật liệu xây dựng, phân bón, thuốc trừ sâu, đồ chơi trẻ em, hàng điện tử….
Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay một số doanh nghiệp Việt Nam nhập hàng Trung Quốc về bán vì giá rẻ, mẫu mã nhiều, giao nhanh, trả tiền chậm…. Nhiều mặt hàng nhập về dễ lừa người tiêu dùng vì dán nhãn lung tung không dễ bị phát hiện. Tuy nhiên, điều này đang giết sản xuất trong nước, làm hỏng niềm tin người tiêu dùng với hàng Việt và có khi bán hàng độc, hại người.
Trước đó, ngày 28/10, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội có báo cáo gửi Cục Quản lý thị trường,Bộ Công Thương kết quả kiểm tra cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm).
Theo báo cáo, cửa hàng 113 Hàng Gai do bà Nguyễn Thị Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể do UBND quận Hoàn Kiếm cấp. Tại thời điểm kiểm tra, bà Nguyễn Thị Thu Nga thừa nhận, cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng lụa tơ tằm do Việt Nam sản xuất.
Video: Những phát ngôn sốc của ông chủ Khaisilk
Tuy nhiên, do sơ suất trong quản lý, trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20/10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc Made in China sau đó khâu nhãn Khaisilk Made in Việt Nam để bán. Tổng số hàng hóa cơ sở đã mua về và thay nhãn là 60 chiếc, đã bán 4 chiếc, còn tồn 56 chiếc. Giá niêm yết sản phẩm là 644.000 đồng/chiếc, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng.
Theo Tổng cục Hải quan, việc nhập khẩu sản phẩm lụa và khăn lụa được thực hiện qua nhiều cửa khẩu. Trong năm 2015, giá trị nhập qua sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) là 1,8 triệu USD, qua cảng Hải Phòng khoảng 1,1 triệu USD, cảng Cát Lái (TP.HCM) khoảng 500.000 USD và sân bay Nội Bài (Hà Nội) là 255.000 USD.
Bình luận