Với chủ đề “Con người, Trái Đất và Sự thịnh vượng”, đây là một trong những hoạt động chính trong Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 28. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị từ Hà Nội.
Hội nghị có 2 phiên, gồm phiên toàn thể với sự tham dự của các nhà lãnh đạo APEC và 63 thành viên ABAC, ngoài ra còn có phiên đối thoại theo nhóm.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến ngày 10/11, các thành viên ABAC đã thống nhất cùng nhau hành động để giải quyết các vấn đề như phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, thương mại, chống biến đổi khí hậu, bất bình đẳng... trên nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm.
Chủ tịch ABAC Rachel Taulelei nhấn mạnh: "Cuộc đối thoại thường niên với các nhà lãnh đạo APEC là cơ hội quý giá để thảo luận trực tiếp với lãnh đạo các nền kinh tế về các khuyến nghị trong báo cáo của ABAC".
APEC được thành lập năm 1989 với sứ mệnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trải qua 32 năm hình thành và phát triển, đến nay, APEC đã đạt được những thành tựu rất quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế ở khu vực, tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2021, 21 nền kinh tế thành viên sẽ tìm kiếm các lĩnh vực có thể hợp tác để nới lỏng các rào cản thương mại và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tập trung vào việc vạch ra con đường để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Bình luận