Phát biểu tại buổi khai mạc, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp (CEO Summit) APEC 2021 Barbara Chapman cho biết sự hòa nhập của người bản địa là ưu tiên hàng đầu đối với việc New Zealand đăng cai tổ chức APEC.
“Chúng tôi rất vui mừng về những khả năng mà Hội nghị APEC CEO Summit 2021 tạo ra. Đây là cơ hội tuyệt vời để các doanh nghiệp New Zealand kết nối với đại diện doanh nghiệp, chính trị gia trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cùng với các đại biểu từ tất cả các nền kinh tế APEC”.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị rằng, nhóm thương mại khu vực APEC đã thực hiện các bước nhằm hạn chế các ngành công nghiệp trong khu vực khỏi việc hỗ trợ cho nhiên liệu hóa thạch.
Bên cạnh đó, bà Ardern cũng cho biết các thành viên APEC phản đối chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19.
Bà cũng kêu gọi các nền kinh tế APEC phải làm nhiều hơn nữa để đưa phụ nữ và người bản địa vào lực lượng lao động của mình, đồng thời cho rằng việc này có thể mang lại những lợi ích kinh tế to lớn khi thế giới phục hồi sau đại dịch.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định APEC cần đi đầu trong trách nhiệm xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật số toàn cầu, vốn rất quan trọng trong việc giải quyết khoảng cách cơ hội giữa người giàu và người nghèo.
Theo ông, khối 21 thành viên đã tạo điều kiện, cải thiện tự do hóa thương mại và đầu tư xuyên biên giới. Khối có vị trí thuận lợi để đi đầu những nỗ lực nhất quán và phối hợp nhằm thiết lập các tiêu chuẩn khi thế giới chuyển sang giai đoạn số hóa tiếp theo. Mục tiêu là có nhiều người hơn tham gia một cách có ý nghĩa vào nền kinh tế kỹ thuật số.
Còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đoàn kết cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19, cởi mở và hợp tác, thúc đẩy chuyển đổi xanh và đổi mới.
Cuộc họp trực tuyến của đại diện các nền kinh tế APEC sẽ kéo dài hai ngày. Hội nghị sử dụng công nghệ phát sóng sáng tạo để kết nối đại biểu 21 nền kinh tế APEC ở ba múi giờ khác nhau.
Bình luận