• Zalo

Khai báo y tế toàn dân được thực hiện thế nào?

Sức khỏeThứ Hai, 09/03/2020 12:43:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thông qua ứng dụng cài trên điện thoại di dộng, người dân có thể khai báo y tế toàn bộ thông tin cá nhân, tiền sử dịch tễ và bệnh lý mãn tính (nếu có).

Từ ngày mai (10/3) Việt Nam sẽ thực hiện khai báo y tế toàn dân, góp phần phòng chống dịch bệnh. Các thông tin khai báo phải được quản lý chặt chẽ, chỉ phục vụ chống dịch, không sử dụng vào mục đích khác.

PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng khẩn cấp (Bộ Y tế) cho biết, việc khai báo y tế toàn dân thực hiện thông qua phần mềm riêng được cài đặt trên điện thoại.

Ở phần mềm này, người dân điền đầy đủ tất cả những thông tin cá nhân cũng như tên, tuổi, địa chỉ lưu trú, số thẻ bảo hiểm (nếu có), tình trạng sức khỏe hiện nay (có mắc bệnh lý mãn tính hay không, trong thời gian qua có sốt, ho hay khó thở…).

Đặc biệt, mỗi người sẽ phải cung cấp tiền sử dịch tễ bao gồm: Có đi từ vùng dịch về hay không? Nhập cảnh vào những quốc gia nào? Vừa qua có từng tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19 hay không? Có từng tiếp xúc với người tiếp xúc với ca bệnh hay không?...

Khai báo y tế toàn dân được thực hiện thế nào? - 1

PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng khẩn cấp (Bộ Y tế).

Từ những thông tin chi tiết trên, cơ quan y tế từng địa phương, khu vực có thể nắm bắt được toàn bộ, chi tiết sức khỏe của bệnh nhân. Từ đó kiểm soát dễ dàng và chính xác hơn với từng người trên địa bàn, kịp thời có những hỗ trợ, liên lạc khi cần thiết.

Ở đây, ngành y tế địa phương sẽ chú trọng hơn đến những trường hợp đi từ vùng dịch về, có tiền sử tiếp xúc với ca bệnh hoặc tiếp xúc với người tiếp xúc.

Về việc xuất hiện hành vi gian dối trong việc thực hiện khai báo y tế, ông Phu cho biết, vẫn có thể xảy ra tình huống này, nhưng do khai báo y tế được thực hiện toàn dân, trong khi mỗi địa phương đều nắm rõ thông tin về người dân khu vực mình quản lý, cộng thêm các biện pháp hỗ trợ nghiệp vụ, những tình huống gian dối sẽ bị phát hiện.

“Khai báo y tế là nhiệm vụ của toàn dân, hiệu quả trong việc phòng chống nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Vì vậy, các gia đình cần trung thực, nghiêm túc chấp hành và chịu trách nhiệm về thông tin của mình. Các thành viên trong gia đình đều phải khai báo. Người già, trẻ nhỏ nếu không thể tự mình khai báo thì những người còn lại có trách nhiệm khai báo hộ”, ông Phu nói.

3 kênh chính thức để người dân khai báo y tế

Kênh 1: Người dân chủ động thực hiện việc khai báo y tế điện tử theo các hướng dẫn tại trang thông tin điện tử http://tokhaiyte.vn hoặc http://suckhoetoandan.vn/khaiyte.

Kênh 2: Người nhập cảnh vào Việt Nam có thể quét mã QR qua điện thoại thông minh tại các sân bay để nhận đầy đủ các thông tin cần khai báo. Sau khi điền đầy đủ thông tin, người dân cần nhập mã xác thực, mã bảo mật, rồi nhấn gửi tờ khai.

Kênh 3: Người dân khai báo y tế qua ứng dụng điện tử (app) NCOVI. App này sẽ ra mắt và chính thức có hiệu lực từ 16h chiều nay 9/3 .Lưu ý, trên tất cả thông tin khai báo, ngoài tiếng Việt, còn có rất nhiều ngôn ngữ khác để người dân lựa chọn.

Khai báo y tế toàn dân được thực hiện thế nào? - 2

Khu phố Trúc Bạch, nơi bệnh nhân đầu tiên nhiễm Covid-19 ở Hà Nội sinh sống được theo dõi, cách ly.

Liên quan đến việc triển khai các nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Quảng Ninh giao các địa phương chủ trì phối hợp đơn vị liên quan thực hiện khai báo y tế, lập hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe của tất cả người dân trong tỉnh từ 9/3.

Ông Nguyễn Trọng Diện - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, TP Móng Cái (Quảng Ninh) từng thực hiện khai báo y tế toàn thành phố để phòng chống dịch Covid-19. Chỉ trong thời gian rất ngắn, TP Móng Cái triển khai tổng kiểm tra, khám sức khỏe cho số lượng rất lớn người dân của thành phố.

Ông Diện cũng thông tin thêm, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo xây dựng app Y bạ điện tử trên thiết bị smart phone, để người dân khai báo y tế và cơ quan chức năng thực hiện theo dõi.

Ngay sau khi app hoàn thành, tỉnh sẽ là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai ứng dụng đối với toàn bộ người dân trong tỉnh.

3 ngày, 14 ca mắc mới, Hà Nội đề nghị công bố dịch

Tối 6/3, Việt Nam xuất hiện ca thứ 17 nhiễm Covid-19. Bệnh nhân là N.H.N. (26 tuổi, trú tại Trúc Bạch, Ba Đình , Hà Nội), làm nghề quản lý khách sạn. Bệnh nhân đang được cách ly nghiêm ngặt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Sau bệnh nhân thứ 17, liên tiếp ba ngày từ 6/3 đến 8/3, Việt Nam ghi nhận thêm 13 trường hợp dương tính với Covid-19, gồm: 4 người Việt Nam và 9 người ngoại quốc. Trong đó có 2 trường hợp là người nhà của bệnh nhân N., 1 bệnh nhân trở về từ Deagu (Hàn Quốc).

Còn lại 9 trường hợp (8 người ngoại quốc, 1 người Việt Nam) là những người đi cùng chuyến bay với bệnh nhân N. trên chuyến bay VN0054.

Khai báo y tế toàn dân được thực hiện thế nào? - 3

Một trong tổng số 14 bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới phát hiện ngày 6/3 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Tại Hà Nội, sau khi ghi nhận 4 ca nhiễm và 1 ca nghi nhiễm, chiều 7/3, UBND thành phố có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị công bố dịch theo quy định.

Như vậy, đến nay Việt Nam ghi nhận 30 trường hợp nhiễm Covid-19. Trong đó 16 trường hợp được chữa khỏi, 14 trường hợp mới phát đang được theo dõi, điều trị cách ly trong tình trạng sức khỏe ổn định.

16 trường hợp trước đó được ghi nhận tại 4 tỉnh, thành phố. Cụ thể, Vĩnh Phúc: 11, TP.HCM: 3, Thanh Hóa: 1, Khánh Hòa: 1.

Ngày 8/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các nhà mạng và đơn vị công nghệ thông tin khẩn trương hoàn thiện phương án tổ chức, công cụ công nghệ để khai báo sức khoẻ toàn dân chậm nhất từ sáng 10/3.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường các biện pháp ngăn chặn, khuyến cáo người Việt Nam hạn chế tối đa việc đi ra nước ngoài, nhất là nước có người nhiễm Covid-19. Nếu thực sự cần đi, phải trang bị đầy đủ kiến thức để đảm bảo an toàn.

Tiếp tục làm thật tốt công tác điều trị, bảo đảm bất cứ ai bị nhiễm Covid-19 cũng được chữa khỏi, như vậy “dù có nhiều ca nhiễm, dù virus Covid-19 đáng sợ thế nào, chúng ta cũng sẽ chiến thắng”.

Video: Tình hình Covid-19 ngày 93, 109.838 ca nhiễm bệnh, 3.805 người chết trên toàn thế giới

 

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn