• Zalo

Khách chật vật vay vốn để đảo nợ, ngân hàng khó chữa bệnh 'thừa tiền'?

Tài chínhThứ Sáu, 22/09/2023 06:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Với việc khách khó vay vốn để đảo nợ, các chuyên gia cho rằng bệnh "thừa tiền" của ngân hàng sẽ không dễ chữa.

Quy định được vay vốn để trả nợ ngân hàng khác theo Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước đã có hiệu lực từ ngày 1/9. Chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp những khách vay đang chịu mức lãi suất cao "nhẹ gánh" hơn, đồng thời giúp ngân hàng hút khách để chữa bệnh "thừa tiền" kéo dài nhiều tháng qua.

Tuy nhiên, sau gần một tháng thực hiện, phần lớn khách đều than các thủ tục vay không dễ và chi phí phát sinh rất lớn, nếu cộng vào lãi suất vay mới cũng không giảm là bao, làm họ thất vọng và sớm không mặn mà. 

Điều này khiến chuyên gia e ngại, bệnh "thừa tiền" của ngân hàng sẽ càng khó chữa. 

Các ngân hàng đang chạy đua hút khách với dịch vụ cho vay đảo nợ. (Ảnh minh họa: Vnbusiness)

Các ngân hàng đang chạy đua hút khách với dịch vụ cho vay đảo nợ. (Ảnh minh họa: Vnbusiness)

TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm, nếu không tháo gỡ các rào cản để khách dễ tiếp cận vay vốn đảo nợ ngân hàng thì khách hàng không thể vay và cũng không còn muốn vay. Việc khơi thông dòng tiền của ngân hàng vì thế sẽ không thể trôi chảy, ngân hàng sẽ lại phải đối diện nguy cơ thừa tiền nhưng vẫn không thể giải ngân.

"Do vậy, muốn thúc đẩy chính sách mới, muốn hút khách thì ngân hàng phải cải cách mạnh mẽ thủ tục, điều kiện cho vay. Có như thế mới kích thích khách vay vốn, mới giải ngân được vốn cho khách hàng và giải tỏa dần dòng tiền", ông Doanh nói.

Chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trong bối cảnh đang "ế" vốn, ngân hàng sẽ rất muốn tìm được một tệp khách hàng để cho vay, nhất là những doanh nghiệp có tình hình tài chính sáng sủa, lại đang là khách của ngân hàng khác mà không có nợ xấu.

Ngoài ra, nếu không cho khách vay vốn đảo nợ thì tăng trưởng tín dụng của ngân hàng rất thấp, trong khi đây đã là quý cuối cùng của năm 2023.

Chính vì điều này nên hiện nay, các ngân hàng đang cạnh tranh rất căng thẳng về data khách hàng, đến mức nhiều ngân hàng chấp nhận hạ trần lãi suất cho vay để tăng sức hấp dẫn.

Tuy nhiên theo ông Hiếu: "Muốn giải bài toán tăng trưởng tín dụng thấp, Chính phủ nên thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để bảo lãnh cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn. Nếu không thì doanh nghiệp, người dân tiếp tục khó vay, còn các ngân hàng tiếp tục ế vốn bởi huy động vào nhiều nhưng cho vay được ít".

Phân tích kỹ hơn về các khoản nợ, ông Hiếu cho biết, ở Việt Nam hiện nay chia thành 5 nhóm nợ gồm: nợ thông thường, nợ cần quan tâm, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ bị mất vốn và nợ có khả năng mất vốn.

Theo ông Hiếu, một ngân hàng mới cho một khách vay để trả nợ cũ không phải là việc dễ dàng. Vì ngân hàng cho vay cũng cần phải thẩm định khả năng trả nợ của khách, thẩm định giá trị tài sản để đảm bảo trả nợ, nhất là trong bối cảnh hiện nay tài sản bảo đảm là bất động sản đang xuống giá nghiêm trọng. 

Ngoài ra, dù cho vay nhưng ngân hàng vẫn phải có một số chi phí nhất định, rồi mức phạt, lãi suất mới...cộng lại có thể thấp hơn không nhiều so với mức lãi suất cũ.

Chính những rào cản này có thể khiến khách ngần ngại không vay khi lợi ích không thực sự nhiều. Vì thế, chừng nào những rào cản này chưa được tháo gỡ thì bài toán tăng trưởng tín dụng của ngân hàng vẫn khó giải.

Khách không mặn mà vay vốn để đảo nợ ngân hàng do vướng nhiều rào cản có thể khiến ngân hàng khó chữa bệnh "thừa tiền". (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Khách không mặn mà vay vốn để đảo nợ ngân hàng do vướng nhiều rào cản có thể khiến ngân hàng khó chữa bệnh "thừa tiền". (Ảnh minh họa: VnEconomy)

Bàn luận về thực trạng trên, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, nhận định, ngân hàng dù đang cạnh tranh nhau để giành khách nhưng họ vẫn phải có những khoản chi phí cao và thủ tục không đơn giản. Đặc biệt, những khách hàng chỉ có một tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng này trả nợ cho ngân hàng kia là cả một quá trình khó khăn.

"Theo thông lệ, các ngân hàng sẽ áp dụng hàng loạt phí có liên quan như phí phạt 1-3% đối với các khách hàng tất toán khoản vay trước hạn trong 1-5 năm đầu. Khoản vay mới cũng sẽ phải kèm theo hợp đồng bảo hiểm mới, phí xử lý tài sản thế chấp và những chi phí khác. Tất cả sẽ làm tăng thêm chi phí đối với khách hàng. 

Nếu không được gỡ khó, khách hàng rất ái ngại khi vay vốn đảo nợ và ngân hàng cũng khó giải ngân để tăng tín dụng", chuyên gia Lê Duy Bình nói.  

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. So với chỉ tiêu cả năm khoảng 14%, con số này vẫn còn cách rất xa, trong khi đã gần hết năm 2023.

Trước đó, tại hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra chiều 15/9, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, việc đẩy vốn tín dụng vào nền kinh tế đang gặp không ít khó khăn, dẫn tới việc “thừa tiền”.

"Nếu thiếu tiền, NHNN có thể cho vay tái cấp vốn, nhưng thừa tiền thì NHNN cũng không ‘cứu’ được”, ông Tú nói.

Thực trạng này rất đáng lưu ý bởi nó diễn ra trong bối cảnh lãi suất ngày một giảm và NHNN nỗ lực tăng cường tín dụng cho nền kinh tế. Từ đầu năm 2023 tới nay, NHNH đã giảm 4 lần liên tục lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5 - 2%/năm, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay.

Ngày 14/8, NHNN thậm chí đã phát đi văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm tiếp lãi suất cho vay tối thiểu là 1,5 - 2%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trước đó, NHNN còn đưa quyết định hiếm thấy là giao hết hạn mức tăng trưởng còn lại của năm 2023 cho các tổ chức tín dụng ngay từ giữa năm, thay vì chia thành nhiều đợt nới "room" tín dụng, rơi vào đầu, giữa và cuối năm như những năm gần đây.

Như vậy, chỉ trong vòng vài tháng, sự trái ngược đã xuất hiện. Vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tình trạng tắc nghẽn vốn và áp lực thanh khoản dẫn đến cuộc đua lãi suất tiền gửi quyết liệt, đẩy lãi suất cho vay lên cao.

Còn bây giờ, lãi suất ngày càng giảm, dự địa tăng trưởng tín dụng cũng còn rất nhiều, nhưng ngân hàng lại đang dư thừa vốn. Nói cách khác là ngân hàng đang mắc bệnh "thừa tiền”. Nguyên nhân, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, là do doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, không muốn vay.

Kể từ ngày 1/9, Thông tư 06 có hiệu lực đã cho phép các ngân hàng được quyền xem xét và quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác. Đáng chú ý, quy định này không chỉ giới hạn cho khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh mà còn cho cả khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống xã hội.

Do đó, khách hàng được sử dụng đa dạng các loại tài sản để đảm bảo cho khoản vay như: Bất động sản, tiền mặt, tài khoản tiền gửi, tiết kiệm…

Trước đây, nếu muốn chuyển khoản vay từ ngân hàng A sang ngân hàng B có lãi suất thấp hơn, người vay sẽ phải tìm cách vay nóng một khoản tiền để tất toán khoản vay đó. Sau đó, mới làm hồ sơ vay mới tại ngân hàng khác. Nhưng hiện nay, khách hàng có thể chuyển hồ sơ khoản vay đó từ ngân hàng A sang ngân hàng B.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn