• Zalo

'Kêu gọi người dân ăn gà thay lợn là duy ý chí, không thực tế'

Thị trườngThứ Hai, 15/06/2020 07:06:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo các chuyên gia, việc chuyển từ ăn thịt lợn sang các loại thực phẩm khác là rất khó bởi loại thịt này chiếm tới 70% trong bữa ăn người Việt.

Liên quan đến việc giá thịt lợn vẫn liên tục tăng cao thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng một trong những nguyên nhân là do cung - cầu chưa gặp nhau. Phải đến quý 4/2020, Việt Nam mới có thể phục hồi được đàn lợn. 

Bộ trưởng Cường cũng đề nghị "người dân không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn cả", cần san sẻ rổ thực phẩm ra với thịt gà, bò, trứng...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phát ngôn của ông Cường chỉ là giải pháp tình thế trong ngắn hạn và chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.

'Kêu gọi người dân ăn gà thay lợn là duy ý chí, không thực tế' - 1

Việc lựa chọn thực phẩm thay thế thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày là điều không dễ. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Chuyên gia nông sản Nguyễn Đình Bích cho rằng nếu như đúng là người dân giảm ăn thịt lợn chuyển sang ăn thịt gà thì có thể giá thịt lợn sẽ giảm, thịt gà có thể sẽ tăng giá nhưng với nguồn cung dồi dào như hiện nay cũng đỡ cho người chăn nuôi bị lỗ vốn.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và không thể giải quyết tận gốc vấn đề là giá lợn tăng cao."Ăn thịt lợn là thói quen ẩm thực của người Việt rồi. Kêu gọi như thế là rất duy ý chí, không thực tế. Ông Cường nói trước Quốc hội về việc ăn gà, cá thay thịt lợn từ năm ngoái nhưng cũng đâu có được. Chẳng nhẽ đến từng nhà bắt người dân ăn thịt gà, ăn cá, ăn trứng. Đây là thói quen ẩm thực của người dân rồi", ông Bích nhấn mạnh.

Đồng tình với ông Bích, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhận định: "Việc Bộ trưởng Cường nói cũng có phần đúng, nhưng chúng ta phải nhìn vào thực tế đó là thịt lợn chiếm tới 70% trong bữa ăn của người Việt. Đây là loại thịt dễ chế biến, có thể làm được nhiều món và dành cho đa số người dân, ai cũng có thể ăn".

Theo nhận định của ông Phú, không chỉ giá lợn hơi bị chênh giá mà gà, cá từ trang trại đến tay người tiêu dùng tăng gấp nhiều lần chứ không phải rẻ. Việc ăn món khác ngoài thịt lợn chỉ là giải pháp tính thế, không ai ăn thịt gà cả tuần được, cá cũng vậy. Trong khi đó thịt lợn chế biến được nhiều món ăn và dễ ăn hơn gà, cá.

Để xảy ra tình trạng giá lợn cao như hiện nay, theo ông Phú nguyên nhân chủ yếu là do bộ Nông nghiệp "tiền hậu bất nhất". Trước đây khi bắt đầu thiếu hụt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói rằng không thiếu nhiều, đến quý III/2020 là cơ bản cung sẽ đủ cầu nhưng đến nay sắp sang quý III, tình trạng thiếu hụt nguồn cung vẫn rất nghiêm trọng. Đến khi giá lợn cao quá lại nói mất cân bằng cung cầu.

'Kêu gọi người dân ăn gà thay lợn là duy ý chí, không thực tế' - 2

"Giá lợn tăng cao một phần là do Bộ NN&PTNT tiền hậu bất nhất". (Ảnh: Ngọc Khánh)

Ông Phú cũng bày tỏ lo ngại về việc sau khi chúng ta nhập khẩu lợn từ Thái Lan: "Giá lợn hơi bên đó tăng lên 70.000 đồng/kg, cộng thêm chi phí khi về đến tay người tiêu dùng có thể sẽ không rẻ hơn so với lợn nội. Trong khi đó Thái Lan vẫn còn dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp".

Như vậy, theo ông Phú, chúng ta sẽ phải đối mặt với việc dịch tả lợn có thể bùng phát trở lại nếu như khâu kiểm soát lợn nhập khẩu không tốt.

Liên quan đến vấn đề nhập khẩu lợn sống, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn hỏa tốc gửi Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia); UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh.

Ngọc Khánh
Bình luận
vtcnews.vn