• Zalo

Kết quả không ngờ sau các tranh cãi nảy lửa về chương trình, sách giáo khoa mới

Diễn đànThứ Ba, 26/01/2021 06:12:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Hết học kì I, nhiều giáo viên đánh giá việc dạy học lớp 1 "dễ thở", chất lượng học sinh ổn định hơn so với chương trình cũ.

Hai tháng đầu tiên của năm học 2020-2021, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới gặp nhiều khó khăn. Nhiều giáo viên, phụ huynh than trời vì chương trình khó, nội dung nặng so với chương trình cũ.

Giáo viên khi ấy chia sẻ phải thường xuyên về nhà muộn vì bài vở quá nhiều. Một số thầy cô miền núi dạy học sinh dân tộc thiểu số loay hoay, than phiền các em khó khăn trong việc đánh vần, ghép từ, đặc biệt nối các từ dài.

Bên cạnh đó, lượng kiến thức trong một bài học lớn, học sinh phải học 2 âm nên các em không theo kịp. Trong khi đó, thời lượng học quá ít, 2 tiết phải thực hiện đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc học kì I, giáo viên lại đánh giá chất lượng học sinh tương đương năm học trước, một số kỹ năng "mềm" có phần nhỉnh hơn.

Kết quả không ngờ sau các tranh cãi nảy lửa về chương trình, sách giáo khoa mới - 1

Học sinh trường Tiểu học Cự Đồng (Thanh Sơn, Phú Thọ).

Với kinh nghiệm 9 năm dạy học lớp 1 ở cả chương trình cũ và mới, cô Chu Thị Huyền, chủ nhiệm lớp 1E, trường Tiểu học Bích Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) nhận thấy, hết học kỳ I, các em đọc thông, viết thạo. Đánh giá theo năng lực thì tất cả học sinh đều đạt, nhiều em đạt ở mức độ cao, đọc thông, viết tốt và hiểu nội dung văn bản dài.

Cô cho rằng, trong chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, kỹ năng đọc - viết, lượng kiến thức được gộp thành các chủ điểm giúp học sinh dễ ghi nhớ hơn.

Ở chương trình cũ, khi hết học kỳ I, các em chưa biết đọc hết vần nhưng ở chương trình mới là các em được tiếp cận hầu hết các vần và văn bản từ sớm. Vì vậy, việc hiểu văn bản để chiếm lĩnh kiến thức, cảm nhận những điều hay cái đẹp trong nội dung giúp các em thích thú học hơn.

Nhờ đó, vào học kỳ II, các em học khá nhẹ nhàng, có thể đọc hiểu, suy ngẫm, tư duy trả lời những nội dung bài tập đọc và viết câu trả lời.

Học sinh lớp 1B, trường Tiểu học Cự Đồng (Thanh Sơn, Phú Thọ) bắt đầu giờ học Tiếng Việt theo chủ đề, bài học "cơ thể thơm tho". Một học sinh được mời lên bảng, đóng vai mẹ - con để trải nghiệm. Khác trước đây, khi gọi lên bảng em nào cũng e dè. Ở chương trình mới, học sinh cọ xát nhiều hơn, thử nghiệm vào vai nhân vật trong bài học.

Thay vì đọc chép như trước, việc học sinh chủ động tiếp cận bài học là một trong những điểm nổi bật của chương trình giáo dục phổ thông mới. Cô Bùi Thị Phương Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B cho biết, kết thúc học kỳ đầu tiên, học sinh lớp 1 tiếp cận với chương trình, sách giáo khoa mới nhẹ nhàng, nhiều kết quả khả quan.

So với chương trình cũ, học sinh đọc lưu loát, đánh vần tốt hơn. Nếu dạy chương trình cũ, đến thời điểm này, một phút học sinh chỉ đọc trôi chảy được hơn 20 từ. Trong khi học chương trình mới, học sinh đọc một phút được khoảng 40 từ, nhiều gần gấp đôi. Kỹ năng tính toán cũng nhanh hơn.

Cô đánh giá, năm ngoái lớp có từ 7- 8 học sinh chưa đạt yêu cầu khi kết thúc học kì I. Tuy nhiên năm nay, lớp cô chỉ có khoảng 3- 4 em không đạt yêu cầu.

"Việc bắt tay vào cái gì mới tất nhiên đều khó khăn. Khoảng vài tháng đầu tiên, chúng tôi "sốc" vì cùng lúc quá nhiều công việc: Vừa tiếp cận sách giá khoa mới, vừa phải thay đổi phương pháp dạy học, soạn bài… Những ngày đầu, chúng tôi "ngạt thở" vì chưa bắt kịp nhưng đến thời điểm này việc dạy và học diễn ra nhịp nhàng”, giáo viên chia sẻ.

Kết quả không ngờ sau các tranh cãi nảy lửa về chương trình, sách giáo khoa mới - 2

Tiết học của học sinh lớp 1 trường Tiểu học Cự Đồng (Phú Thọ).

Tương tự, cô Nguyễn Thị Bích Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, trường Tiểu học Thọ Sơn (Việt Trì, Phú Thọ) đánh giá, so với chương trình cũ, học sinh học chương trình mới tự tin, chủ động tìm hiểu bài học hơn.

Kĩ năng đọc, viết và tính toán nhanh hơn so với chương trình cũ. Đặc biệt, thời điểm này, nếu học chương trình cũ, học sinh vẫn phải viết chữ cỡ lớn nhưng kết thúc kì I, lứa học sinh này đã viết được chữ cỡ nhỏ- một trong những kỹ năng rất khó của học sinh lớp 1.

Kết thúc học kỳ đầu tiên, chị Tống Thị Lan Hương, phụ huynh lớp 1 trường Tiểu học Bích Sơn (Bắc Giang) vui mừng khi con trai biết đọc truyện, viết được đoạn văn dài, tính toán tốt theo các bài học ở trường. Đặc biệt con chị cũng tự tin hơn rất nhiều so với hồi còn học mầm non.

Từ kinh nghiệm bản thân, chị Hương cho rằng, phụ huynh cần tin tưởng, phối hợp thường xuyên với nhà trường, thầy cô trong hướng dẫn con làm bài tập và ôn luyện kiến thức ở nhà để đem lại kết quả tốt nhất.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn