Sputnik dẫn phân tích của chuyên gia năng lượng Marc Ayoub tại Viện Tahir về chính sách Trung Đông cho biết, cuộc tấn công tiềm tàng của Israel vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran có thể phản tác dụng.
"Thiệt hại đối với các cơ sở dầu mỏ của Iran chắc chắn sẽ gây ra hậu quả và tạo áp lực lên thị trường năng lượng toàn cầu", ông Ayoub nhấn mạnh. Ông cũng lưu ý rằng vài ngày qua, giá dầu đã tăng và có thể tăng tới 80 USD/thùng ngay cả khi Israel chưa tấn công Iran.
Bình luận của Ayoub được đưa ra vào thời điểm Israel đang cân nhắc phản ứng trước cuộc tấn công bằng tên lửa trả đũa của Iran. Một trong những lựa chọn là tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran.
Bình luận về vấn đề này, Tổng thống MỹJoe Biden cho biết khả năng Israel tấn công các cơ sở năng lượng của Iran đang được Washington và Tel Aviv "thảo luận". Ngay sau khi thông tin này được công bố, giá dầu thế giới đã có xu hướng tăng nhẹ.
"Điều này có thể tương tự như những gì đã xảy ra khi Iraq xâm lược Kuwait vào năm 1990 tùy thuộc vào quy mô của cuộc tấn công, có thể khiến giá dầu tăng lên trên 100 USD/thùng. Trong khi đó sản lượng dầu hàng ngày sẽ giảm ít nhất 1,5 triệu thùng mỗi ngày", chuyên gia này nói thêm.
Để đáp trả cuộc tấn công, Iran có thể sử dụng vũ khí hạt nhân và chặn eo biển Hormuz. Khoảng 20 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu mỏ đi qua eo biển này mỗi ngày.
"Việc phong tỏa eo biển Hormuz sẽ là một sự leo thang khác và đặc biệt là đối với một số quốc gia vùng Vịnh vì khoảng 27% lượng dầu thế giới phải đi qua đây, bao gồm cả các tàu chở dầu của Iran đến Trung Quốc", ông Ayoub cho biết. Điều này sẽ gây thêm áp lực lên nguồn cung và thị trường.
Trong khi đó, áp lực đối với ông Biden nhằm thắt chặt lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với Tehran từ các chính trị gia Mỹ đang gia tăng sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran. Trước đó, vào tháng 9, một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng đã thúc giục ông Biden cấm Iran bán dầu cho Trung Quốc.
Mặc dù Iran chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ vì chương trình hạt nhân, nước này vẫn có thể bán dầu ra thị trường thế giới và chủ yếu là cho Trung Quốc.
Nguy cơ lớn nhất đối với Iran hiện tại là cơ sở dầu mỏ chính tại Đảo Kharg bị tấn công. Một cuộc tấn công vào Đảo Kharg có thể gây ra tác động đáng kể đối với ngành năng lượng Iran vì cơ sở này chiếm 90% lượng dầu xuất khẩu của nước này.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, tổng lượng dầu xuất khẩu của Iran đạt mức 1,8 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 8. Việc mất đi nguồn cung dầu từ đây sẽ ảnh hưởng đến giá năng lượng thế giới.
Theo Ayoub, Mỹ dường như không muốn bị kéo vào xung đột ở Trung Đông trước cuộc bầu cử tháng 11. "Rủi ro quá lớn khi Mỹ can thiệp quân sự vào Trung Đông và Nhà Trắng có vẻ không có ý định khiến sự việc tiếp tục leo thang", Ayoub kết luận.
Về lý thuyết, Ả Rập Xê-Út và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) có thể bù đắp lượng dầu thiếu hụt bằng cách tăng sản lượng nhưng việc này sẽ mất thời gian.
Chính quyền Biden cũng có thể ứng phó với tình trạng mất điện bằng cách giải phóng kho dự trữ khẩn cấp từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược. Tổng thống Biden cũng từng tích cực rút dầu khỏi các kho dự trữ sau khi xung đột Ukraine nổ ra và đây là nguồn cung cấp dầu khẩn cấp lớn nhất thế giới.
Bình luận