Indonesia đang triển khai khoảng 340.000 binh sỹ tại 20 thành phố để giám sát việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của virus corona ở nơi công cộng.
Nhưng lãnh đạo ở các tỉnh, thành phố cũng đưa ra cách làm riêng để người dân tuân thủ các biện pháp chống dịch.
Tại tỉnh Bengkulu, một đội cảnh sát 40 người được giao nhiệm vụ tìm ra những người vi phạm lệnh phong tỏa, buộc họ đeo các bảng hiệu với nội dung cam kết sẽ đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với những người khác trong tương lai.
Bức ảnh chụp người vi phạm sau đó sẽ được đăng tải lên mạng xã hội. Mục đích của hành động này là để họ cảm thấy xấu hổ ở mức tối đa vì hành động của mình, theo quan chức ở Bengkulu.
"Người dân Bengkulu vẫn không nhận thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy tắc, đặc biệt là việc đeo khẩu trang và không tụ tập thành các nhóm lớn. Điều này là vì lợi ích của bản thân và gia đình của họ", ông Martinah, quan chức cơ quan quản lý trật tự công cộng của Bengkulu cho biết.
Ở tỉnh Aceh, các trường hợp vi phạm các quy định về y tế công cộng sẽ phải chuộc lỗi bằng cách đọc các đoạn trong Kinh Koran.
"Nếu chúng tôi thấy họ không đeo khẩu trang, họ sẽ bị khiển trách", phát ngôn viên của chính quyền địa phương cho biết.
Ở thủ đô Jakarta, giới chức thành phố yêu cầu những người vi phạm quy tắc giãn cách xã hội phải đi dọn vệ sinh các cơ sở công cộng, bao gồm cả nhà vệ sinh.
Tại huyện Sragen, tỉnh Trung Java, những người vi phạm bị nhốt trong các căn nhà bỏ hoang mà người dân tin rằng chúng bị "ma ám". Những căn phòng dùng để nhốt người sẽ được bố trí thêm một vài chiếc giường, ngăn cách nhau bằng các tấm màn che.
Indonesia hiện ghi nhận 24.000 ca mắc COVID-19 và 1.496 người chết. Tuy nhiên, đất nước 260 triệu dân này là một trong những quốc gia có tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 thấp nhất thế giới.
Các chuyên gia lo ngại con số thực về số ca mắc và các trường hợp thiệt mạng vì dịch ở quốc gia vạn đảo có thể cao hơn nhiều so với thống kê.
Bình luận