HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố 2 nghị quyết thay đổi chức danh Chủ tịch HĐQT chỉ trong một giờ ngày 13/4.
Theo đó, ông Yasuhiro Saitoh gửi đơn từ nhiệm chức Chủ tịch ngân hàng vào ngày 6/4. Cuộc họp HĐQT Eximbank ngày 13/4 thông qua việc miễn nhiệm ông Saitoh khỏi chức chủ tịch lúc 10h15 và bầu Phó chủ tịch Nguyễn Quang Thông tạm thời giữ chức Chủ tịch HĐQT để chủ tọa cuộc họp lúc 10h45 cho đến khi HĐQT bầu chủ tịch mới.
Theo đó, Chủ tịch HĐQT Eximbank Nguyễn Quang Thông đã ký nghị quyết 156/2021 miễn nhiệm ông Saitoh khỏi chức danh Chủ tịch.
Nhưng chỉ ít phút sau, ông Saitoh lại được HĐQT Eximbank bầu lại làm Chủ tịch vào lúc 11h10 ngày 13/4. Chính ông Saitoh ký nghị quyết 157/2021 thông qua việc bầu lại ông làm Chủ tịch ngân hàng này. Các nội dung trước đây trái với nghị quyết 157 hết hiệu lực thi hành.
Như vậy, chỉ trong chưa đầy một tiếng, ông Yasuhiro Saitoh bị miễn nhiệm rồi lại được bổ nhiệm làm Chủ tịch Eximbank. Còn ông Nguyễn Quang Thông đảm nhiệm chức Chủ tịch ngân hàng này trong vòng 55 phút. Đây là sự kiện hiếm có trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.
Những việc trên một lần nữa cho thấy nội tình phức tạp bên trong Eximbank khi HĐQT nói riêng và các nhóm cổ đông lớn nói chung không tìm được tiếng nói chung.
Ông Saitoh được bầu làm Chủ tịch Eximbank từ cuối tháng 6/2020 sau khi ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm vị trí này. Nhưng cổ đông lớn nhất tại Eximbank là SMBC (nắm 15% cổ phần) triệu tập đại hội cổ đông bất thường vào ngày 30/6/2020 với nội dung miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT của chính ông Saitoh. Nhưng cuộc họp này không thành công khi không đủ số cổ đông tham dự.
Song song đó, đại hội cổ đông thường niên lần 1 và 2 của Eximbank năm ngoái cũng không thể tổ chức vì số lượng cổ đông có mặt không đại diện đủ lần lượt 65% và 51% cổ phần có quyền biểu quyết để bắt đầu cuộc họp theo điều lệ ngân hàng. Đại hội lần 3 sau đó phải hoãn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong tháng 4, ngân hàng này dự kiến tổ chức lại đại hội cổ đông thường niên 2020 lần 3 vào ngày 26/4 và đại hội cổ đông thường niên 2021 vào ngay ngày hôm sau 27/4. Eximbank đồng thời dự kiến triệu tập một đại hội cổ đông bất thường sau đó theo kiến nghị, yêu cầu của một nhóm cổ đông.
Năm nay, Eximbank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng tới 60% so với cùng kỳ năm nay lên 2.150 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch, nhà băng này sẽ ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất từ năm 2013. Mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2021 tăng 10% lên 177.000 tỷ.
Huy động vốn dự kiến tăng 10% còn dư nợ cấp tín dụng được kỳ vọng tăng 15% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng kỳ vọng dưới 2,5% tổng dư nợ.
Năm 2020, Eximbank là một trong những ngân hàng hiếm hoi sụt giảm cả dư nợ cho vay và tiền gửi khách hàng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của Eximbank vẫn tăng 22% so với năm trước lên 1.340 tỷ đồng.
Bình luận