Tổng Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam đang thực hiện chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.
Chuyến thăm nhằm tiếp tục củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ giữa 2 Đảng làm định hướng cho quan hệ giữa 2 nước, tăng cường quan hệ trên các kênh Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, tạo chuyển biến mới tích cực trong hợp tác bình đẳng 2 bên cùng có lợi, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hơn 7 thập kỷ kể từ khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1950), quan hệ Việt - Trung đã đi qua những thăng trầm nhưng hợp tác hữu nghị vẫn là dòng chảy chính.
Một trong những tổ chức hữu nghị đầu tiên của nhân dân ta với nhân dân các nước được Bác Hồ và Đảng ta chỉ đạo thành lập sau khi Cách mạng Tháng tám thành công là Hội Việt-Hoa hữu hảo, tiền thân của Hội Hữu nghị Việt - Trung ngày nay. Trong chặng đường 72 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đối ngoại nhân dân có vai trò quan trọng và đóng góp to lớn cho quan hệ Việt - Trung với việc tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó, hiểu biết, tin cậy, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, là nền tảng quan hệ xã hội tích cực, nguồn sức mạnh to lớn và thuận lợi cho quan hệ Việt - Trung.
Trong chặng đường 72 năm, hai Ðảng, hai nước và nhân dân hai nước đã dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu. Về hợp tác qua kênh Đảng, hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng ở Trung ương. Dù điều kiện đi lại còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng hai bên vẫn duy trì kênh trao đổi thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt, đạt hiệu quả cao; quan hệ Việt Nam - Trung Quốc duy trì xu thế ổn định và tích cực. Lãnh đạo hai bên đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng, góp phần đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Năm 2008, hai bên nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. Tính đến nay Việt nam và Trung quốc đã thiết lập khoảng 60 cơ chế giao lưu hợp tác từ trung ương đến địa phương, liên quan gần như tất cả các lĩnh vực
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV tại Bắc Kinh, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết, với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua về tổng thể tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, tích cực, đạt nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Về quan hệ chính trị, trao đổi, tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên với nhiều hình thức linh hoạt, góp phần quan trọng vào việc tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước. Đặc biệt, sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 1/2021), Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội hai nước lần lượt có các cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến, đưa ra những định hướng lớn quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh. Hai bên tổ chức thành công Phiên họp lần thứ 14 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc (tháng 7/2022).
Hợp tác kinh tế, thương mại duy trì phát triển ổn định. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới. Về đầu tư, 9 tháng đầu năm, Trung Quốc đứng thứ 4/97 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký cấp mới đạt 1,5 tỷ USD; lũy kế đến tháng 9/2022, Trung Quốc xếp thứ 6/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào VN với tổng số vốn đăng ký đạt 22,438 tỷ USD.
Hợp tác phòng chống COVID-19 đạt nhiều kết quả thực chất. Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vaccine nhiều nhất, đóng góp hiệu quả cho công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam.
Về biên giới lãnh thổ, hai bên đã phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới; đạt được nhận thức chung về kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển phù hợp với Luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, đồng thời tích cực thúc đẩy các cơ chế đàm phán về các vấn đề trên biển, thực hiện hiệu quả DOC, thúc đẩy tiến trình tham vấn COC.
Cách đây 5 năm, sau khi Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã chọn Việt Nam cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của mình. Đây là sự thể hiện truyền thống tăng cường giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước sau Đại hội Đảng, cũng là sự khắc họa “mối quan hệ Trung - Việt vượt lên trên quan hệ song phương theo nghĩa thông thường và có ý nghĩa chiến lược quan trọng.
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tiến hành ngay sau khi kết thúc Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thể hiện sự coi trọng của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đối với vị thế, vai trò quốc tế của Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẳng định mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước bước sang một giai đoạn mới, đi vào chiều sâu, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thức cho nhân dân 2 nước.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, dịch bệnh COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực, nhiều chiều tới tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu, chuyến thăm lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; củng cố tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước, góp phần đưa quan hệ song phương bước sang giai đoạn phát triển mới.
Bình luận