• Zalo

Hướng tới thương mại điện tử xanh để giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

Kinh tế xanhThứ Sáu, 15/12/2023 08:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Cuối năm là thời điểm vàng thúc đẩy thương mại điện tử, nhưng cũng cần phải nghiêm túc xử lý bao bì nylon để môi trường sống không bị bủa vây vì rác thải nhựa.

Tháng 4 năm nay, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử 2023 sau khi các chuyên gia thực hiện khảo sát trên gần 7000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Kết quả cho thấy, xu hướng hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội (Facebook, Zalo…) tiếp tục tăng mạnh, với sự tham gia của 65% doanh nghiệp. Mạng xã hội cũng đồng thời giúp cộng đồng doanh nghiệp xây dựng uy tín, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhanh nhất tới khách hàng.

Thực hành thương mại điện tử xanh sẽ giúp giảm thiểu rác thải nhựa.

Thực hành thương mại điện tử xanh sẽ giúp giảm thiểu rác thải nhựa.

TP.HCM tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2023, tiếp đến là Hà Nội và thứ 3 là Đà Nẵng. Tuy nhiên, Đà Nẵng có chỉ số cách xa so với Hà Nội và vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa Hà Nội, TP.HCM với các tỉnh, thành còn lại.

Gen Z sẽ là đối tượng để tiếp cận và ứng dụng những xu thế mới nhưng để phát triển bền vững thì phải đánh giá đúng vai trò của thế hệ trẻ gen X, gen Y. Phải tiếp tục triển khai hỗ trợ các doah nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương để xoá nhoà khoảng cách” - Ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng Ban hợp tác, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhìn nhận.

Ông Tâm cho rằng cần tiếp tục các hoạt động liên quan đến đào tạo phát triển nguồn nhân lực và đồng thời không chỉ phát triển các nền tảng mà phải quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi người tiêu dùng, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp thương mại điện tử và phải nói nhiều hơn đến bảo vệ môi trường trong thương mại điện tử.

Như vậy, vấn đề đặt ra khi tiêu dùng xanh trở thành xu hướng, thương mại điện tử cũng bắt buộc phải chuyển mình, hướng tới nền thương mại điện tử xanh.

Người dùng đang có xu hướng ngừng mua các sản phẩm, dịch vụ có tác động xấu tới môi trường và xã hội. Đó là lúc thương mại điện tử phải thay đổi. Không chỉ những gói hàng mà ngay cả hành trình của nó từ người bán tới người mua cũng cần phải xanh hơn, bền vững hơn.

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào, ứng dụng nào đặt ra cũng thực hiện được.

Trao đổi với phóng viên VTC News, chị Nguyễn Thị Thu ở Hà Nội cho biết, khi đặt đồ ăn trên ứng dụng Grab, chị thường click vào mục thân thiện với môi trường bao gồm: Khoản đóng góp trung hòa các-bon (tăng thêm 1000 đồng) và chọn mục Không dụng cụ ăn uống nhựa.

Lần nào nhận hàng tôi vẫn thấy người bán cho đũa dùng một lần, thìa nhựa, ống hút nhựa dù tôi đã không lựa chọn” - chị Thu bức xúc.

Xu hướng chợ trực tuyến bùng nổ góp phần gia tăng rác thải nhựa.

Xu hướng chợ trực tuyến bùng nổ góp phần gia tăng rác thải nhựa.

Cuối năm, xu hướng đi chợ trực tuyến càng bùng nổ. Chị Thu cho biết đồ đạc nhà chị 80% là mua online. “Tôi luôn ghi note với cửa hàng rằng hãy bọc ít túi nylon nhất có thể nhưng không phải bên nào cũng chú ý đến câu nhắn ngắn ngủi này” - chị thổ lộ. Sống xanh qua online dường như không dễ.

Rác thải bỏ đi khi mua sắm trực tuyến cao gấp 7 lần so với rác thải bỏ đi khi mua sắm tại cửa hàng. Số liệu thống kê về yêu cầu của người tiêu dùng đối với bao bì từ Tập đoàn thiết bị đóng gói Shorr cho thấy, có khoảng 86% người tiêu dùng cho biết có nhiều khả năng mua hàng từ các nhà bán lẻ hơn nếu bao bì bền vững; đồng thời 77% người tiêu dùng mong đợi nhiều thương hiệu cung cấp bao bì bền vững 100% trong tương lai.

Bao bì bền vững được định nghĩa là phát triển và sử dụng bao bì có thể tái chế, tái sử dụng và được làm từ các nguồn tài nguyên hoặc vật liệu tái tạo nhanh chóng.

Người tiêu dùng có thể thích những sản phẩm phù hợp, giá thành rẻ nhưng sẽ có thiện cảm với doanh nghiệp có bao bì, quy cách đóng gói thân thiện với môi trường” - anh Nguyễn Văn Mạnh ở Đà Nẵng chia sẻ. Anh Mạnh thường mua lại nhiều lần với các cửa hàng online có thông điệp xanh trong kinh doanh.

Cam kết Net - zero đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, hỗ trợ quốc tế dành cho Việt Nam, cũng như đặt ra nhiệm vụ xem xét và cập nhật các chính sách, chiến lược quốc gia trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có kinh tế tuần hoàn.

Ông Vũ Quốc Anh, Quản lý dự án của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Điều phối Liên minh Hành động vì khí hậu, cho rằng cam kết Net - zero là bước ngoặt rất lớn cả về mặt chính trị và triển khai hoạt động ở cấp địa phương, cũng như cấp Bộ ngành, các đối tác tại Việt Nam.

Cam kết chính trị được đưa ra, các chính sách liên quan cả về mặt môi trường, nông nghiệp, sản xuất đều tập trung vào mảng phát triển tuần hoàn để thúc đẩy giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải, tiêu dùng xanh” - ông Vũ Quốc Anh nhấn mạnh.

Để có thương mại điện tử xanh, cần phải bắt đầu từ tư duy kinh doanh, quy cách tạo ra sản phẩm và đóng gói sản phẩm. Chính doanh nghiệp cũng đang tác động ngược lại với người tiêu dùng, “huấn luyện” tạo thói quen “tiêu dùng xanh” đến khách hàng của mình.

Anh Thu
Bình luận
vtcnews.vn