• Zalo

Hùng kê quyền Việt Nam danh trấn giang hồ

Thể thaoChủ Nhật, 29/01/2017 10:38:00 +07:00Google News

Từ một bài võ bí truyền dưới thời Tây Sơn, tưởng như có lúc đã mai một, Hùng Kê Quyền đã trở thành danh trấn giang hồ.

Ngay sau khi ra đời, Hùng Kê quyền lập tức được các nghĩa quân Tây Sơn tập luyện và ứng dụng rộng rãi bởi tính hiệu quả của nó. Sự lợi hại của Hùng Kê quyền đã được các anh hùng hào kiệt trong giới võ lâm đương thời nể phục.

Tương truyền, một võ sư Thiếu Lâm muốn khảo chừng uy lực của Hùng Kê quyền đã tìm đến Tổ sư bài quyền này khích bác: Đến như hổ báo kia đã hùng chưa mà kê dám xưng hùng?

Khi ấy Nguyễn Nhạc vốn đang chiêu hiền đãi sĩ, trong nhà có rất nhiều hào kiệt, không muốn mất hòa khí đang gây dựng nên bảo em (Nguyễn Lữ) cố ý tránh né, nhưng vị võ sư nọ vẫn một mực muốn so tài. Cực chẳng đã, cuối cùng Nguyễn Lữ đành nhận lời giao đấu.

Co-VoSu-Tran-Tien-3

 Hùng kê quyền rất linh hoạt và có tính thực chiến cao.

Vào trận, trường quyền của vị võ sư như giông bão liên hồi phủ xuống nhưng Nguyễn Lữ vẫn cứ ung dung xuyên qua xuyên lại nhanh nhẹn trước một đối thủ hung hãn nhưng chậm chạp.

Suốt 1 canh giờ, quyền của vị võ sư không đụng được vào áo của Nguyễn Lữ. Vào khoảnh khắc khi đối thủ lộ sơ hở, Nguyễn Lữ với một chiêu duy nhất, knock out đối thủ. Đến lúc đó, kẻ thách đấu mới hoàn toàn tâm phục, khẩu phục.

Các đòn đánh của bài quyền Hùng Kê cực kỳ chuẩn xác và biến ảo khôn lường. Thần thái của bài quyền là sử dụng sức mạnh của nước để đánh đối phương. Nước có thể len lỏi qua mọi ngóc ngách nhưng khi tập trung lại thì mạnh như thác lũ.

Hùng Kê cũng vậy. Nó rất linh hoạt, khi thì đánh vây tứ phương tám hướng như trận đồ Bát quái, như nước lũ tràn về, dùng ba đến bốn mũi giáp công chỉ nhằm đánh vào một điểm, khi thì đánh từ dưới thấp lên cao, từ trên cao phủ đầu xuống thấp… khiến đối phương khó lòng tránh né.

Cũng giống như các bài quyền khác của võ Cổ truyền Việt Nam. Hùng Kê Quyền cũng chứa đựng những đức tính tiêu biểu cho người Việt Nam.

Con gà có dáng đi đẹp, đôi chân có cựa sắc bén thể hiện cho tướng võ, trên đầu lại có mào như tướng văn. Thấy kẻ thù dù to lớn nhưng không khiếp sợ đó là đức dũng, trong lúc chiến đấu luôn uyển chuyển, biến ảo đó là đức trí, khi gặp mồi không ăn ngay mà gọi đàn cùng đến là đức nhân.

hung-ke

 Cố võ sư Ngô Bồng - người có công phục dựng lại Hùng kê quyền.

Hùng Kê quyền ngày nay được cố võ sư Ngô Bông (Quảng Ngãi) chuẩn hóa và giới thiệu tại Hội nghị chuyên môn Võ cổ truyền toàn quốc lần thứ nhất năm 1993. Toàn bài có 48 chiêu thức, xoay quanh lời thiệu 8 câu:

Lưỡng kê giao nạp thủy tranh hùng

Song túc tề phi trảo thượng xung

Trấn ải kim thương như bạch hổ

Thủ quan ngân kiếm tợ thanh long

Xuyên hầu độc tiễn tàng ư trác

Hồi thủ đơn câu thủ tự hung

Khiêu, tẩu, dượt, trầm, thiên sở tứ

Nhu, cương, cường, nhược, tận kỳ trung.

Dịch nghĩa:

Hai con gà chọi nhau để tranh hùng

Hai chân cùng bay, móng chân đâm hất lên

Trấn biên ải, cây thương vàng như cọp trắng

Giữ cửa quan, lưỡi kiếm bạc tựa rồng xanh

Mũi tên độc đâm vào hầu được cất giấu từ mỏ gà (mổ thóc)

Quay đầu móc đâm vào ngực kẻ địch

Chạy, nhảy lên, luồn, hụp xuống là thế trời cho

Mềm, cứng, mạnh, yếu, tất cả đều trong bài quyền này.

Bài thiệu trên lồng chứa tất cả cốt lõi của nền võ trận Việt Nam, nó mang một nguyên lý khoa học ở võ thuật, nghệ thuật chiến đấu mà nhà Tây Sơn đã có công sáng tạo dựa trên nguyên tắc: thấp có thể tranh cao; nhỏ có thể đánh lớn; yếu có thể đánh mạnh; gần có thể đánh xa mà vẫn có thể chiến thắng được đối thủ…

Hiện nay, bài Hùng Kê quyền đã trở thành bài quyền mang tính đại trà, bất cứ một VĐV thi đấu ở nội dung biểu diễn nào cũng phải biết vì nó mang tính bắt buộc. Nhưng để đánh chuẩn xác, đẹp và có hồn thì không phải VĐV nào cũng làm được.

Từ một bài võ bí truyền dưới thời Tây Sơn, tưởng như có lúc đã mai một, Hùng Kê Quyền đã trở thành danh trấn giang hồ và được Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam đưa vào hệ thống những bài quyền thi đấu bắt buộc tại các giải.

Kể từ khi nước ta mở rộng hội nhập, quan hệ hợp tác và phát triển toàn diện với tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài yêu chuộng Võ cổ truyền Việt Nam có cơ hội đến nước ta nghiên cứu, thi đấu, biểu diễn, giao lưu và học tập võ cổ truyền.

Hiện nay, võ cổ truyền Việt Nam đã có mặt ở 35 quốc gia với hàng ngàn võ sinh tập luyện thường xuyên, Hùng Kê Quyền theo đó cũng đến với bạn bè quốc tế ở khắp năm châu.

Tiểu Hàn
Bình luận
vtcnews.vn